TTVH Online

Bệnh bảo thủ!

16/10/2011 11:56 GMT+7

Nói theo kiểu triết học, bệnh bảo thủ, trì trệ là khuynh hướng cường điệu vai trò quyết định của vật chất, sùng bái sức mạnh của quy luật, hạ thấp vai trò của nhân tố chủ quan.

(TT&VH) - “VFF đừng lo đến lợi nhuận bởi nếu vì lợi nhuận mỗi năm 50-60 tỉ đồng, chúng tôi đầu tư một nhà máy để kiếm tiền sẽ đỡ đau đầu hơn nhiều”. Không phải khi ông Lê Tiến Anh- Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa nói như vậy chúng ta mới thấy hết tâm trạng thất vọng của các doanh nghiệp trước những rào cản cho chủ trương đưa bóng đá VN thoát ra khỏi sự trì trệ mãn tính.

Nói theo kiểu triết học, bệnh bảo thủ, trì trệ là khuynh hướng cường điệu vai trò quyết định của vật chất, sùng bái sức mạnh của quy luật, hạ thấp vai trò của nhân tố chủ quan. Khuynh hướng đó sẽ dẫn đến bảo thủ, trì trệ, ngại gian khổ, bó tay  trước khó khăn, trước hoàn cảnh khách quan. Biểu hiện của “bệnh” này là tình trạng ỷ lại, dựa dẫm, chờ đợi, ngại đổi mới, thậm chí cản trở cái mới, bằng lòng thỏa mãn với cái đã có, là bạn đồng hành với chủ nghĩa quan liêu, độc đoán và hậu quả tất yếu là làm cản trở, thậm chí còn kéo lùi sự phát triển.


Những hình ảnh xấu như thế này cần phải được loại bỏ khỏi đời sống BĐCN VN

Bóng đá cũng thế, ngay cả khi khoác áo chuyên nghiệp và vắt qua 11 mùa giải thì lợi ích mang lại không phải cho cộng đồng mà chỉ cho một nhóm thiểu số. Tiêu cực vẫn hoành hành, trọng tài yếu cả tư cách, khán giả ngày càng ít đi, trình độ VFF bị đánh giá thấp hơn mặt bằng xã hội, nhân tài ở VFF khan hiếm…11 năm bóng đá chúng ta quá lãng phí tình yêu của khán giả, tiền bạc của xã hội. Bóng đá chưa có lời, các doanh nghiệp chưa được VFF tạo mọi điều kiện để phát huy trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà. Do thế, họ đổ tiền vào chủ yếu đánh bóng thương hiệu, đầu cơ bất động sản là chuyện dễ hiểu.

Việc phải tái cấu trúc VFF và các thành phần cấu thành nền bóng đá chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận của xã hội như lúc này. Thế nhưng, ngay sau khi có sự thông qua chủ trương thành lập VPF đến nay, đã thấy rất rõ sự khó khăn của những người lập nên đề án.

Ông Tiến Anh nói có lý bởi nếu bỏ ra 50-60 tỷ để thành lập một công ty không phải lĩnh vực bóng đá thì độ rủi ro sẽ không cao. Trong khi đó, bằng chừng ấy tiền đầu tư cho thể thao vua trong bối cảnh bóng đá ta vẫn chưa chịu thay đổi, chắc chắn là lỗ.

Nếu VFF thực sự cầu thị, muốn thay đổi tổ chức mình thì chuyến đi Nhật Bản thăm quan, học hỏi mô hình tổ chức giải J-League vừa rồi họ phải mời thêm một số doanh nghiệp như bầu Kiên, bầu Đức, Lê Tiến Anh…Tin chắc rằng, những ông bầu này sẵn sàng bao luôn cả kinh phí chuyến đi của “phái đoàn”, tạm dừng việc kinh doanh để tận mắt chứng kiến những gì J-League đã và đang phát triển. Chỉ từ “trực quan sinh động” thì những ý tưởng mới lóe ra, chắc chắn sẽ  có lợi cho tiến trình thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp.

Thay vào đó, các ông bầu tự mà đi tìm hiểu và cả nước chỉ được nghe VFF “tường thuật” lại. Mà đã tường thuật thì hoàn toàn có thể biến tướng theo chủ ý của người tường thuật.

Ngọc Hòa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN