TTVH Online

Truyền thuyết chùa Cầu vào hát bội

20/08/2011 09:02 GMT+7

Tối nay, 20/8, tại TP.Hội An sẽ diễn ra chương trình khai mạc sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 9. Công chúng và du khách sẽ được thưởng thức vở tuồng "Trị Cù diệt quái" kể về truyền thuyết chùa Cầu Hội An.

(TT&VH) - 19h30 phút tối nay, 20/8, tại TP.Hội An sẽ diễn ra chương trình khai mạc sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 9. Lần đầu tiên công chúng Hội An và Nhật Bản cùng du khách sẽ được thưởng thức vở tuồng Trị Cù diệt quái kể về truyền thuyết chùa Cầu Hội An - di tích biểu trưng của đô thị cổ Hội An và cũng là biểu tượng của sự giao hòa văn hóa Hội An - Nhật Bản.

Truyền thuyết của người Hội An kể rằng: Thuở xưa người Hội An chịu nạn lũ lụt, động đất cùng nhiều hiểm họa sóng gió bất thường bởi một loài thủy quái đã tu luyện nhiều đời có tên gọi là con Cù.

Con Cù là loài quái vật hết sức to lớn, đến nỗi đầu nó ở Ấn Độ, đuôi nó ở xứ Phù Tang, thân mình nó ở Hội An, cứ mỗi lần nó quẫy đuôi là động đất, sóng thần ở biển đảo Nhật Bản, nó ngóc đầu là lũ lụt ngập trời Ấn Độ.

Các diễn viên trong vở “Truyền thuyết con Cù”

Người dân thành tâm cầu nguyện mong có anh hùng trị Cù, diệt quái, cứu hộ độ sinh vì vậy Trời sai Thiên tướng lo việc trị thủy, cai quản việc mưa là Trấn Vũ xuống diệt Cù. Trấn Vũ cùng hợp lực với thần vũ Ấn Độ, thần vũ Phù Tang đã hàng phục được con Cù, đem lại cuộc sống bình yên cho muôn dân các nước. Ngay lưng con Cù, các thần đặt bùa trấn yểm, người dân chung sức dựng nên ngôi đền thờ và xây cầu cùng hương khói tưởng niệm - đó chính là chùa Cầu ngày nay.

Hoạt cảnh tuồng hát bội Truyền thuyết con Cù (tác giả kịch bản Phùng Tấn Đông, đạo diễn Cao Đình Liên, biên đạo vũ đạo tuồng Bích Huệ) được các diễn viên Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An biểu diễn hết sức sinh động, đầy tính ước của nghệ thuật tuồng.

Đạo diễn Cao Đình Liên cho biết, lần đầu tiên, đây là một vở tuồng về truyền thuyết có thời lượng trên 10 phút, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, để chuyển tải được lượng thông tin về một truyền thuyết quả là điều khó. Để chuyển tải thông tin được nhiều nhất, tốt nhất đến khán giả Việt Nam, Nhật Bản cũng như đến du khách nước ngoài chỉ có thể lấy vũ đạo của tuồng mà thể hiện ngôn ngữ sân khấu.

Trong cảnh tuồng cuối cùng, cũng là điểm cao trào của hoạt cảnh tuồng này, khi thần Bắc Đế trấn yểm Cù, tất cả diễn viên của hoạt cảnh tuồng sẽ cùng kết thành hình chùa Cầu (ảnh)

Vở tuồng thể hiện truyền thống trị thủy của các dân tộc Á Đông qua đó cũng nói lên tình hữu nghị cùng nhau chia sẻ lúc gian nan, hiểm họa của các dân tộc trong đó có Việt Nam và Nhật Bản.

Khiếu Thị Hoài

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN