TTVH Online

“Gỡ rối tâm lý” cho ĐT

27/11/2011 11:27 GMT+7

Sau khi TT&VH đưa Diễn đàn độc giả: Vì một nền bóng đá Việt Nam tươi sáng và trong sạch hơn lên TT&VH Online, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả.

(TT&VH)- Sau khi TT&VH đưa Diễn đàn độc giả: Vì một nền bóng đá Việt Nam tươi sáng và trong sạch hơn (http://www.thethaovanhoa.vn/493N20111123161001012T490/dien-dan-doc-gia-vi-mot-nen-bong-da-viet-nam-tuoi-sang-va-trong-sach-hon.htm) lên TT&VH Online, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả. Và anh Đào Tiến Dũng, thạc sỹ tâm lý thể thao đang sinh sống ở Thụy Điển (địa chỉ e-mail sportpsychologyconsultants@gmail.com), là một trong những độc giả như thế.

Từ Thụy Điển, anh Dũng đã viết e-mail gửi cho TT&VH với rất nhiều tâm huyết cho nền bóng đá nước nhà. Trong e-mail có tiêu đề: “Tuyển dụng chuyên gia tâm lý cho các ĐTQG-giải hạng Nhất”, anh Dũng viết: “Tôi đã theo dõi các bài báo về thất bại của bóng đá VN tại SEA Games 26. Có rất nhiều yếu tố dẫn tới thất bại này nhưng tôi chỉ xin đề cập tới yếu tố tâm lý, trong bài báo phản ánh về hạn chế của HLV Goetz trong việc hỗ trợ tâm lý cho các cầu thủ.

Tôi cho rằng các HLV dù rất giỏi về chuyên môn nhưng nhiều khi lại không có kỹ năng tâm lý, hoặc quá bận để chú ý đến vấn đề này. Các ĐTQG hay hạng nhất ở các nước khác đa số có chuyên gia tâm lý rèn luyện trước và trong các trận đấu vì trong thể thao, tâm lý chiếm vai trò quan trọng ngang với kỹ thuật và thể lực”.



U23 VN và kỳ SEA Games đáng quên

Anh Dũng nhận xét: “Sau mỗi giải đấu VN luôn nói đến việc cần hỗ trợ tâm lý cho các cầu thủ nhưng nhiều năm rồi tôi vẫn chưa thấy VFF thuê ai. Một trong những lí do có thể là các chuyên gia tâm lý nước ngoài không thể làm việc này ở VN do rào cản ngôn ngữ và văn hóa. (Khác với công việc của HLV, tư vấn tâm lý không thể làm tốt nếu phải thông qua phiên dịch); trong khi đó ngành tâm lý thể thao còn quá mới ở VN và chúng ta hầu như chưa có chuyên gia được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này”.

Có thể anh Dũng xa VN đã lâu nên không rõ, nhưng ở VN thực ra cũng có ngành Tâm lý thể thao, và môn này đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường ĐH TDTT Bắc Ninh từ năm 1959 và tới năm 1998 được tách ra thành một bộ môn độc lập. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cho ĐT quả là vấn đề cực kỳ mới mẻ, vì dường như bóng đá VN ở cấp độ ĐTQG trong gần 20 năm qua luôn tồn tại quy luật bất thành văn là HLV trưởng phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ kỹ chiến thuật, thể lực và dĩ nhiên là cả tâm lý.

Với bóng đá quốc tế, việc phân nhiệm cho từng thành viên trong BHL cho những vai trò cụ thể đã trở thành chuyện phổ biến, và ở Đông Nam Á một số đội bóng như Malaysia, Singapore hay Thái Lan cũng đã thực hiện điều này, song với bóng đá VN thì việc phân nhiệm như thế còn rất xa lạ. Khi chuẩn bị sang VN, HLV Falko Goetz từng có ý định mang theo 2 cộng sự, nhưng sau đó ông đã hủy bỏ dự định này vì nhận được lời khuyên rằng VFF sẽ không đủ tiền để trả lương cho ông và 2 trợ lý riêng. Bởi vậy, việc HLV Goetz có một trợ lý chuyên lo chăm sóc hồi phục thể lực cho cầu thủ như thời gian vừa qua đã có thể coi là một cuộc cách mạng, còn để có chuyên gia tâm lý cho các tuyển thủ có lẽ phải chờ một tương lai không ngắn.

Hoàng Anh



Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN