TTVH Online

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Nếu được giải thưởng, tôi không còn vui lắm…

31/08/2011 13:56 GMT+7

Sau khi Bộ VH,TT&DL chính thức khẳng định nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông về chặng đường sáng tác cũng như con đường đã đi qua của cuộc đời nghệ sĩ.

(TT&VH) - Nhạc sĩ Phạm Tuyên, 82 tuổi, đã trở thành tâm điểm của những thông tin đa chiều quanh đợt xét tặng danh hiệu Giải thưởng Nhà nước năm nay. Sau khi Bộ VH,TT&DL chính thức khẳng định ông xứng đáng được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông về chặng đường sáng tác cũng như con đường đã đi qua của cuộc đời nghệ sĩ.

>> Chuyên đề: Lùm xùm quanh Giải thưởng Nhà nước

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ:

- Việc thẩm định một tác phẩm nghệ thuật cần phải có thời gian. Sức sống của nó trong đời sống nhân dân chính là thước đo để tặng giải thưởng, chứ không phải là lá đơn xin! Tôi thấy Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cứ 2 năm, 5 năm xét tặng một lần, liệu 2 năm, 5 năm đã là quãng thời gian đủ để thẩm định một tác phẩm âm nhạc hay chưa?

Giải thưởng không phải kết quả cuộc xin - cho!

* Thưa ông, những ngày qua, dư luận đã có những ồn ào quanh đề nghị của Hội Âm nhạc Hà Nội về việc đặc cách tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi có biết những điều đó. Tôi chỉ nghĩ, những thủ tục hành chính rắc rối của việc xét tặng giải thưởng không còn hợp thời nữa. Đã đến lúc hội đồng xét duyệt các cấp nên chú ý tìm hiểu tình hình thực tế để từ đó ghi nhận sự đóng góp của các tác phẩm nghệ thuật.

Cá nhân tôi sẽ không bao giờ làm đơn để xin giải thưởng. Những tác phẩm nghệ thuật đã có công chúng và thời gian làm công tác thẩm định.

Tôi còn nhớ, khi tôi sáng tác bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng vào đêm 28/4/1975. Sáng sớm hôm sau tôi ra bờ Hồ đã thấy đài phát thanh phát ca khúc này. Tôi hết sức ngạc nhiên vì bài hát còn chưa đưa đi in. Các anh bên phát thanh có nói, ngay khi có tin chiến thắng, họ đã cho phổ biến ca khúc của tôi. Đến ngày 30/4/1975, hàng triệu người đã hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng.

Trước sức lan tỏa của bài hát, nhiều người đã nói, có nên tặng thưởng Huân chương Lao động cho tôi không. Lúc ấy, chưa có tiền lệ tặng Huân chương Lao động cho một ca khúc vừa mới ra đời. 10 năm sau, năm 1985, anh Trần Lâm (khi đó là Giám đốc Đài Phát thanh) đã đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Lao động cho ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng. May mắn lần ấy, đề nghị xét tặng vừa gửi đi đầu tuần, cuối tuần đã có kết quả. Ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng được tặng thưởng Huân chương Lao động.

* Những tranh cãi về Giải thưởng Hồ Chí Minh có khiến giải thưởng mất đi ít nhiều ý nghĩa đối với ông?

- Đúng như thế. Giải thưởng phải là sự ghi nhận, giải thưởng không thể là kết quả của một cuộc xin - cho.

Những tranh cãi, ầm ĩ quanh giải thưởng còn khiến cho giải thưởng bị mất uy tín.

* Giả sử, sau những tranh cãi ồn ào, ông sẽ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay...?

- Tôi không còn vui lắm. Tôi không vui vì có thể khi trao giải cho tôi người ta đã nghĩ, thôi thì trao cho ông ấy cái giải để dư luận yên đi! Nhưng tôi tin, dư luận vẫn chưa yên đâu, đặc biệt là giới sáng tác...

Người ta đã quên tôi rồi

* Trước khi xảy ra những tranh cãi về Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, được biết, ông đã từng có lần từ chối giải thưởng Nhà nước. Vì sao vậy?

- Tôi đã từng từ chối nhận giải thưởng Nhà nước đợt 1, từ rất lâu rồi. Nhưng sau đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa) đã động viên tôi đến nhận. Và tôi đã đến Bộ nhận giải thưởng chứ không đến lễ trao giải thưởng. Anh Nguyễn Khoa Điềm có nói với tôi, Giải thưởng Hồ Chí Minh còn nhiều đợt xét tặng, nhất định người ta sẽ nhớ đến anh.

Nhưng thực tế cho thấy, người ta đã quên tôi rồi (cười).

Tôi tin, khi Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, các anh ấy cũng không làm đơn xin đâu. Tác phẩm của người ta lớn như thế, cả nhân dân thừa nhận, cả nhân dân cùng hát, tại sao lại phải làm đơn xin?

* Theo ông, điều gì sẽ giữ gìn uy tín cho những giải thưởng danh giá này?

- Tầm vóc của giải thưởng phải phản ánh đúng tầm vóc của tác phẩm. Tác phẩm lớn lại phải do nhiều yếu tố quyết định.

Bây giờ, nếu công chúng yêu cầu tôi sáng tác một bài hát hay hơn Chiếc gậy Trường Sơn, hay hơn Như có Bác trong ngày vui đại thắng... Tôi có lẽ phải từ chối, bởi điều đó không đơn giản chút nào!

* Đã đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời, đã đi qua những thăng trầm, sóng gió... sau một chặng đường dài. Điều ý nghĩa thực sự đối với ông bây giờ sẽ là gì?

- Ở tuổi của tôi, những hư danh, giải thưởng chẳng còn ý nghĩa nữa. Tôi chỉ suy nghĩ, quỹ thời gian của tôi không còn nhiều trong khi tôi có rất nhiều việc muốn làm. Tôi muốn dành thời gian sáng tác nhiều hơn nữa những ca khúc cho thiếu nhi. Đời sống tinh thần của các em đang nghèo nàn quá.

Vi Tú (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN