TTVH Online

Một người và tất cả

29/10/2011 11:18 GMT+7

Ở 3 SEA Games 22, 23 và 24, ghi bàn chưa bao giờ là vấn đề của U23 VN với những tiền đạo như Văn Quyến, Công Vinh, nhưng từ SEA Games 25 đến nay, tìm kiếm nhân sự cho hàng công luôn là bài toán nan giải của BHL.

(TT&VH) - Nếu quyết định loại Tuấn Anh khỏi danh sách ĐT U23 VN tham dự SEA Games 26 được HLV Falko Goetz thực hiện đúng như nguồn tin của TT&VH thì đây sẽ là kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á hiếm hoi trong vòng gần 10 năm qua, U23 VN không có một trung phong thực sự nào trong đội hình. Ở 3 kỳ SEA Games 22, 23 và 24, ghi bàn chưa bao giờ là vấn đề của U23 VN với những tiền đạo như Văn Quyến, Công Vinh, nhưng từ SEA Games 25 năm 2009 đến nay, tìm kiếm nhân sự cho hàng tiền đạo luôn là bài toán nan giải của BHL.

Những mặt trái của giải VĐQG đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến ĐTQG,

khiến HLV Falko Goetz đang phải đau đầu khắc phục

Đúng là lối chơi của U23 VN ở kỳ SEA Games 26 này được xây dựng theo kiểu sử dụng tiền đạo ảo, tức là các tiền vệ tấn công sẽ được đôn lên đá như tiền đạo, nhưng có lẽ đây là một cách làm theo kiểu liệu cơm gắp mắm hơn là một lựa chọn ưu tiên của HLV Goetz. Bóng đá cũng như cuộc sống, bất cứ vị trí nào cũng có chức năng, vai trò riêng rẽ và không phải bất cứ sự kiêm nhiệm hay đa năng nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn.

Chứng kiến cảnh tượng bất lực của các cầu thủ tấn công U23 VN trong trận hòa 1-1 với U23 Malaysia ở VFF-Eximbank Cup mới thấy nếu HLV Goetz có trong tay một trung phong đích thực, vừa có khả năng tự xoay sở giữa vòng vây hậu vệ đối phương đồng thời cũng biết cách làm tường để tạo cơ hội cho đồng đội thì hẳn là U23 VN đã không khó khăn đến thế với việc ghi bàn, nhất là trước một hàng thủ chặt chẽ, có thể lực tốt và chơi đeo bám khó chịu như U23 Malaysia.

Trong trận chung kết SEA Games 25 cách đây 2 năm, U23 Malaysia cũng lựa chọn cách tiếp cận này để đối phó với lối chơi dựa vào các tiền đạo ảo của U23 VN, và kết quả như thế nào thì không cần phải nhắc lại. Hầu hết các cầu thủ tấn công hiện nay của U23 VN như Văn Quyết, Đình Tùng, Thành Lương hay kể cả Trọng Hoàng đều không có tầm vóc thật sự lý tưởng, nên khi cần giải quyết trận đấu bằng những pha bóng dài hoặc bổng để tạo đột biến thì cũng rất khó.

Tất nhiên, chuyện này cũng chẳng phải tự nhiên mà có, bởi khi mà tuyệt đại đa số các CLB ở V-League và giải hạng Nhất hiện nay đều ưu tiên vị trí tiền đạo săn bàn cho các ngoại binh, thì việc những chân sút nội buộc phải chơi trái sở trường để tìm chỗ đứng trong đội hình chính thức là điều khó tránh khỏi. Điểm mặt các tiền đạo của ĐTVN và ĐT U23 VN hiện nay, có mấy người được đá chính ở CLB trong vai trò tiền đạo săn bàn đích thực?

Như đã nói ở trên, không phải ngẫu nhiên mà người ta lại chia ra các vị trí thi đấu khác nhau trên sân để phân biệt chức năng nhiệm vụ của từng cầu thủ. Ngay như ĐT Tây Ban Nha dù đang sở hữu những tiền vệ siêu hạng bậc nhất thế giới thì cũng không thể không cần các tiền đạo thực thụ, dù trong nhiều trường hợp các tiền đạo này có thể đảm nhiệm cả vai trò kiến tạo chứ không chỉ có mỗi chức năng săn bàn.

Vì thế, dám chắc là chuyện U23 VN buộc phải xây dựng chiến thuật thi đấu với tiền đạo ảo trong 2 kỳ SEA Games gần đây nhất chủ yếu xuất phát từ việc bóng đá VN hiện nay đang khủng hoảng thiếu nghiêm trọng những trung phong nội thực sự. Việc Tuấn Anh không có tên trong danh sách tham dự SEA Games 26, nếu như không có thay đổi bất ngờ vào phút chót, là điều không khó để dự đoán, bởi dấu ấn chuyên môn mà Tuấn Anh để lại trong gần 2 tháng tập luyện và thi đấu vừa qua là rất ít ỏi.

Thế nhưng, đằng sau nỗi buồn của cá nhân Tuấn Anh lại là một nỗi lo lớn của cả nền bóng đá, khi một giải VĐQG luôn tự nhận là nằm trong tốp đầu ở khu vực Đông Nam Á lại không sản xuất ra được những tiền đạo đủ giỏi cho ĐTQG.

Hoàng Huy



Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN