TTVH Online

Đĩa nhựa không bao giờ chết (Bài Kết)

13/10/2011 07:15 GMT+7

Đã bắt đầu qua thời của những đĩa nhựa giá rẻ mà bạn có thể dễ dàng tìm gặp trong các cửa hàng âm nhạc, đĩa nhựa bây giờ bắt đầu tỏ rõ lại giá trị của mình.

(TT&VH Cuối tuần) - Nhiều người cứ bảo mua đĩa ở Úc sướng lắm, đặc biệt là đĩa nhựa nhưng chẳng phải thế. Đã bắt đầu qua thời của những đĩa nhựa giá rẻ mà bạn có thể dễ dàng tìm gặp trong các cửa hàng âm nhạc, đĩa nhựa bây giờ bắt đầu tỏ rõ lại giá trị của mình.

Đắt gấp 10 lần CD vẫn có người mua

Dân Úc giờ nghe nhạc ngày càng kén chọn, đĩa phải là vinyl, dàn hi-end, đĩa xước, trầy, vỏ quăn góc thường bị bỏ lại. Các ông chủ những shop đĩa ngày càng phải vắt mồ hôi mà tìm những nguồn đĩa tốt để phục vụ thượng đế. Sau những cơn suy thoái kinh tế, dân chơi đĩa lại bắt đầu rủng rỉnh tiền bạc và nhu cầu chơi vinyl cứ ngày càng nâng cao. Dân châu Á như lũ sinh viên chúng tôi, trước giờ vẫn khôn lỏi, chỉ vào những cửa hàng vinyl tiếng tăm lục tung cả cửa hàng để tìm ra những đĩa nhựa tốt và giá rẻ như cho (chưa tới 2 USD). Nhưng bây giờ chuyện đó khó hơn hẳn, người ta sắp xếp và định giá lại mặt hàng vinyl chứ không đổ đống như ngày xưa. Những đĩa bị “nổ” tiếng được xếp riêng, những đĩa chất lượng như mới được để trịnh trọng một gian riêng và giá của nó đa phần đều hơn 15 USD.

Cũng như mọi mặt hàng ở đây, đĩa nhạc cũng có thời điểm sale off. Ngoài những đợt khuyến mãi 5-10% rải rác suốt năm thì có 2 đợt sale mạnh nhất rơi vào dịp lễ Phục sinh và Giáng sinh. Cửa hàng sản phẩm nghe nhìn có hệ thống bán lẻ lớn nhất ở Úc là JB-Hifi cũng được xem như là cửa hàng bán đĩa brand new (đĩa mới) lớn nhất nước Úc, với hàng trăm cửa hàng nằm rải rác khắp các trung tâm mua sắm. Phong phú về thể loại, từ đại chúng như pop, rock cho đến jazz, blues, country, world music, classic…, những chiếc vinyl mới tinh (sealed - chưa bóc vỏ) nhìn cứ như những cô gái kiều diễm mời gọi. Nhưng tiền đâu, đâm đầu vào đấy có nước sạt nghiệp. Chỉ cần nhìn thôi, cũng đủ gợi nên những ước mơ.

Poster hội chợ đĩa ở Úc

Chơi vinyl khác rất nhiều với sưu tầm CD. Với master là digital thì CD có thể nhân bản, tái bản bao nhiêu lần cũng được. Nhưng vinyl thì khác, với master gốc thì chỉ có thời điểm ấy chiếc đĩa bạn mua mới thật sự có giá trị, những lần tái bản sau này (dù là chuẩn 180g hay 200g) vẫn không thể bằng bản gốc. Thế nên mới có chuyện album Abbey Road của The Beatles phát hành năm 1969 (hãng đĩa Apple) có giá gần 70 USD (đĩa đã sử dụng ít nhất hơn 10 lượt kim) trong khi cũng đĩa đó, hãng Capitol phát hành lại năm 1994, có giá chưa tới 20 USD. Tính chất khắc nghiệt của người chơi đĩa nhựa công phu và cầu kỳ. Năm 2009, Apple phát hành lại đĩa Abbey Road với phiên bản đặc biệt kỷ niệm 40 năm (sản xuất 5.000 cái, tặng kèm áo thun), bây giờ bạn không thể tìm được đĩa này trên thị trường, trên mạng eBay còn vài người bán nó với giá… 250 USD. Hoặc khủng khiếp hơn, mới đây trên eBay xuất hiện một chiếc đĩa của The Beatles, có tên Introducing The Beatles, xuất hiện đầu tiên ở thị trường Mỹ, được hãng VEE-JAY phát hành tháng 5/1963. Đĩa chưa được bóc vỏ và người ta tin chắc toàn thế giới chỉ còn duy nhất một đĩa này là hoàn toàn mới. Và giá của nó sẽ khiến bạn hốt hoảng: 125.000 USD. Cần nhắc lại đĩa này chỉ có ý nghĩa sưu tầm còn những bài hát trong nó thì hết sức phổ thông. Tôi không dám chắc người mua về có đủ sức mạnh để mở nó ra nghe hay không.

Chơi đĩa nhựa nhiều lúc cũng cần có duyên. Nhiều lúc may mắn, bạn có thể mua trọn bộ album của đôi song ca nổi tiếng Seals & Crofts với giá chưa tới 30 USD. Nhưng bây giờ nếu bạn vào JB-Hifi nằm ở tầng hầm gần ga Town Hall thì một album của bộ đôi này có giá… 32 USD, trong khi họ đã ra… 18 album chính thức.

Thường thì cả năm mới có một đợt giảm giá 20% ở JB-Hifi nhưng bạn chỉ nên mừng nếu muốn mua CD, còn vinyl thì vẫn bỏng tay. Ví dụ như CD album Ochird của nhóm Opeth khi giảm giá còn 4 USD nhưng nếu muốn mua phiên bản vinyl thì bạn phải bỏ ra gấp 10 lần như thế. Bộ đĩa box-set của nhóm cựu binh The Traveling Wilburys nếu là CD (2 CD + 1 DVD) có giá 35 USD thì phiên bản vinyl (3 LP) có giá 119 USD. Album đầu tay của The Beatles, Beatles Bop: Hamburg Days - Beatles & Tony Sheridan, nếu CD có giá khoảng 8 USD thì vinyl có giá gần… 300 USD và có người mua ngay (đĩa phát hành 1961, đã bóc).

Bộ ba đĩa Anthology 1, 2, 3 của nhóm Beatles hiện có giá khoảng 250 USD

Từ hội chợ ngoài đường đến hội chợ… online

Giống như nhiều nước, ở Úc vẫn thường có những hội chợ băng đĩa khá rôm rả. Ở Sydney, hàng năm vẫn thường có hội chợ băng đĩa Parramatta Music được tổ chức ở Town Hall Parramatta, quy tụ khoảng 30 “chủ vựa đĩa” khắp vùng New South Wales. Mỗi vựa đem đến hội chợ khoảng trên dưới 2.000 album khác nhau - cả CD lẫn vinyl - xếp thứ tự ngay ngắn theo tên nghệ sĩ. Hội chợ mở 3 ngày và bạn hãy tin rằng, dù bạn có là tay điền kinh cỡ Carl Lewis thì cũng không thể xem hết được. Xem đĩa rất khó bị rơi vào cảm giác “cưỡi ngựa xem hoa” bởi bản thân bạn rất dễ bị động khi tìm thấy một album yêu thích. Ở hội chợ dạng này, bạn có thể lạc vào muôn vàn đĩa hát yêu thích, dù bạn chỉ chuyên tìm jazz, blues, cổ điển hay pop, rock. Vinyl bao giờ cũng là thể loại phong phú nhất ở những kỳ hội chợ dạng này. Bạn có thể tìm ra được những album cũ và hiếm của Elvis Presley, The Beatles, Bob Dylan, The Who, The Monkees, Small Faces hay Rupert Holmes hay nhạc cổ điển của Bach sản xuất cách đây hơn 30 năm với chất lượng cực tốt. Dân Úc tìm đĩa ở khu vực vinyl là nhiều nhất. Người ta chủ yếu đến đây là vì vinyl. Kiểu sinh viên nghèo chuyên chơi du kích như tôi cuối cùng vẫn phải cắn răng bỏ ra gần 60 USD để mua bộ đĩa đôi nhạc kịch rock, Tommy, của nhóm The Who (phát hành 1969, hãng đĩa Polydor và gần như mới nguyên).

Theo Nielsen Entertainment, năm 2006, tại Mỹ đã bán được gần 858 nghìn đĩa, năm 2007 bán được 990 nghìn đĩa, nhưng năm 2008 tăng vọt lên 1,88 triệu, năm 2009 là 2,5 triệu đĩa. Doanh số bán hàng đã tăng 55% trong sáu tháng đầu năm 2011. Vì sao trong thời đại thống trị của nhạc số, lượng bán đĩa vinyl lại tăng? Nielsen cho rằng đa số người mua đĩa vinyl là những audiophile thông thái, đầy kinh nghiệm. Họ tin tưởng bản ghi analog tái tạo mọi chi tiết của âm thanh chính xác hơn. Thế hệ trẻ bây giờ cũng có nhiều người mua loại đĩa này vì sùng bái ý nghĩa lịch sử và giá trị trình bày của bộ sưu tập cũng như tin tưởng vào khoản đầu tư của mình.

Nếu như không đủ sức để chờ đợi những hội chợ đĩa hàng năm hoặc không đủ tiền để vào những cửa hàng đĩa danh tiếng thì cách cuối cùng là bạn nên vào eBay, cửa hàng trực tuyến này có đủ tất cả những thứ bạn cần và cho bạn cơ hội tận hưởng sự may mắn. Bạn có thể mua khoảng 40 đĩa nhựa nhạc jazz thời những năm 1970 với giá chưa đầy… 2 USD (toàn là những cao thủ hạng nặng, có mơ cũng chẳng thấy giá ấy ngoài thị trường). Tôi thì rất tin tưởng những đợt hàng ấy xuất hiện được trên eBay là nhờ những… bà nội trợ, hoặc dọn nhà hoặc giận dữ gì đó với chồng. Cũng có nhiều người mê đĩa nhưng rồi đến lúc nào đấy, họ chán và muốn bán tất cả. Có lần tôi được một người bán gửi cho 10 cái hình chụp lại toàn bộ kho đĩa của ông ta, gồm khoảng 50 thùng, mỗi thùng gần 200 đĩa được phân loại rất rõ ràng. Tất cả các đĩa đều mới và chất lượng tốt, giá (cộng thêm phí vận chuyển) là gần 2 USD/LP.

Chơi eBay rất dễ nghiện, thức ngày thức đêm để đấu giá. Bản thân tôi đã từng tức hùi hụi khi không mua được đĩa John Coltrane bản năm 1957 với giá đấu chưa tới 20 USD. Tôi thua đúng khi hết giờ chưa đầy 3… giây. Đĩa này bây giờ muốn mua lại bạn phải bỏ ra khoảng gần 100 USD, cũng trên eBay. Bạn cần phải làm quen với chuyện cứ tưởng mình thắng nhưng khi vừa bấm F5 thì đĩa đó đã thuộc về người khác. Chơi đĩa là cả một nghệ thuật và đấu giá đĩa trên eBay là cả một cuộc chiến tàn khốc. Cách đây chưa lâu, một đĩa đơn 78 vòng có tên That’ll Be The Day của nhóm Quarrymen, tiền thân The Beatles sau này đã gây một “cuộc chiến” tàn khốc trên eBay và người cuối cùng thắng cuộc đã phải bỏ ra tới… 180.000 USD, máu lửa không thua kém Đệ nhị thế chiến.

Ngọc Hải (từ Sydney)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN