TTVH Online

Mua sample là việc làm… xa xỉ? (Bài 1)

08/11/2011 07:34 GMT+7

Sample hay softsythn, gọi nôm na là phần mềm làm nhạc, được giới nhạc sĩ phối khí ở Việt Nam sử dụng ngay từ khi nó xuất hiện trên thị trường phần mềm quốc tế.


Chuyện rắc rối giữa bản phối khí ca khúc Ra ngõ tụng kinhPrincess Of China và một lần nữa khơi lại một vấn đề không mới, đã từng gây thành cơn lốc trong giới yêu nhạc Việt Nam nhiều năm trước đây khi nhiều ca khúc Việt Nam bị lôi lên “bàn mổ” với “chẩn bệnh” đạo nhạc. Ngoài một số rất ít những trường hợp có thể kết luận tương đối rõ ràng, số còn lại đều rơi vào trường hợp tranh cãi và đi đến… bỏ ngỏ. Và kẻ đã gieo rắc nỗi ám ảnh này, éo le thay, lại chính là một trong những nguồn “dinh dưỡng” của giới làm nhạc từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp, mang tên sample - phần mềm làm nhạc. Sample giúp cho nhiều nhạc công không cần học sáng tác và phối khí vẫn có thể làm được những bản nhạc đôi khi trở thành “hit” (bản nhạc được ưa chuộng), nhưng nhiều khi nó cũng biến những nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi trở thành tội đồ của tệ nạn sao chép, copy. Sample, cứu tinh hay tội đồ, dĩ nhiên tùy thuộc vào sự hiểu biết và kiểm soát của người sử dụng nó. Đấy chính là câu chuyện của chuyên đề tuần này.

Tổ chức chuyên đề: TT&VH CUỐI TUẦN

(TT&VH Cuối tuần) - Sample hay softsythn, gọi nôm na là phần mềm làm nhạc, được giới nhạc sĩ phối khí ở Việt Nam sử dụng ngay từ khi nó xuất hiện trên thị trường phần mềm quốc tế. Chỉ có điều, ít ai bỏ tiền mua bản quyền những phần mềm đó, điều này cũng giống như việc lâu nay chúng ta quen “xài chùa” nhiều phần mềm tin học khác, với lý luận, chẳng việc gì phải mua trong khi có thể lấy thoải mái!

Mua sample làm gì?

Chức năng chính của các phần mềm làm nhạc là giúp nhạc sĩ phối khí có chất liệu - âm sắc để tạo phần nhạc đệm cho các bài hát. Những chất liệu đó có thể là tiếng của các loại nhạc cụ (piano, trống, guitar, sáo, nhị…), tiếng động có trong tự nhiên (gió, sóng, sấm, mưa…) và nhiều loại âm thanh khác. Bên cạnh đó có một số mẫu sample dưới dạng những câu nhạc có sẵn, chẳng hạn như làn điệu đặc thù của các vùng miền mang tính văn hóa cao như làn điệu của vùng Trung Á, Trung Hoa, Ấn Độ…, những câu vocal hay thậm chí cả tiếng hú của thổ dân. Khi được tập hợp và bán dưới dạng phần mềm làm nhạc, các sample được người mua thoải mái sử dụng làm nhân tố trong thủ pháp phối khí của mình. Khi mua những phần mềm này thì giống như đã mua giấy phép khai thác trong một cái mỏ, có thể thoải mái khai thác, sử dụng theo nhu cầu và khả năng. Và đương nhiên, không ai có thể kết tội người sử dụng sample là “ăn cắp” nếu họ dùng nó làm chất liệu để phối khí, nó giống như việc nhà văn sử dụng từ ngữ để viết ra các tác phẩm.

Cubase là phần mềm làm nhạc rất được ưa chuộng, đến nay nó đã có phiên bản 6

Vậy tại sao lại có trường hợp gọi là “đạo” khi sử dụng sample?

Mỗi phần mềm làm nhạc khi được bán ra đều kèm theo một hoặc vài bản nhạc demo để giới thiệu sản phẩm. Những bản demo này thường là nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng được bên sản xuất phần mềm mua bản quyền và sử dụng các sound tiếng được cung cấp trong phần mềm để tạo ra nó. Khi được bán kèm với phần mềm, các bản demo đều có thông tin rất rõ ràng về tên người sáng tác. Nếu lấy giai điệu của những bản demo này mà không ghi rõ nguồn thì bị coi là “đạo”. Vài năm trước, ở Việt Nam có một nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ nổi lên với một số bài hát được sáng tác theo phong cách hiphop, R&B với những âm thanh điện tử rất hiện đại được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ít người hâm mộ nào biết 60% ca khúc của anh được “chế biến” từ những bản demo của phần mềm FL studio, phần “sáng tác” chỉ là việc đắp lời lên các giai điệu có sẵn đó. Chỉ có giới làm nhạc là tường tận việc đó, nhưng họ không “rảnh” để vạch mặt một kẻ mà “tài năng” còn “búng ra sữa” này.

Ngoài ra còn có những chương trình gọi là theme (chủ đề) được sưu tầm, sáng tác để bán; người mua được quyền sử dụng nhưng phải ghi tên nguồn.

Như vậy, chuyện các bản phối giống nhau về mặt âm thanh là rất bình thường, nó chỉ không bình thường khi giống nhau về mặt giai điệu. Tuy nhiên, có những loại âm thanh (sound) lại quyết định chặt chẽ cách phối khí, đó là những sound đòi hỏi chỉ có thể phối theo một cách, điều này vô hình trung dẫn đến có sự tương đồng giữa các bản phối cùng sử dụng những sound kiểu này. Và đôi khi, nó tạo ra ranh giới rất mỏng manh giữa “đạo” và “khai thác”.

Mua là xa xỉ

Giá của mỗi phần mềm có bản quyền này dao động từ 100 - 300USD, có những sản phẩm giá lên tới 500USD. Thông thường ở Việt Nam hiện nay, mỗi nhạc sĩ phối khí sử dụng khoảng 50 phần mềm làm nhạc để phục vụ cho công việc của mình. Và nguồn của họ là các cửa hàng bán đĩa phần mềm với đơn vị tính là “đĩa” chứ không phải “phần mềm”, giá trung bình của mỗi đĩa là khoảng 30.000 đồng (thông thường mỗi phần mềm có dung lượng ít nhất từ 2 đĩa trở lên, nhiều có thể lên tới 7-8, thậm chí 10 đĩa). Những phần mềm này được download từ internet và bán ở các con phố phần mềm ở 2 thành phố lớn như Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân (TP.HCM) hay khu Bách khoa (Hà Nội). Số nhạc sĩ bỏ tiền mua phần mềm có bản quyền ở Việt Nam là rất hy hữu và họ thường thuộc “hạng sang” cả về danh tiếng lẫn tiền bạc, điển hình là nhạc sĩ Anh Quân. Còn thì đại đa số các nhạc sĩ phối khí của ta toàn “xài chùa” theo kiểu đã nói ở trên, hoặc “oách” hơn là xin lại của những người bạn đã mua và cài xong vào máy tính của họ. Tuy nhiên, các nhạc sĩ Việt Nam cũng chẳng phải những “tội đồ” cá biệt trên thế giới phẳng này bởi giới làm nhạc toàn cầu vẫn trông chờ sự chia sẻ nhiều khi mang tính kiêu hãnh hơn là vì tiền bạc của những hacker phần mềm. Câu chuyện hack (bẻ khóa) phần mềm Cubase là một ví dụ điển hình.

Các nhạc sĩ Việt Nam cũng chẳng phải những “tội đồ” cá biệt trên thế giới phẳng này bởi giới làm nhạc toàn cầu vẫn trông chờ sự chia sẻ nhiều khi mang tính kiêu hãnh hơn là vì tiền bạc của những hacker phần mềm

Cubase là phần mềm làm nhạc rất được ưa chuộng, đến nay nó đã có phiên bản 6. Tuy nhiên, tại các thị trường “trôi nổi” như Việt Nam, Cubase 6 chưa đến tay dân “xài chùa”, họ đang chờ đợi nhóm hacker Team Air bẻ khóa và chia sẻ miễn phí trên mạng. Team Air là nhóm hacker thay vị trí của H2O, nhóm hacker đã bẻ khóa những phiên bản Cubase thời kỳ đầu. Trước đây, giới làm nhạc trên khắp thế giới rất hâm mộ H2O khi nhóm này chuyên bẻ khóa và tung lên mạng trong thời gian sớm nhất phần mềm làm nhạc của Cubase. Sau vài lần “bẽ bàng” với H2O, nhà sản xuất phần mềm này đã… mua luôn nhóm hacker kia về làm việc cho mình khiến dân làm nhạc thất vọng một thời gian, cho đến khi Team Air xuất hiện. Việt Nam cũng có những hacker không kém cạnh gì hacker ở các nước có công nghệ thông tin phát triển, tuy nhiên hacker Việt thường là dân IT và hầu như ít biết về âm nhạc, nếu bẻ khóa phần mềm về âm nhạc, họ lại phải liên kết với giới làm nhạc để thử nghiệm sản phẩm. Việc này rất mất thời gian bởi phải qua một thời kỳ sử dụng mới phát hiện được các lỗi của bản hack (phần mềm đã bẻ khóa), và cũng phải qua vài lần thử như vậy mới ra được bản hack hoàn chỉnh.

Thời gian để một bản hack hoàn chỉnh đến tay cộng đồng những người “xài chùa” nhanh nhất là 4 tháng, lâu nhất là 8 tháng. Công việc bẻ khóa không cần nhiều thời gian đến thế nhưng không ai biết lý do thật sự cho sự chờ đợi này, chỉ biết rằng đó là thời gian mang tính “quy ước” để dân làm nghề chờ đợi các bản hack hoàn chỉnh từ các hacker. Khi đã được hack, các phần mềm này cho phép bất cứ ai cũng có thể tải được, tuy nhiên rất mất thì giờ, vậy là cơ hội kinh doanh mở ra cho các cửa hàng bán đĩa phần mềm, đương nhiên đây là chuyện ở Việt Nam.

Trường hợp Ra ngõ tụng kinh Princess Of China không phải là việc sử dụng mẫu sample chung mà có khả năng họ cùng sử dụng một chất liệu âm nhạc mang tính đặc thù dân gian. Chất liệu này được 2 người phối khí tạo ra 2 phiên bản. Vấn đề là họ sử dụng âm thanh theo quyền của họ, còn đích đến thì vẫn là chất liệu đó được vang lên. Nếu sử dụng chung một mẫu sample thì 2 sản phẩm phải giống nhau hoàn toàn, còn ở đây, 2 sản phẩm chỉ có sự tương đồng lớn, là hai biến thể được phát triển dựa trên một mẫu điển hình có sẵn. Cả Ra ngõ tụng kinhPrincess Of China đều mang hơi hướng phương Đông, sẽ dễ hiểu khi 2 người phối khí cùng sử dụng một làn điệu nào đó từ kho âm nhạc phương Đông làm chất liệu và dù có sự thêm bớt hoa mỹ thế nào thì những thang âm cơ bản vẫn không thể thay thế. Cũng dễ hiểu vì sao nghe chúng giống nhau.


Bài kết: Ở đâu có “hit” ở đó có trát hầu tòa

Nhật Minh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN