TTVH Online

Bùng nổ dân số toàn cầu nhìn từ Bắc Kinh

27/10/2011 14:00 GMT+7

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, có lẽ là nơi sẽ thấm thía nhất về những tác động khủng khiếp do bùng nổ dân số mang lại.

(TT&VH) - Cuối tháng 10 này, thế giới sẽ đón công dân thứ 7 tỷ, qua đó cho thấy bùng nổ dân số vẫn là một vấn đề khiến nhân loại phải đau đầu. Và thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, có lẽ là nơi sẽ thấm thía nhất về những tác động khủng khiếp do bùng nổ dân số mang lại.

14 năm sau khi từ xuất phát điểm là một thị trấn nhỏ, bao quanh bởi nhiều cánh đồng hoang vu vươn lên thành đô thị vệ tinh của Bắc Kinh, Tongzhou vẫn rất thiếu những ngôi trường chất lượng, bệnh viện đạt tiêu chuẩn và các tổ hợp giải trí để cư dân cảm thấy họ được hưởng thụ cuộc sống.

Những hiểm họa từ bùng nổ cư dân thành thị

Rất ít người dân ở trung tâm Bắc Kinh chịu dọn về sống ở Tongzhou. Trong khi đó điều nghịch lý là hàng trăm ngàn người trẻ tuổi, trung lưu và cả lao động tỉnh lẻ từ nhiều vùng đất nghèo khó hơn vẫn thi nhau đổ dồn về Bắc Kinh.

Không những chẳng đỡ được gánh nặng dân số cho một Bắc Kinh đã quá tải, Tongzhou và các thành phố vệ tinh khác còn gây nhiều vấn đề khiến người ta phải đau đầu. “Bất cứ ai từ trung tâm Bắc Kinh dọn tới đây sống đều hối tiếc” - một người đàn ông họ Wang, 52 tuổi, người đã sống ở Tongzhou gần như cả đời thổ lộ với hãng tin AP - “Người ta mất lòng tin vào các dịch vụ y tế và giáo dục ở đây. Nơi này cũng chẳng có nhiều cơ hội để kinh doanh. Người ta không xây dựng được một sự nghiệp tử tế tại đây. Vì thế 10 người ở đây thì có 8 người vẫn làm việc trong trung tâm Bắc Kinh”. Bắc Kinh hiện nằm trong nhóm các thành phố đông dân nhất thế giới. Quy mô dân số ở đây đã phình ra thêm 10 triệu người chỉ trong vòng một thập kỷ qua.


Người dân mệt mỏi chờ tàu tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc

Điều đặc biệt và xu hướng này đang xuất hiện mạnh trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Các thành phố ở châu Phi, châu Á, Nam Mỹ hiện cũng đang tăng nhanh quy mô dân cư, do làn sóng không ngớt những người dân di cư từ tỉnh lẻ đến với hy vọng tìm việc làm tốt hơn. Ngoài ra, nông dân cũng dọn tới đô thị sống vì đã chán cảnh phải đương đầu với lũ lụt, hạn hán và nhiều thảm họa thiên tai khác.

Hồi tháng 3/2010, Văn phòng Các vấn đề Kinh tế và Xã hội của LHQ nói rằng thế giới chỉ có 730 triệu người sống ở vùng đô thị trong năm 1950. Tới năm 2009, con số này đã nhảy vọt lên 3,5 tỷ người và trong 4 thập kỷ tới sẽ là 6,3 tỷ. Vào năm 2025, sẽ có 29 siêu thành phố trên toàn cầu với sức chứa từ 10 triệu người trở lên và phần lớn nằm ở các nước đang phát triển.

Tấm gương từ Trung Quốc

Không có nơi đâu thấy rõ tác động tiêu cực từ việc bùng nổ quy mô dân thành thị như ở Trung Quốc. Năm nay sẽ là lần đầu tiên một nửa trong tổng dân số 1,34 tỷ người của Trung Quốc được xem là người thành thị. Trong vòng một thập kỷ tiếp theo, hơn 100 triệu người dân nông thôn ở Trung Quốc sẽ tìm tới sống tại các thị trấn và đô thị.

Nhằm giảm sức ép cho những thành phố quan trọng như Bắc Kinh, các đô thị vệ tinh kiểu Tongzhou đã được xây dựng. Trung Quốc tuyên bố hồi năm 1999 rằng họ sẽ xây dựng 14 đô thị vệ tinh như thế ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Tới năm 2020, chính quyền dự đoán các đô thị vệ tinh sẽ chứa được 5,7 triệu trong số 19,6 triệu cư dân Bắc Kinh hiện nay.

Tuy nhiên giới phân tích đánh giá việc giảm sức ép dân số thông qua xây dựng đô thị vệ tinh ở Trung Quốc đã không mang lại hiệu quả mong muốn. Dù ý định ban đầu là tạo nên các trung tâm văn hóa và kinh tế độc lập, phần lớn những đô thị vệ tinh này vẫn lệ thuộc kinh tế và Bắc Kinh và gần như chỉ đóng vai trò các thị trấn để người dân có nơi tá túc sau ngày làm việc” - Jeffrey Johnson, một chuyên gia về các thành phố Trung Quốc và là giáo sư ở Đại học Columbia nhận xét.

Như để minh chứng cho lời nói của ông, phóng viên AP đã tận mắt chứng kiến rất nhiều chung cư cao tầng ở Tongzhou, vốn nằm cách Bắc Kinh 33km, vẫn còn trống tới quá nửa. “Tôi tới đây ở vì giá nhà ở đây dễ chịu hơn so với Bắc Kinh” - Ma Teng, 29 tuổi, người dọn tới sống từ tỉnh An Huy nhận xét - “Khi tôi mua căn hộ của mình hồi năm 2007, khu vực quanh đây hoàn toàn hoang vắng. Chẳng có gì để giải trí cả, thậm chí anh muốn đi xem phim cũng không được”.

Theo Johnson, đô thị vệ tinh muốn phát triển được phải nằm ở một khoảng cách đủ xa so với đô thị chính để nó có sự độc lập nhất định và tạo nên khó khăn về việc đi lại, khiến người ở đô thị vệ tinh không muốn tới nơi khác làm việc. Cho tới nay, điều này chưa xảy ra. Trong một buổi sáng bình thường tại nhà ga tàu điện ngầm Tiantongyuanbei, vốn nằm cách trung tâm Bắc Kinh 21km, hàng chục ngàn hành khác đang đứng chen chân nhau chờ lên tàu.

Để giảm bớt sức ép dân số, chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ có kế hoạch cưỡng chế hàng ngàn người dân ra khỏi trung tâm thành phố, đóng cửa các ngôi trường dành cho con em lao động tỉnh lẻ và mở chiến dịch trấn áp các dịch vụ cho thuê nhà giá rẻ.

Hồi giữa tháng 10, giới chức Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố kế hoạch bơm 10 tỷ NTD trong vòng 5 năm tới vào Tongzhou để nối thành phố này với một sân bay quốc tế, xây dựng một trường đại học, một bệnh viện nhi đồng và biến nó thành “cột nam châm thu hút sự phát triển”. Nhưng giới phân tích đã nghi ngờ sự thành công của Bắc Kinh. “Bất kỳ kế hoạch giãn dân nào cũng cần tới một loạt chính sách ăn ý với nhau” - Wang Jianguo, một chuyên gia về đô thị hóa tại văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á ở Bắc Kinh nhận xét - “Nếu chỉ triển khai chính sách dân số mà không đưa ra các chính sách liên quan tới việc làm, phát triển công nghiệp, giáo dục và y tế, anh sẽ không thể thành công”.

Tường Linh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN