TTVH Online

Bầu Kiên làm cuộc họp tổng kết giải “nổi sóng”

08/09/2011 17:58 GMT+7

Tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam ở Hà Nội, không khí đã thực sự nóng khi bầu Kiên đứng lên tham gia diễn đàn.

(TT&VH Online)- Hôm nay (8/9), tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam ở Hà Nội, không khí đã thực sự nóng khi bầu Kiên đứng lên tham gia diễn đàn và có màn bày tỏ nhiều bức xúc với những nỗi niềm của một ông bầu đã tham gia V-League 2011.

“Các anh nghĩ chúng tôi là trẻ con lớp 1, lớp 2 hay sao mà đưa ra một bản tổng kết như vậy”, ông bầu Nguyễn Đức Kiên (HN.ACB) mở màn cho bài phát biểu "có một không hai" trong lịch sử các buổi họp tổng kết của VFF. Tưởng chừng như sẽ là một cuộc họp bình thường, với những tổng kết báo cáo "vô thưởng vô phạt" đôi khi khiến người đi dự họp cảm thấy “buồn ngủ”, nhưng phòng họp đã “nổi sóng” khi bầu Kiên lên tiếng.

Bài phát biểu của ông Kiên kéo dài với nhiều tâm trạng. Ông Kiên chỉ ra rằng một mùa giải mà trong báo cáo nói rằng “hấp dẫn nhất từ trước tới nay trong lịch sử V-League” là còn vô số những điều thiết sót, những vấn đề bất cập. Ngoài công tác trọng tài còn nhiều yếu kém, những quyết định của trọng tài khiến cho nhiều đội bóng phải điêu đứng, ông bầu của HN.ACB còn “xới” lại ví dụ điển hình nhất là tiếng còi của trọng tài Trần Công Trọng trong trận đấu của Vicem Hải Phòng và HP.HN. Bầu Kiên còn không ngại động chạm khi nói thẳng ra rằng việc chủ tịch HĐ Trọng tài Nguyễn Văn Mùi có cả con trai lẫn con rể cùng thổi còi ở giải VĐQG là điều không thể chấp nhận được.

Bầu Kiên tham gia "diễn đàn" ở cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 - Ảnh CTV

“Các anh có biết vì sao bầu Long, bầu Tuấn bỏ bóng đá không, vì chúng tôi mất hết niềm tin, mất hết sự tin tưởng vào sự điều hành nền bóng đá”, bầu Kiên bày tỏ. Ông Kiên còn khẳng định rằng những đội bóng không bao giờ chịu mất một xu cho trọng tài như HN.ACB luôn luôn là những đội bóng phải chịu thiệt thòi. Ông Kiên còn nói rằng đội của ông và một số đội bóng khác sẵn sàng tách riêng lập ra một giải đấu kiểu Super-League và nếu điều đó xảy ra có thể đồng nghĩa với việc…tẩy chay luôn V-League.

Một cuộc họp tổng kết rõ ràng chỉ mang tính tổng kết, và đã là tổng kết thì nội dung dường như còn chung chung. Nhưng khi người ta đã dám thẳng thắn nói ra những bức xúc, bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn thì cuộc họp đột nhiên trở nên “nóng”.

Nếu như nhiều người trong cuộc cùng đứng lên, cùng dám nói như bầu Kiên thì cuộc họp tổng kết mùa giải của VFF hẳn sẽ còn “rôm rả” hơn.

Trần Uy Vũ

VFF tổng kết các giải VĐQG

... Thay mặt BTC các giải, ông Dương Nghiệp Khôi - Phó Tổng thư ký, Trưởng BTC các giải quốc gia đã đọc dự thảo báo cáo tổng kết mùa giải 2011. Mùa giải 2011 có dấu mốc quan trọng đối với quá trình phát triển của các giải đấu quốc gia, trong đó Giải bóng đá VĐQG Eximbank 2011 là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (sau 10 năm thử nghiệm) toàn bộ 14 CLB tham gia giải đều là chuyên nghiệp (doanh nghiệp). Đối với giải Hạng nhất QG và Cúp QG, năm 2011 cũng được đánh giá là năm bản lề trong tiến trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp theo kế hoạch và định hướng của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Bản báo cáo cũng nêu rõ: "Mùa giải năm 2011 cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được cơ quan quản lý hoạt động bóng đá giải quyết khắc phục như: "Sự thi đấu thiếu quyết tâm của một bộ phận cầu thủ, CLB khi đã đảm bảo số điểm cần thiết để trụ hạng hoặc thăng hạng tạo nên những hình ảnh, dư luận xấu trong xã hội, các sai sót của trọng tài trong những thời điểm quyết định của Giải ảnh hưởng trực tiếp đến các CLB trong nhóm liên quan, tạo áp lực vô cùng lớn đối với Ban tổ chức Giải cũng như Lãnh đạo các CLB".

Có thể nói, mùa giải 2011 đã kết thúc với nhiều sự kiện đan xen giữa tính tích cực và những tồn tại, cũng đặt Liên đoàn bóng đá Việt Nam đứng trước thực tế phát triển nhanh của bóng đá chuyên nghiệp, đòi hỏi cần phải đổi mới để phù hợp với yêu cầu quản lý và điều hành trong điều kiện mới, cũng như rất cần sự ủng hộ và quan tâm của các cơ quan, ban nghành, các CLB và người hâm mộ trên cả nước. 

Mặc dù còn một số khiếm khuyết trên bước đường chuyên nhiệp hoá bóng đá tại Việt Nam, nhưng có thể khẳng định rằng: LĐBĐVN, Ban tổ chức giải đã cùng với các Câu lạc bộ, Ban tổ chức trận đấu, các Giám sát, trọng tài, các hội Cổ động viên ở các địa phương đã có nhiều nỗ lực để giành được những kết quả đáng ghi nhận tại mùa giải 2011.

Sau phần phát biểu tổng kết mùa giải 2011, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG thông báo về công tác truyền hình trực tiếp tại mùa giải vừa qua. So với mùa giải 2010, năm 2011 các trận đấu thuộc giải 3 giải trên đã được AVG phối hợp các đơn vị truyền hình trong nước truyền hình trực tiếp với tần suất cao hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, AVG đã báo cáo với Thường trực LĐBĐ Việt Nam về việc cung cấp miền phí bản quyền truyền hình trực tiếp giải VĐQG Eximbank 2012 cho toàn bộ đài truyền hình trong nước và các đài truyền hình địa phương. Về giải HNQG, AVG sẽ tường thuật 52 trận đồng thời sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ cho các VĐV, HLV gặp chấn thương trong quá trình tham dự giải.

Tại buổi tổng kết mùa giải, Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi cũng có báo cáo tổng kết công tác trọng tài mùa giải 2011. Công tác đào tạo, phát triển và bồi dưỡng trọng tài được thực hiện liên tục và thường xuyên nhằm tăng cường phát triển năng lực đội ngũ trọng tài cả về chất và lượng. Tuy nhiên, do tính chất căng thẳng của mùa giải công tác phân công trọng tài của HĐTT QG ở thời điểm cuối mùa giải gặp nhiều khó khăn.

Trong điều kiện các CLB có sự cạnh tranh quyết liệt qua từng trận đấu, nhiều trận có tính chất phức tạp, tạo nhiều áp lực, một số trọng tài có biểu hiện nương nhẹ với đội chủ nhà, xử lý không kiên quyết các lỗi thô bạo nên có những cầu thủ không ngại sử dụng lối đá thô bạo và tiểu xảo với cầu thủ đội khách. Nghiêm trọng nhất là hai trọng tài chính điều khiển hai trận đấu: Vicem Hải Phòng- HPHN và Becamex Bình Dương- Vicem Hải Phòng, do không chuẩn bị tốt về tâm lý, bản lĩnh không vững vàng dẫn đến nhiều sai sót chuyên môn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đội ngũ trọng tài và của giải đấu... Dù vậy, nhìn chung các trọng tài trẻ có sự tiến bộ về chuyên môn, thể hiện được năng lực và bản lĩnh. Với sự chỉ đạo của HĐTTQG, ở hai vòng đấu cuối, các trọng tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong những trận đấu có tính chất căng thẳng và quyết định tới việc lên - xuống hạng của các CLB.

Tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 đã diễn ra lễ trao các giải thưởng cá nhân và CLB đạt danh hiệu tại mùa giải này. Các danh hiệu trọng tài và trợ lý trọng tài xuất sắc trong năm 2011 cũng được trao tại hội nghị...

Ngoài ra, tại cuộc hội thảo bàn về công tác chuẩn bị cho mùa giải tới, HLV ĐTVN Falko Goetz đề xuất tới vấn đề đăng ký cầu thủ ngoại thi đấu. Theo HLV trưởng ĐTVN Falko Goetz chỉ nên đăng ký 4 cầu thủ ngoại cho cả mùa giải và trong mỗi trận đấu chỉ sử dụng tối đa 3 cầu thủ nhằm tạo điều kiện cho cầu thủ nội phát triển năng lực và trình độ. Ngoài ra, việc phát triển cầu thủ trẻ như là một sự đầu tư cho tương lai. Vì vậy, cần có cam kết của tất cả các CLB đối với việc phát triển cầu thủ. Nên chăng ngay từ mùa giải tới, mỗi CLB sẽ có tối thiểu 2 cầu thủ sinh năm 1990 trở về sau cho đội hình xuất phát mỗi trận đấu. Hệ quả của việc này là LĐBĐVN có thể chọn lựa tối thiểu 70 cầu thủ cho SEA Games 2013 từ 14 CLB. HLV Falko Goetz cho rằng việc tổ chức và quy định này sẽ không quá tốn kém và mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói chung và các đội tuyển QG nói riêng.

Theo VFF

 

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN