TTVH Online

Doanh nhân Trung Quốc muốn sắm tàu sân bay Anh

17/08/2011 13:50 GMT+7

Việc quân đội Anh đang phải bán tống bán tháo nhiều trang thiết bị quân sự với giá rẻ để bù đắp lỗ hổng ngân sách quân sự lên tới 36 tỷ bảng đã thu hút một lượng lớn những người mua đặc biệt: các doanh nhân Trung Quốc.

(TT&VH) - Việc quân đội Anh đang phải bán tống bán tháo nhiều trang thiết bị quân sự với giá rẻ như cho để bù đắp lỗ hổng ngân sách quân sự lên tới 36 tỷ bảng đã thu hút một lượng lớn những người mua đặc biệt: các doanh nhân Trung Quốc. Và cặp mắt của họ hiện đều đổ dồn vào các tàu sân bay HMS Invincible và HMS Ark Royal.

Theo hãng tin Reuters, hàng loạt trang thiết bị quân sự của quân đội Anh đang được rao bán trên mạng eBay và trên một trang web của Chính phủ với mức giá vô cùng rẻ mạt.

Máy bay, tàu chiến... đại hạ giá trên eBay

Đơn cử như các máy bay trực thăng Gazelle vốn có giá thành chế tạo mỗi chiếc khoảng 5 triệu bảng, đang được rao bán với giá chỉ vỏn vẹn 100.000 bảng/chiếc. Tương tự là các xe bọc thép Jaguar có giá thành sản xuất lên tới 200.000 bảng, nhưng được bán với giá chỉ 12.000 bảng.

Ở vị trí trung tâm là tàu sân bay HMS Ark Royal, đang được rao với giá bèo 3,5 triệu bảng, trong khi chi phí đóng con tàu này lên tới 200 triệu bảng. Reuters cho biết con tàu hiện nhận rất nhiều sự quan tâm từ các doanh nhân Trung Quốc, những người đã sốt sắng chứng tỏ rằng họ có thể chấp nhận bất kỳ mức giá nào, miễn là được sở hữu nó.

Vì thiếu tiền, quân đội Anh phải bán tống bán tháo nhiều trang thiết bị quân sự.
Lô trực thăng Gazette này có giá chỉ 100.000 bảng mỗi chiếc

Hồi đầu năm nay, doanh nhân người Hoa Lam Kin Bong đang làm ăn ở London cho tờ South China Morning Post biết rằng ông ta đã bỏ ra 5 triệu bảng để đấu thầu mua Invincible, con tàu “chị em” với Ark Royal, nhằm biến nó thành một ngôi trường quốc tế ở Quảng Đông. Sau khi cân nhắc, Bộ Quốc phòng Anh đã đánh giá số tiền Lam bỏ quá lớn so với giá trị “sắt vụn” của Invincible và nghi ngờ về mục đích thực của nhân vật này nên đã bán con tàu cho Thổ Nhĩ Kỳ để rã làm sắt vụn.

Tuy nhiên thất bại của Lam không khiến những người khác nản lòng. Đầu tháng này, Công ty Quản lý tài sản Eagle Vantage có trụ sở ở Hong Kong thông báo với hãng tin Reuters rằng họ đã bỏ tiền ra đấu thầu mua Ark Royal nhằm sử dụng nó trong hoạt động kinh doanh giải trí. Eagle Vantage, vốn thuộc sở hữu của ông trùm Hoàng Quang Dụ, người hiện đã bị bỏ tù ở Trung Quốc vì tội hối lộ và gian lận cổ phiếu. Không tiết lộ số tiền họ bỏ ra đấu thầu, nhưng phát ngôn viên công ty khẳng định họ hoàn toàn độc lập với Chính phủ Trung Quốc.

Chiêu cũ

Tuy nhiên những lời đảm bảo “suông” này đã nhanh chóng vấp phải sự nghi ngờ từ giới phân tích phương Tây. Họ tin rằng Ark Royal có thể sẽ được hải quân Trung Quốc kéo tới nơi nào đó và xẻ thịt để tìm kiếm bí mật đóng tàu, hoặc sẽ được tân trang và đưa vào phục vụ trong quân đội.

“Mối quan hệ giữa các doanh nhân Trung Quốc và giới cầm quyền luôn nằm sau một màn sương bí ẩn” - James Hardy, biên tập viên của tờ tuần báo quốc phòng Jane’s Defense Weekly nói - “Người Trung Quốc nổi tiếng vì độ kiên nhẫn, cũng như khả năng sao chép công nghệ... Hoàn toàn có khả năng họ sẽ biến Ark Royal trở thành một tàu sân bay mang trực thăng. Những con tàu như vậy sẽ là một vũ khí lợi hại để phô trương sức mạnh tại Biển Đông...”.

Tàu sân bay Ark Royal hiện đang là tâm điểm chú ý của các doanh nhân Trung Quốc

Thực tế Trung Quốc đã từng áp dụng chiêu bài mua tàu quân sự nước ngoài để phục vụ mục đích kinh doanh, sau đó lại đưa nó vào trang bị trong quân đội. Đó là trường hợp của Varyag, một con tàu sân bay chưa đóng hoàn chỉnh nằm ở Ukraina. Các doanh nhân Trung Quốc đã mua Varyag từ cuối những năm 1990, nói rằng họ muốn biến con tàu trở thành sòng bạc nổi tại Macau. Song sau khi thương vụ hoàn tất, con tàu đã được kéo thẳng về cảng Đại Liên để tu sửa, lắp thiết bị mới để trở thành một con tàu quân sự hoàn chỉnh. Nhiều nhà phân tích nghi ngại viễn cảnh tương tự sẽ diễn ra với các tàu chiến Anh.

Ngoài ra việc bán tàu chiến cho doanh nhân Trung Quốc sẽ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà châu Âu đang áp dụng với Trung Quốc. Nó cũng sẽ khiến Mỹ và các nước lớn ở châu Á phật ý, bởi họ đều đang quan ngại trước sự vươn lên mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc.

“Chiêu mua tàu chiến để làm sòng bạc và trung tâm giải trí là thứ người Trung Quốc đã sử dụng kể từ những năm 1980” - Bud Cole, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ hiện đang làm giảng viên ở Đại học Quốc gia về Chiến tranh ở Mỹ đánh giá. Ông nói rằng các doanh nhân Trung Quốc cũng từng đề đạt nguyện vọng tương tự với tàu sân bay HMAS Melbourne của Australia và vài con tàu khác.

Tiền bạc không phải tất cả

“Tất cả các con tàu đó sẽ được các nhà thiết kế Trung Quốc xem xét kỹ lưỡng như một nguồn thông tin tham khảo giá trị nhằm chế tạo một con tàu sân bay nội địa. Tôi tin rằng viễn cảnh tương tự sẽ xảy ra với các tàu sân bay Anh” - Bud Cole nói. Các chuyên gia khác cũng nói rằng Ark Royal là một mẫu tàu thành công về mặt thiết kế và dựa vào nó, người Trung Quốc có thể thấu hiểu được những kỹ thuật đóng tàu quân sự tiên tiến của nước Anh.

Bộ Quốc phòng Anh đã xem xét nghiêm túc những cảnh báo của giới phân tích. Một phát ngôn viên của bộ nói rằng chỉ riêng tiền bạc không đủ để ai đó có thể sở hữu được Ark Royal, kể cả khi quân đội Anh đang rất túng bấn. “Hiển nhiên số tiền liên quan tới thương vụ bán tàu là điều rất quan trọng” - phát ngôn viên đề nghị giấu tên của Bộ Quốc phòng nói với Reuters - “Nhưng chúng tôi cũng quan tâm tới việc người ta sẽ có kế hoạch gì với con tàu, sau khi nó đã được bán”.

Hiện Bộ Quốc phòng đã chấm dứt việc đấu thầu mua Ark Royal và quyết định cuối cùng về con tàu sẽ được thông qua vào tháng 9 tới. Ngoài khả năng bán làm sắt vụn, báo chí Anh nói rằng con tàu có thể được giữ lại và neo đậu tại London làm bãi đỗ máy bay trực thăng, phục vụ cho Thế vận hội 2012 và các sự kiện quan trọng khác trong tương lai.

Tường Linh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN