TTVH Online

Nhìn từ bóng đá Thái Lan: Nước và thuyền

28/10/2011 13:25 GMT+7

Nếu V-League thật sự có chất lượng tốt thì hiệu quả có thể nhìn thấy ngay lập tức ở ĐTQG và ngược lại, cũng tựa như câu chuyện nước lên thì thuyền lên vậy…

(TT&VH) - Hôm qua, U23 Thái Lan đã chốt danh sách tham dự SEA Games 26, và đội bóng xứ sở chùa vàng tỏ ra rất “chịu chơi” khi chỉ sang Indonesia với 19 cầu thủ, riêng hậu vệ trái Theerathon Bunmathan tiếp tục phục vụ ĐT Thái Lan thi đấu ở vòng loại World Cup 2014 và sau ngày 15/11 mới hội quân cùng đồng đội. Như vậy, U23 Thái Lan sẽ chỉ có thể sử dụng Theerathon từ trận gặp U23 Singapore vào ngày 17/11/2011 cho tới vòng bán kết (19/11) hoặc trận chung kết (21/11).

Nên nhớ rằng ở SEA Games 26 này, U23 Thái Lan là đội bóng hiếm hoi công khai đặt mục tiêu giành HCV. Thế mà U23 Thái Lan vẫn gút danh sách chính thức từ khá sớm và chấp nhận chỉ sử dụng 19 cầu thủ trong phần lớn chặng đường của vòng bảng. Nếu đối chiếu cái sự “chơi sang” này của U23 Thái Lan so với việc U23 VN vẫn quần quật tập luyện khi SEA Games 26 đã cận kề, và HLV Falko Goetz có thể phải chờ tới ngày cuối cùng mới công bố danh sách chính thức thì có vẻ như bóng đá Thái Lan đang rất tự tin hướng tới SEA Games 26.


U23 VN vẫn quần quật tập luyện khi SEA Games 26 đã cận kề, và HLV Falko Goetz có thể phải chờ tới ngày cuối cùng mới công bố danh sách chính thức. Ảnh: V.V

Cũng phải thôi, với tư cách là đội bóng duy nhất của Đông Nam Á hiện vẫn còn hy vọng lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2014 khu vực châu Á sau 3 lượt trận (hiện Thái Lan đang xếp nhì bảng D sau Australia, đứng trên Saudi Arabia và Oman), Thái Lan chẳng phải lo lắng quá nhiều với một sân chơi mà họ từng làm mưa làm gió trong suốt gần 2 thập kỷ vừa qua như SEA Games.

Sòng phẳng mà nói, việc U23 Thái Lan bị loại ngay ở vòng bảng tại SEA Games 25 cách đây 2 năm một phần lớn vì họ đã thi đấu với thái độ quá chủ quan trước U23 Malaysia, bởi cũng ở SEA Games 25, trong trận mở màn với U23 Thái Lan, U23 VN phải vất vả lắm mới kiếm được một trận hòa. Nếu lấy giải VĐQG để làm tiêu chí đánh giá sức mạnh của một ĐTQG thì rõ ràng giữa Thai-League và 2 ĐT Thái Lan đang có sự song hành khó phủ nhận, khi mà giải VĐQG Thái Lan được tổ chức chuyên nghiệp chẳng kém gì Premier League, còn ĐT Thái Lan có thể thi đấu ngang ngửa với rất nhiều ông lớn của bóng đá châu Á như Australia hay Saudi Arabia.

Trong khi đó, bên cạnh việc mang lại những thay đổi tích cực cho bóng đá VN, cụ thể là ĐTQG, V-League đồng thời cũng để lại một số tồn tại khiến các ĐTQG phải trực tiếp nhận lĩnh hậu quả. Đấy là việc tuyệt đại đa số các đội bóng đều trọng dụng ngoại binh cho hàng tiền đạo nên mấy năm nay cả ĐTQG lẫn ĐT Olympic hay U23 đều rất khó khăn với bài toán tìm kiếm nhân sự cho vị trí mũi nhọn.

Đấy là việc lối chơi bạo lực lan tràn ở V-League và giải hạng Nhất từ nhiều mùa bóng vừa qua đã khiến rất nhiều cầu thủ khi lên ĐT cũng mang theo thói xấu này, mà bằng chứng là hầu như ở giải đấu nào trong vòng 2 năm trở lại đây, ĐTQG đều có cầu thủ phải nhận thẻ đỏ vì chơi thô bạo với đối phương (Chu Ngọc Anh ở Asian Games 16 năm 2010 và VFF-Eximbank Cup 2011, còn Trọng Hoàng ở AFF Suzuki Cup 2010).

Từ đây có thể đặt ngược câu hỏi lại rằng nếu V-League được tổ chức một cách thật sự chuyên nghiệp và lành mạnh như cần phải có, hoặc chí ít là phát triển theo quy luật thông thường như Thai-League, thì liệu sự chuẩn bị của ĐT U23 VN cho SEA Games trong 2 kỳ Đại hội gần đây nhất có khó khăn như vậy không? Hãy nhớ rằng giải VĐQG Malaysia đã nói không với ngoại binh từ mấy năm nay, nhưng ĐTQG của họ vẫn đủ mạnh để đoạt chức vô địch ở cả AFF Cup cũng như SEA Games, và ở VFF-Eximbank Cup 2011 vừa qua, dù không mang tới đội hình mạnh nhất song U23 Malaysia cũng khiến U23 VN phải toát mồ hôi mà vẫn không thể giành chiến thắng.

Nói một cách khác, nếu V-League thật sự có chất lượng tốt thì hiệu quả có thể nhìn thấy ngay lập tức ở ĐTQG và ngược lại, cũng tựa như câu chuyện nước lên thì thuyền lên vậy…

Hoàng Huy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN