TTVH Online

Cuộc săn tìm không mệt mỏi (Bài kết)

30/09/2011 07:15 GMT+7

Gần đây, một người chơi đã tiếc hùi hụi khi đặt hụt cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes in năm 1651, tác phẩm quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Giá bán trên mạng là 22.500 euro, khoảng hơn 650 triệu đồng.

(TT&VH Cuối tuần) - Sách cũ giá bao nhiêu là câu hỏi không thể trả lời. Thường dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, tùy theo mức độ quý, hiếm và sở thích người mua, nhưng cũng có những quyển xé rào. Gần đây, một người chơi đã tiếc hùi hụi khi đặt hụt cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes in năm 1651, tác phẩm quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Giá bán trên mạng là 22.500 euro, khoảng hơn 650 triệu đồng.

Từ trước tới nay, một trong những trào lưu được biết đến nhiều nhất trong giới sưu tầm ở Việt Nam là sưu tập các ấn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có người chỉ cần có một hai bản hơi hiếm là đã nổi danh trong chốn giang hồ sách xưa. Nhưng số bản Kiều là có hạn, bản Kiều chữ quốc ngữ có niên đại cũ lại càng hiếm. Thế nên những người được coi là nhà sưu tập Kiều chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Các tay chơi từ điển (số lượng ít và giá đắt) săn bộ Từ điển Annam - Latin Latin - Annam (Nam Việt - Dương Hiệp tự vị) của Taberd xuất bản năm 1838; Từ điển Latin - Annam của Ravier, in ở Ninh Bình năm 1880; các từ điển Trương Vĩnh Ký 1884, Đại Nam quấc âm tự vị in năm 1895; Hán - Việt tự điển năm 1942...

Săn cổ văn, sách dịch thuật gồm Đông chu liệt quốc do Nguyễn Đỗ Mục dịch, in năm 1930 tại nhà Trung Bắc tân văn, Luận ngữ quốc văn giải thích do Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, in tại Đông Kinh ấn quán 1935, Tam quốc diễn nghĩa do Phan Kế Bính dịch, bản in đầu nghe nói trước năm 1900, Kinh dịch bộ 4 tập giấy dó in tại nhà Mai Lĩnh của Ngô Tất Tố, đều rất hiếm có.

Đổi hướng truy tìm

Theo nhà sưu tập Nguyễn Nhật Anh (Hà Nội), các tay chơi Kiều săn lùng: Kim Vân Kiều chú thích của Bùi Khánh Diễn, nhà Ngô Tử Hạ in 1923; Kim túy tình từ của Phạm Kim Chi, in 1915; Kim Vân Kiều tân truyện của Trương Vĩnh Ký in từ 1875 và tái bản cho đến lần 3 vào năm 1911, bản nào cũng quý; Kiều văn họa 1942... Các bản nôm Kiều thì ít người kiếm hơn, do hạn chế về đọc và thanh khoản.

Một trào lưu khá phổ biến khác là sưu tập các tác phẩm được xuất bản từ năm 1945 trở về trước, mà giới sưu tập thường gọi nôm na là sách tiền chiến. Nhưng khái niệm “tiền chiến” cũng khá linh hoạt và đôi khi trừu tượng; người ta thường chỉ coi “sách tiền chiến” là những ấn phẩm được xuất bản trong giai đoạn cuối những năm 1920, cho đến năm 1945, đặc biệt là của các tác giả văn học thời kỳ Thơ mới, hay thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn, các tác phẩm do một số NXB như Hàn Thuyên, Nam Cường, Cộng lực, Tân dân… phát hành.

Cuốn Kim Vân Kiều tân truyện, Abel des Michels phiên âm, chú thích, dịch sang tiếng Pháp, Ernest Leroux xuất bản, 1884-1885 hiện thuộc nhà sưu tập Trịnh Hùng Cường (Bắc Ninh).

Các tay chơi sách văn nghệ tiền chiến săn: Gái quê in 1936; Thơ Hàn Mặc Tử in 1942; Số đỏ in 1938; Vang bóng một thời các bản in trước 1945; Thi nhân Việt Nam bản in đầu 1942... Những tác giả được tìm kiếm nhiều có Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Thế Lữ, Phạm Cao Củng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Văn Ngọc, Phan Khôi, Tản Đà, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, sách dịch của Nhượng Tống… Nhiều không thể kể hết.

“Về xu hướng có lẽ cũng không có gì thay đổi nhiều. Tại TP.HCM thường chia làm 2 hướng: sách tiền chiến (tức kể chung các sách trước năm 1945) và sách trước 75 (kể cả các sách xuất bản ở miền Nam trước năm 1975). Gần đây, xuất hiện thêm những người sưu tầm thể loại mới là sách XHCN xuất bản ở ngoài Bắc (của các NXB Phổ thông, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ, Văn hóa, các liên khu…), những người sưu tầm loại này chủ yếu tập trung ở miền Bắc”, Vũ Hà Tuệ cho biết.

Hoàng sa, Trường Sa là chủ đề trên tạp chí Sử địa

Tiêu điểm

Các sưu tập tạp chí thì gom lẻ hoặc nhiều chục số (vì không ai có đủ bộ): Nam phong, Tri tân, Tao đàn, Ngày nay, Phụ nữ tân văn... giá từ vài chục đến cả trăm triệu, đều có mua bán cụ thể rồi. “Về sách quốc ngữ, tôi nghĩ quyển có thể đắt nhất bây giờ là Phép giảng tám ngày của cha Đắc Lộ, xuất bản năm 1651. Quyển này nếu có thì giá có thể lên đến 25.000 euro. Kế đến là quyển Từ điển Việt - Bồ - La, cũng của cha Đắc Lộ, cũng xuất bản năm 1651”, Vũ Hà Tuệ nói.

Nhà sưu tập Nguyễn Nhật Anh cho biết, bộ từ điển của Taberd, in năm 1838, nếu có bán bây giờ tùy tình trạng sách, có thể từ 3-4 nghìn USD. Cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của in tại Sài Gòn năm 1895, cũng rất đắt. Các cuốn sách của Trương Vĩnh Ký in từ trước 1900, cuốn nào cũng đắt giá. Ví dụ Từ điển Pháp - Việt in năm 1884 của Trương Vĩnh Ký, tùy tình trạng, có giá từ 10 - 12 triệu đồng. Nhưng không có. Hoặc bộ Cours D’histoire Annamites bản đầu cũng quý hiếm, giá cũng cỡ đó...

Hay như Kiều văn họa in năm 1942 do Hội Khai trí Tiến Đức in để lấy tiền xây cất nhà tưởng niệm Nguyễn Du, do có dính đến mấy họa bản in bằng giấy dó, giá cũng cỡ 20 triệu VND.

Bìa tạp chí Trung Bắc Chủ nhật năm 1942

Không chỉ giá cao mới khó kiếm

Vũ Hà Tuệ kể: “Nói đến chơi sách thì cũng không thể bỏ qua nội dung của nó. Có những quyển sách mới xuất bản, có giá trị thương mại không cao nhưng lại khá hiếm. Những quyển này, nếu thấy ở tiệm thì sẽ được bán với giá rất rẻ. Ví dụ quyển Xem đêm của Phùng Cung, đang được giới chơi sách săn tìm, tôi từng mua với giá chỉ 3.000 đồng. Hay như Chân dung nhà văn của Xuân Sách, quyển này khá hiếm vì sự độc đáo và câu chuyện xung quanh nó, giá của nó (nếu thấy) chắc cũng rẻ thôi”.

“Đương nhiên là những quyển giá cao thì khó kiếm rồi, vì chỉ có quý hiếm thì giá mới cao. Cũng có những quyển giá không cao nhưng vẫn khó kiếm, mà cũng chỉ nói ước lượng vậy thôi, chứ đã khó kiếm thì lấy đâu ra mà bán để nói giá cao hay không cao! Chẳng hạn cuốn Thép đã tôi thế đấy, nếu bán trên thị trường thì chắc giá cũng vừa phải, nhưng bản in lần đầu tiên của cuốn này, hình như có tên là Ra đời trong giông bão, có đốt đuốc tìm cũng không ra. Mà chắc chỉ mới xuất bản ở miền Bắc trong thời gian những năm 50 của thế kỷ trước thôi…”, Yên Ba phân tích.

Tuổi ngọc - một tạp chí dành cho tuổi mới lớn

Giá cả còn liên quan đến vai trò lịch sử của tác giả, quyển sách… có “dính” một hoặc vài sự kiện nào đó. Rồi còn phải tính đến bản đặc biệt, giấy đẹp có đánh số, có phụ bản, có chữ ký của tác giả, nhất là ký tặng ai đó nổi tiếng. “Nhưng đây cũng là khu vực nhạy cảm và mâu thuẫn của nhà sưu tầm, họ vừa thích khoe mình có những sách quý như thế nào, đồng thời lại ngần ngại để lộ một số quyển đặc biệt vì có thể gặp phiền hà”.

“Tất nhiên, giới sưu tầm sách khác hẳn giới đọc sách. Lý tưởng nhất là kết hợp được hai giới này với nhau, nhưng chắc khó. Muốn có được nhiều sách hay, đặc biệt thì phải bỏ rất nhiều thời gian, chẳng còn mấy thời gian để đọc nữa. Nhiều quyển sách giá cao đến phi lý, xuất phát từ đặc điểm lai lịch nhiều hơn giá trị nội dung”, Cao Việt Dũng kết luận.

Hiền Hòa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN