TTVH Online

Ở đâu có "hit" ở đó có trát hầu tòa (Bài kết)

09/11/2011 07:14 GMT+7

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại Mỹ việc sử dụng sample cũng cực kỳ rắc rối và thường thì phải đến khi ca khúc ấy trở thành “hit” thì người mới bắt đầu “soi”.

(TT&VH Cuối tuần) - Thật ra đó là câu cách ngôn mà luật sư về bản quyền âm nhạc Ian Clifford ví von. Nhưng thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại Mỹ việc sử dụng sample cũng cực kỳ rắc rối và thường thì phải đến khi ca khúc ấy trở thành “hit” thì người mới bắt đầu “soi”. Và không phải lúc nào “soi” cũng được, quan trọng nhất của việc dùng sample, vẫn là câu chuyện đạo đức.

Sample is not simple(hay Chuyện dùng sample không đơn giản)

Năm 2007. Lại cũng “cô gái hư” Rihanna (ca sĩ có ca khúc Princess of China bị xem là giống Ra ngõ tụng kinh) bị tố liên quan đến một vụ kiện bản quyền nhạc, lần đó là bản hit Don’t Stop The Music đã thống trị hầu hết mọi sàn nhảy từ lớn đến bé, từ Mỹ sang Việt Nam. Đoạn ê a (vẫn là ê a) tiếng châu Phi “ma-ma-ko ma-ma-sa ma-ka-ma-ko-ssa” trong đoạn điệp khúc (chorus) của bài hát lấy quá rõ ràng từ đoạn nhạc trong Wanna Be Starting Something (1983) của Michael Jackson, và tất nhiên Rihanna, theo thông lệ, đã để tên Michael Jackson rất rõ ràng trên bìa album của mình. Tuy nhiên chuyện rắc rối chỉ bắt đầu, tương tự như trường hợp liên quan tới ca khúc Ra ngõ tụng kinh mới đây, khi cả Michael Jackson và Rihanna đều bị Manu Dibango, một nghệ sĩ funk-jazz người Cameroon, kiện ra tòa án Paris vì cho rằng họ đã ăn cắp từ bài hit nổi tiếng nhất của ông mang tên Soul Makossa sáng tác từ năm 1972. Đến khi ông vua nhạc pop Michael Jackson qua đời, vụ kiện này vẫn chưa ngã ngũ.

Nói vậy để thấy, kể từ khi sample bắt đầu được các nghệ sĩ chú ý khai thác rộng rãi đến đại trà từ hai thập kỷ

Vụ Manu Dibango, một nghệ sĩ funk-jazz người Cameroon kiện Michael Jackson và Rihanna đã đạo bài hit của ông - Soul Makossa - đến giờ vẫn chưa ngã ngũ.

Trước khi đi sâu hơn đôi chút về sample, hãy lạm bàn một chút về sáng tạo, hay đúng hơn là cách chúng ta ghi nhận sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm âm nhạc, có hay không có lời và bất kể thời lượng từ siêu dài cho đến siêu ngắn, miễn do một tác giả sáng tác - theo cả nghĩa rộng lẫn hẹp - hoàn toàn có thể xem như một tác phẩm độc lập một khi đã được trình ra trước công chúng theo mọi hình thức, từ nhạc hiệu radio đến nhạc hiệu truyền hình, thậm chí kể cả một hiệu ứng âm thanh. Trên thế giới, hệ thống Q sheet (Q sheet hay còn gọi là cue sheet, là chuỗi dữ liệu lưu trữ đoạn nhạc/ca khúc, tác giả, năm xuất bản, số lần sử dụng...) đã và vẫn đang được áp dụng rộng rãi để ghi lại việc sử dụng (và truy thu tác quyền) các tác phẩm như thế này.

Hiểu theo cách chân phương nhất, sample là những đoạn nhạc “mẫu” được lấy từ tác phẩm gốc ban đầu và sử dụng vào mục đích hoàn toàn mới. Trong âm nhạc, sample là những đoạn âm thanh từ nhiều nguồn gốc khác nhau được các tác giả sử dụng lại để tạo nên âm nhạc của họ. Trong thời đại Internet hiện nay, ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy vô số thư viện beat (nhịp) miễn phí hợp pháp lẫn không hợp pháp có sẵn trên mạng. Những thư viện này không hề xa lạ với những người làm nhạc amateur (khôngchuyên) và underground (không chính thống), nhưng vấn đề tác quyền mập mờ cộng với việc khó có thể tìm được đoạn beat thật sự ưng ý khiến những nghệ sĩ có ý định đầu tư cho sự nghiệp nghiêm túc hơn sẽ tìm đến những beatmaker, người tạo beat chuyên nghiệp. Đặc biệt trong dòng nhạc hiphop, người chơi phụ thuộc nặng vào beat của nhạc điện tử và hầu hết những DJ và nhà sản xuất ở dòng nhạc này đều kiêm cả nghề tay trái là beatmaker. Không ít người trong số họ tạo dựng được tên tuổi vững chắc và phát hành album riêng của mình với sự tham gia của những ngôi sao nổi tiếng.

Ở Việt Nam, ban đầu việc tạo beat do những nhạc sĩ đa - năng như Võ Thiện Thanh, Huỳnh Nhật Tân, Hồ Hoài Anh... đảm nhiệm, nhưng theo sự phát triển vũ bão của nền công nghiệp âm nhạc, lớp nhạc sĩ trẻ, mới và tài năng xuất hiện với kỹ năng tạo beat ở mức cao như Dương Khắc Linh, Addy Trần hay mới đây hơn là những thành viên của nhóm Feel Of Life Records.

Sample - Vay mượn, học hỏi hay phái sinh?

Tất nhiên, những nhà sản xuất kể trên ngoài sử dụng beat do chính mình tạo ra còn vay mượn kha khá những tác phẩm hoàn chỉnh để đưa vào làm phong phú bản phối của chính mình, ví dụ như trường hợp của Rihanna và Michael Jackson đã nhắc tới ở đầu bài viết.

Trong 90% trường hợp thuộc loại “đi tìm cảm hứng” này, đa phần sample đều bắt nguồn từ một bản nhạc hoàn chỉnh, mà trong đó, nhạc cổ điển là lựa chọn được sử dụng rộng rãi với nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, không ai có thể phủ định được tính kinh-điển của nhạc cổ-điển, do đó tại nước ngoài nhạc cổ điển luôn là một phần quan trọng trong các khóa học Music Appreciation (cảm thụ âm nhạc) vốn được phổ cập rất rộng rãi. Hơn nữa, một đặc điểm quan trọng đối với nhạc cổ điển là trong quy định về luật bản quyền quy định là tác phẩm của những tác giả đã qua đời được 75 năm thì sẽ chính thức thuộc về sở hữu công (public domain), đồng nghĩa với việc không một cá nhân hay chủ thể luật pháp nào có thể thiết lập hay giữ quyền sở hữu. Do đó, các thông tin hay sự sáng tạo này (gọi chung là tác phẩm phái sinh) được coi như một phần di sản văn hóa chung của nhân loại mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng và thu lợi. Không cần đâu xa xôi, ngay ở Việt Nam, album Chat với Mozart của nữ ca sĩ Mỹ Linh với phần lời Việt do nhạc sĩ Dương Thụ thực hiện đã từng gây ra những tranh cãi về bản quyền nhưng lại hoàn toàn hợp lệ về mặt pháp luật.

Album My Beautiful Twisted Dark Fantasy của rapper/producer lừng danh Kanye West để dày đặc tên các đoạn sample mà anh sử dụng lại. Sự phong phú trong chất liệu album, từ cổ điển đến progressive rock, hẳn nhiên góp phần không nhỏ cho thành công vượt bậc của album này

Với âm nhạc đại chúng, sự phát triển của nhạc electronic và nhạc hiphop đã thúc đẩy việc sử dụng sample trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Một trong những trường hợp sử dụng sample sớm nhất được ghi nhận phải kể đến ban nhạc electronic người Nhật Yellow Magic Orchestra đã sử dụng giai điệu của Martin Denny và âm thanh trong trò chơi game Space Invaders vào tác phẩm Computer Game/Firecracker sáng tác vào năm 1978, hay album Techodelic phát hành năm 1981 lại hầu như chỉ bao gồm những đoạn sample và loop (loop là một đoạn nhạc tổng hợp nhiều âm thanh, được soạn sẵn và được kết hợp một cách ngẫu nhiên nhưng có chu kỳ về thời gian). Đến ngày nay, những nghệ sĩ hiện đại thậm chí còn tạo cho chúng ta cảm giác sample đang bị lạm dụng triệt để. Nếu như năm 1999, album Play của Moby sử dụng 8 sample trên 18 track đã được xem là quá nhiều thì đến năm 2010 album My Beautiful Dark Twisted Fantasy của rapper Kanye West có 13 track nhưng đã ghi nhận đến... 18 đoạn sample khác nhau.

Trong 10% còn lại, sample còn có thể được rút trích ra từ các đoạn đối thoại kinh điển trong các bộ phim (Civil War của Guns ‘n’ Roses bắt đầu với câu thoại nổi tiếng trong phim Cool Hand Luke: “What We’ve Got Here is... failure to Communicate”), những bài phát biểu (bản remix Under Attack (Crawling) của nhóm Linkin Park được lồng trong đoạn phát biểu của Tổng thống Mỹ đương thời George Bush ngay trong ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9), hay đơn giản chỉ là những âm thanh dân dã của đời thường. Onra, một beatmaker người Pháp, trong một chuyến sang Việt Nam tìm lại gốc gác của ông bà, đã tậu một bộ sưu tập nhiều đĩa than ghi âm âm nhạc và âm thanh của Việt Nam và Trung Quốc vào những năm 1930, sau đó dựa vào những tư liệu quý báu này mà thực hiện album Chinoiseries nhận được đánh giá rất cao từ giới phê bình; thậm chí một phần của track The Anthem trong album này còn được chọn làm nhạc quảng cáo cho Coca Cola tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Ở Việt Nam, để thực hiện album Cafe Sáng cho ca sĩ Hà Anh Tuấn, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã phải xách dụng cụ đi thâu những âm thanh hỗn tạp của giao thông Sài Gòn, hay nhóm nhạc underground Cóc với album vừa phát hành cũng bao gồm trong đó những tiếng rao, những âm thanh đường phố. Mới hơn nữa là album mang phong cách rất “indie” Chuyện tình Hà Nội của nhạc sĩ/producer Trí Minh, cũng dùng và chú thích nhiều sample anh sử dụng phục vụ cho sáng tác.

Ghi chú rất rõ ràng của Jennifer Lopez trong ca khúc On The Floor khi sử dụng lại một đoạn trong bài Llorando Se Fue, ca khúc mà đại bộ phận nếu không muốn nói là tất cả người Việt đều biết đến qua cái tên Lambada

Và những rắc rối vây quanh

Chung quy các rắc rối có lẽ quay quanh nhiều nhất chữ tiền. Thực tế, như Ian Clifford của trang MiiM (Make it in Music) - trước đây từng là luật sư về bản quyền âm nhạc và cấp phép sử dụng sample từ đầu thập niên 1990 cho đến khi đứng ra thành lập nhiều hãng đĩa nhạc dance và có nhiều quan hệ với các nghệ sĩ chơi nhạc điện tử, cho biết: “Chính tôi đã đích thân cấp phép cho rất nhiều sample, ấy vậy mà cũng chính tôi lại là người tung ra nhiều hơn rất nhiều những đĩa hát sử dụng sample trái phép, mà chẳng ai trong chúng ta buồn nghĩ đến việc cấp phép cho chúng”. Nguyên nhân do đâu? “Chúng ta cho rằng sẽ chẳng một ai nhận ra là chúng ta đã sử dụng tác phẩm của họ - thường là những đĩa underground hàng-hiếm, và nếu chẳng may mà xảy ra chuyện thì chúng ta vẫn có thể thỏa thuận nếu như có nhu cầu”.

Trên thực tế bức tranh âm nhạc khổng lồ ngày nay, cực kỳ khó để biết và vô cùng tốn kém khi muốn tìm cách cấp quyền sử dụng một sample trong một tác phẩm âm nhạc vừa hiếm lại vừa khó tìm, thậm chí là một vài giây ngắn ngủi của một ca khúc thành công rực rỡ nếu tất cả chúng ta thừa biết rằng đĩa nhạc đó rốt cuộc cũng chỉ tiêu thụ được vài ngàn, thậm chí vài trăm bản. Liệu có đáng để bỏ ra ngần ấy tiền hay không? Các ông lớn của ngành thu âm như EMI, Universal hay Warner Bros chỉ gần đây mới thật sự “tỏ ra” quan tâm đến việc truy thu tác quyền cho nghệ sĩ (thực ra điều này đã xảy ra từ rất rất lâu rồi, nhưng các điều khoản và cách thức vẫn chưa thể chi tiết và cặn kẽ như trong thời đại siêu thông tin ngày nay) thay vì một hợp đồng kếch xù nhưng lại tượng trưng về hình thức trao trọn quyền sử dụng tác phẩm cho một đơn vị thứ ba.

Chuyển sang người nghệ sĩ, người sáng tác kiêm những siêu sao của công chúng, mà trong nhiều trường hợp chỉ giỏi nêu gương xấu về đạo đức và cách sống như ma túy, rượu chè và fan nữ, thì vấn đề thậm chí còn lùng nhùng hơn. Thực tế, có nhiều - không ít - những trường hợp sử dụng trái phép sample mà đương sự phải vác chiếu ra hầu tòa (để rồi đa số bên nguyên và bên bị lại kéo nhau ra phía sau để “thỏa thuận”). Ian Clifford cho rằng: “Chỉ khi một đĩa nhạc lọt vào tầm ngắm của mọi người thì đó mới là lúc giải quyết bản quyền sử dụng sample... Hãy luôn ghi nhớ cách ngôn: “Ở đâu có hit ở đó có trát hầu tòa” - đấy là chân lý tuyệt đối”. Tiêu biểu nhất đó là trường hợp sử dụng The Last Time, bản thu âm của Dàn nhạc Andrew Coldham (do Keith Richards và Mick Jagger đồng sáng tác), mà nhóm The Verve đã “sample” hơi quá đà trong bài hit cực kỳ thành công Bitter Sweet Symphony.

Trái lại, nếu một sample “lậu” vô thưởng vô phạt chỉ mua vui tức thời cho công chúng bằng một đôi khoảnh khắc quen thuộc, liệu người biểu diễn có tử tế đến độ truy tìm cho ra thân chủ, “khi thân chủ cũng thừa hiểu việc dắt nhau ra tòa chỉ tổ phí thời gian trong khi bản thân người dùng trái phép cũng chẳng xứng đáng với án phí bỏ ra!”. Đơn cử như vụ kiện làm chấn động Đan Mạch và cả thế giới giải trí vừa qua, khi bộ đôi electro Djuma Soundsystem vì sử dụng một đoạn nhạc “trái phép” trong bản Les Djinns, một bản jazz-fusion có-trời-mới-biết của Atilla Engin mang tên Turkish Showbiz trong album Marmaris Love với chỉ 150 bản in từ tận năm 1985 - đã buộc phải chi trả tổng số tiền lên đến 150.000USD, hay 1.108.321,82 kroner Đan Mạch, còn tác giả gốc Engin thì đã chu du đâu tận… Brazil. Đoạn nhạc mà 2 nhạc sĩ sử dụng chỉ kéo dài vỏn vẹn… 10 giây và chỉ là một trong số hơn 50 layer nhạc dùng trong ca khúc.

Chất liệu sáng tác, hẳn nhiên, khó lòng từ trên trời rơi xuống, mà các nghệ sĩ từ xa xôi như Việt Nam đều theo cách này hay cách khác “mắc nợ” những nghệ sĩ khác trên thế giới. Danh sách này rất dài và có thể tìm thấy ở rất nhiều diễn đàn online nhưng điều quan trọng hơn hết là dường như cả hai bên chưa bao giờ sử dụng chung một thứ ngôn ngữ mạch lạc và cứng rắn hơn nhiều: Pháp luật.

Nhưng, vẫn là nhưng, liệu họ có sẵn lòng tìm mua sáng tác của Đại Lâm Linh để tìm hiểu xem liệu bộ ba này có để credit một vài chỗ trong ca từ siêu hình và hăm dọa của thi sĩ Vi Thùy Linh, hay Quang Dũng ghi đích danh Rolf Løvland và Fionnuala Sherry, hay cùng lắm là Secret Garden, đã sáng tác phần nhạc cho Ngày hôm qua là thế, theo cái cách mà Coldplay đã tri nhận Leonard Cohen đồng sáng tác trong ca khúc Up With The Birds khi chỉ sử dụng vỏn vẹn câu đầu trong bài hát Anthem của ông (bên cạnh một sample khác từ Driven By You của Brian May, guitar của huyền thoại Queen)?

Diễn biến mới nhất, cuộc thi làm phim 48 giờ đang diễn ra khắp cả nước đã tuyên bố các đội tham gia không được sử dụng các bài nhạc thiếu bản quyền hoặc giấy ủy quyền có chữ ký của người sáng tác.

Hiển Lê - Du Lê

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN