TTVH Online

Người Việt ăn mấy bữa?

13/11/2011 13:43 GMT+7

Trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt, tôi đã khảo sát ba bữa ăn trong một ngày.

(TT&VH) - Trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt, tôi đã khảo sát ba bữa ăn trong một ngày. Đó là sự nhận xét nói chung từ những thời no đủ, còn trong lịch sử, không ít giai đoạn người Việt thiếu lương thực triền miên, nên bình dân không tài nào có đủ ba bữa ăn trong ngày.

1. Ăn một bữa, hai bữa và ba bữa trong một ngày tùy thuộc vào tình hình lương thực cụ thể, nhưng ăn nhiều lần theo một kiểu nào đó sẽ trở thành thói quen, rồi thành tập tục.

Họa sỹ Phan Bảo cho rằng phần đông người Việt thời xưa chỉ ăn có một bữa. Ý kiến này cũng được nhiều người già tán thành, vì chính họ cũng trải qua thời ăn một bữa. Nhà văn Nguyễn Văn Chương cũng cho rằng người làng ông từng ăn một bữa. Họa sỹ Phan Bảo xuất phát từ các làng Thanh Hóa, còn nhà văn Nguyễn Văn Chương từ làng Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông Chương nhắc lại câu nói có tính chất thông tục xưa : Tối đi ngủ còn ăn làm gì.

Nhưng ăn một bữa hay nhiều bữa thì vào những thời điểm nào. Thuyết ăn một bữa cho rằng bữa này khá sớm, đôi khi là hai giờ sáng, nếu có người đi chợ xa và đi cày. Tại sao lại phải đi cày sớm như vậy, lý do là người nông dân nghèo phải mua chung trâu, thường là họ chỉ có một móng trâu, thậm chí là nửa móng. Trâu có bốn chân tám móng, có nửa móng trâu nghĩa là 16 nhà chung một con, có một móng trâu tức là tám nhà chung một con. Như vậy phải sau tám ngày, hay 16 ngày mới tới lượt nhà mình cày, nên người ta dậy rất sớm và cày cả ngày mới xong phần ruộng của mình. 



Bữa ăn trưa của một nhà nông ngoại thành Hà Nội. Ảnh Pierre Dieulefils. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20.

Xưa kia chợ gần cũng phải ba bốn cây số, chợ xa hàng chục cây số, nên dậy từ nửa đêm đi đến sớm sáng mới tới chợ. Việc ăn một bữa trong khoảng thời gian từ 2 giờ sáng đến 5 rưỡi sáng, tùy từng người và công việc. Ban ngày tất đi làm, chăn trâu, hái củi, ra đồng, đi buôn... tùy theo tình cảnh mà ăn ngoài đường, tức là có gì ăn nấy, củ khoai, củ sắn, trái cây, con cá... bắt lấy từ tự nhiên. Người dân Tây Nguyên cũng ăn như vậy, một bữa sớm ở nhà, và ăn linh tinh ban ngày trên rẫy, hoặc nhịn.

Ông Chương nói rằng làng ông vùng đồng chiêm trũng, xưa chỉ trồng được một vụ, nên gạo thóc thiếu. Mẹ ông đi chợ xa, thổi cơm ăn sớm từ nửa đêm, và đem theo hai nắm cơm nhỏ, nếu đói thì ăn ở ngoài đường. Nhưng bà không bao giờ ăn hết, mà thường dành một nắm đem về, cho đứa bé nhất nhà. Lục cơm nắm thừa của người đi xa cũng là niềm thích thú của trẻ con xưa.

2. Thời Bao cấp từ những năm 1954 - 1975, ở Hà Nội, người ta cũng chỉ ăn hai bữa, bữa trưa và bữa tối. Ai khá giả lắm mới có tiền ăn quà sáng. Khi bom đạn ác liệt, bữa trưa đôi khi đổi thành bữa sáng, người ta ăn muộn vào chừng 9h, rồi đến tối mới ăn, vì buổi trưa thường là giờ cao điểm, báo động liên miên. Những người đi làm, mang theo một cặp lồng cơm và ăn trưa ở cơ quan.  Bữa tối mới là giờ tụ họp gia đình.

Nông dân Phú Thọ, cũng ăn qua loa sáng sớm, trưa nhịn, hoặc ăn củ sắn củ khoai, bữa tối ăn chính. Nông dân Hà Tây cũng ăn bữa sáng và trưa thay đổi tùy theo hoàn cảnh chiến tranh. Bộ đội ăn ba bữa, hai chính và một phụ, bữa phụ là một bát cơm. Sau chiến tranh lương khô thừa nhiều, người ta cấp phát lương khô thay cho bữa phụ.

Có thể nói trong thế kỷ 20, do chiến tranh liên miên, dân số gia tăng, lại giai đoạn Bao cấp kinh tế ách tắc, nên nhiều lúc lương thực thiếu trầm trọng. Người Việt Nam cũng phải uyển chuyển tùy thời để điều chỉnh thu nhập và chi tiêu hàng ngày, nên đã có những thời gian dài, ăn một bữa đã trở thành tập tục. Ấy là không kể những lúc ăn độn, ăn cháo, ăn bo bo, khoai, sắn thay cơm.

Phan Cẩm Thượng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN