TTVH Online

Thạc sĩ Phan Đình Anh Khoa: Tôi chọn chữ HÒA

15/08/2011 07:10 GMT+7

Phan Đình Anh Khoa - người Việt nổi tiếng ở Nhật. Người được cả Asahi Shimbun lẫn Nihon Keizai Shimbun, hai nhật báo hàng đầu ở Nhật giới thiệu cùng bộ phim tài liệu của anh với tiêu đề "Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu".

(TT&VH Cuối tuần) - Phan Đình Anh Khoa là ai? - Khi nghe cái tên này nhiều người hỏi lại.

Google cho biết ngay: Phan Đình Anh Khoa - người Việt nổi tiếng ở Nhật. Người được cả Asahi Shimbun lẫn Nihon Keizai Shimbun, hai nhật báo hàng đầu ở Nhật giới thiệu cùng bộ phim tài liệu của anh với tiêu đề Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu. Trước đó, khi đang là sinh viên Đại học Seika (Kyoto), anh được báo chí Nhật Bản giới thiệu là người nước ngoài đầu tiên đoạt giải Ưu tú của giải thưởng Thiết kế quảng cáo Mainichi. Trong suốt lịch sử 71 năm của giải thưởng này, đây là lần đầu tiên một người nước ngoài được vinh danh. Cũng năm đó, anh là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho tới nay được nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản để theo học chương trình cao học tại Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo. Trên trang web nhatban.net, Phan Đình Anh Khoa được xem như thần tượng của rất nhiều du học sinh Việt Nam tại xứ Phù Tang. Và không chỉ thế, người thanh niên ấy như một “kho văn hóa sống” về Nhật Bản, bất cứ là nhà văn Murakami (tác giả những best seller ở Việt Nam: Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển…) hay Nobuyoshi Araki, nhiếp ảnh gia gây tranh luận khắp thế giới, hoặc Nagashi Oshima, đạo diễn lừng danh của dòng phim erotic..., với anh đều là những câu chuyện thú vị bằng sự hiểu biết sâu sắc và cuốn hút.

Còn bây giờ, đối diện với tôi, thần tượng ấy bé nhỏ, giản dị và rắn rỏi. Anh nói vừa trồng xong khóm chuối trong khu vườn ở Củ Chi.

Phan Đình Anh Khoa và giải thưởng Thiết kế quảng cáo Mainichi

Bán cá, làm người mẫu nude để học nghệ thuật

* Điều gì thực sự đã thôi thúc anh tới Nhật để theo đuổi ngành thiết kế? Theo tôi biết thì châu Âu, cụ thể là Đức với ngôi trường danh tiếng Bauhaus, thường là đích ngắm của nhiều nhà thiết kế Việt Nam.

- Từ nhỏ tôi đã mê thiết kế của Nhật rồi. Lúc đó sách vở ít, chưa có Internet như bây giờ, tình cờ gia đình tôi được một công ty Nhật tặng cuốn lịch có in phong cảnh 4 mùa, kimono… Lập tức tôi cảm thấy thích vì vẻ đẹp, sự tinh tế và thanh tao của nghệ thuật Nhật Bản. Bởi vậy, năm lớp 10 tôi đã theo học Nhật ngữ ở trường Sakura, khi trường này vừa mở. Tất nhiên lúc đó tôi chưa biết gì về nghề thiết kế cả. Ý tưởng trở thành nhà thiết kế chỉ nảy ra sau khi xem bộ phim truyền hình Hàn Quốc Hoa cúc vàng. Và tôi nghĩ mình phải đi Nhật để học thiết kế. Sau này thì tôi biết, thiết kế của Đức cũng có chịu ảnh hưởng từ Nhật.

Trong chuyện này, chắc là tôi cũng có duyên, vì trường Sakura có hợp tác với một trường thiết kế ở Nhật, thường thì ít có trường dạy tiếng Nhật nào lại có quan hệ với trường thiết kế lắm. Khi biết tôi thích học ngành này, họ đưa cả giảng viên từ Nhật qua phỏng vấn, gặp bố mẹ tôi vì họ chưa tin một “thằng bé” như thế có ý nghĩ nghiêm túc…

* Nhìn “bảng vàng thành tích” học tập ở Nhật của anh thật đáng nể. Chắc chắn đạt được những kỳ tích đó không thể nhờ duyên. Tôi nghe nói anh đã có những tháng ngày rất vất vả, làm đủ mọi nghề, kể cả làm người mẫu khỏa thân?

- Vào được Trường ĐH Seika rất khó khăn. Khoa thiết kế trường này nổi tiếng ở vùng Kansai, để vào được khoa này, người Nhật luyện vẽ dữ dội lắm. Còn mình, học tiếng từ sáng tới chiều, buổi tối đi bán cá để lấy tiền sinh hoạt, tiền học tiếng và còn phải dành ra một khoản để chuẩn bị vào đại học. Tôi có 2 năm đi bán cá, hàng ngày phải chui vào tủ đông âm 20 độ để lấy cá ra bán. 10 giờ tối về nhà mới mang được viết chì ra tập hình họa, vẽ màu… Lúc vào đại học rồi, cứ 4 giờ sáng hàng ngày lại leo lên khu resort trên núi để dọn phòng. Có những hôm mùa Đông đạp xe đi, trượt ngã chảy cả máu… Nhưng kỳ lạ lắm, chưa bao giờ tôi cảm thấy vất vả cả. Ở tuổi 20 có lẽ niềm đam mê rất lớn. Khi mở cửa tủ đông đá lấy cá ra, tôi luôn nghĩ tới ngày mình bước chân vào trường đại học. Lúc bị ngã trên đường lên núi cũng vậy, tôi thấy đó là con đường mình phải đi để đến giảng đường. Năm học thứ hai, thứ ba tôi làm đủ thứ. Học phí học nghệ thuật ở Nhật rất đắt. Có lần tới ngày đóng tiền học mà chưa đủ, lo lắm, tự dưng thấy ở trường có bảng đề tuyển người mẫu khỏa thân. Lúc đầu cũng ngại ngần, nhưng khi trải qua rồi thấy cũng hay. Vứt bỏ được mặc cảm, lúc đó trong tôi chỉ có một mục đích duy nhất: phải trở thành nhà thiết kế.

Ngày nhận bằng tốt nghiệp của ĐH Nghệ thuật quốc gia Tokyo

* Nhưng làm thế nào mà anh trở thành người nước ngoài đầu tiên đoạt giải thưởng Thiết kế Mainichi danh tiếng ở Nhật, khi anh mới chỉ là sinh viên năm thứ ba. Và học bổng của Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên cấp cho một sinh viên Việt Nam theo học nghệ thuật nữa chứ?

- Năm thứ ba ở ĐH Seika thật sự có nhiều sự kiện đáng nhớ với tôi. Khi ấy tôi vừa trở lại Nhật sau khi về Việt Nam thăm gia đình, thấy tủ thư đầy ứ. Một bức thông báo tôi đã đoạt giải thưởng Mainichi, một trong những giải thưởng danh giá nhất trong cuộc đời một nhà thiết kế ở Nhật. Giải thưởng này đến với tôi thật đúng lúc, nó cho tôi niềm tin lớn vào con đường mà mình đã lựa chọn. Trước đó, không phải có lúc tôi không phân tâm: mình có đủ năng lực để theo nghề này không? Mình có sống được với sự nghiệp này không?

Năm đó yêu cầu của giải thưởng này là thiết kế quảng cáo về đề tài Chiến tranh và Hòa bình. Tôi tham gia cũng vì lời khuyên của thầy giáo, rằng muốn đi theo con đường thiết kế chuyên nghiệp thì nên tham gia, và chọn câu chuyện trong tác phẩm của mình là Việt - Đức, cặp song sinh được nhiều người Nhật biết đến, phía Nhật cũng giúp đỡ thực hiện cuộc phẫu thuật tách đôi này. Qua hình ảnh Đức ngồi trên xe lăn, với nụ cười và bàn tay vẫy, người ta có thể nhìn thấy chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn luôn tồn tại. Khi nhận xét về tác phẩm của tôi, Trưởng ban Văn hóa của nhật báo Mainichi nói rằng nó mang tính nhân văn và là một “khổ tác” (tốn nhiều công sức để làm). Người Nhật rất đề cao sự khổ luyện. Có lẽ cũng vì thế mà một cậu sinh viên Việt Nam phải làm mọi thứ để học ở Nhật khiến người ta chú ý. Và năm ấy cuộc chiến tranh Iraq cũng đang bắt đầu, nên có lẽ thông điệp trong tác phẩm của tôi được ban giám khảo quan tâm.

Sáng thứ Bảy vừa qua, 13/8, Phan Đình Anh Khoa cùng đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã có buổi nói chuyện với chủ đề Nhật Bản erotic - Sự gợi tình trong văn hóa Nhật Bản, tại Cà phê thứ Bảy, 37 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM

Cùng với giải thưởng Mainichi, thì một phong bì khác thông báo tôi trúng tuyển vào làm ở một công ty quảng cáo lớn vào hàng thứ hai ở Nhật. Và thêm một phong bì quan trọng hơn cho biết tôi đã trúng tuyển học bổng của Chính phủ Nhật Bản, một học bổng rất lớn, kéo dài trong 8 năm, cho tôi toàn bộ học phí và sinh hoạt phí, tính ra tiền Việt có lẽ lên tới cả chục tỷ đồng. Vậy là sau 5 năm luôn phải bươn chải để học, giờ tôi không phải làm gì, chỉ học - điều ấy cực kỳ sung sướng.

Tìm sự cân bằng

* Điều quan trọng nhất trong nghề thiết kế mà anh học được từ ĐH Seika đến ĐH Nghệ thuật quốc gia Tokyo là gì?

- Trong thế giới ngày nay, sự thay đổi diễn ra nhanh chóng. Quảng cáo là những cái luôn thay đổi nhưng thầy tôi lại bảo: hãy nghĩ về tuổi thọ của tác phẩm. Ông làm một quảng cáo suốt 30 năm không thay đổi ý tưởng. Ông bảo: Nghệ thuật có thể thay đổi theo thời gian, theo vùng miền, nhưng những gì thuộc về văn hóa, về nhân văn thì không thay đổi - hãy nghĩ về điều ấy.

Trong suốt thời gian học ở Nhật, tôi chỉ có 2 tác phẩm. Một là Chiến tranh và Hòa bình đoạt giải Mainichi như đã nói. Và bộ phim Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu. Chiến tranh và Hòa bình làm mất 1 năm, còn phim mất 2 năm. Quan niệm của tôi là không cần làm nhiều tác phẩm, không cần đi tìm cái đẹp, vì mỗi người có cái đẹp khác nhau, mỗi thời có cái đẹp khác nhau. Nhưng tác phẩm thì nên có giá trị vĩnh tồn.

Hình ảnh bộ phim tài liệu Chiến tranh và Hòa bình trên website Mainichi

* Vậy nhà thiết kế sẽ sống ra sao với tốc độ làm việc như vậy và các công ty thiết kế làm sao chấp nhận điều này, thưa anh?

- Tôi luôn phân ra rạch ròi: tác phẩm và sản phẩm. Khi làm việc, tôi không nghĩ tới tác phẩm, mà chỉ nghĩ tới sản phẩm. Sản phẩm là cái đáp ứng nhu cầu thị trường, nhu cầu của khách hàng. Còn tác phẩm là cái của riêng tôi. Có vài giáo sư sau khi xem Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu có nói là phim rất hay nhưng đề nghị cắt đoạn quân Nhật tiến vào khi Phan Bội Châu sắp mất. Tôi quyết định giữ nguyên như vậy. Vì đó là tác phẩm của tôi, khi là tác phẩm, tôi lắng nghe bản thân mình nhiều hơn.

* Làm sao anh có thể phân định rạch ròi được như thế? Thực tế thì tôi biết anh cũng đã thành công trong việc thay đổi mẫu bao bì của bột ngọt Ajinomoto, tạo ấn tượng cho gian trưng bày của Toyota tại Vietnam Motor Show 2008.

- Hai năm trước tôi làm CEO cho một công ty Nhật, tất cả chỉ là công việc, tôi đã không dành nhiều thời gian cho gia đình, bỏ đi tình yêu của mình, đến nỗi đứa cháu ruột nhìn thấy tôi ngỡ là người lạ. Cuối cùng, công ty bán cho người khác…

Có một chữ tôi rút được ra trong cuộc sống, là chữ HÒA, có nghĩa là sự cân bằng. Hàng ngày tôi làm việc ở thành phố, nhưng cuối tuần tôi về Củ Chi. Ở đó, điện tôi dùng năng lượng mặt trời, ăn cá nuôi dưới ao, ăn gà nuôi trong vườn… Tôi đang tạo ra sự cân bằng trong con người và cuộc sống của mình. Trong công việc cũng vậy. Tôi quan sát và sống trong thiên nhiên để học hỏi. Thật ra bản thân thiên nhiên đã là sự cân bằng rồi, chỉ vì con người tham quá nên phá vỡ sự cân bằng ấy.

* Nước Nhật, nơi anh gắn bó tới độ từng cảm thấy mình như là người Nhật rồi, chính là một trong những nơi mất chữ HÒA như anh nói?

- Vâng, đó chính là một bi kịch Nhật Bản, hàng năm hơn 40.000 người tự sát. Nước Nhật dạy người ta chỉ biết làm việc. Phụ nữ không muốn kết hôn. Đàn ông chỉ lo công việc ít quan tâm đến vấn đề khác trong gia đình. Chính vì nhìn thấy sự mất cân bằng trong xã hội Nhật Bản nên tôi luôn nghĩ tới sự cân bằng.

* Đó cũng là lý do khiến anh quyết định quay về Việt Nam mặc dù đã có việc làm trong công ty Nhật?

- Một phần là như vậy. Phần nữa, tôi nghĩ nếu mình cứ làm việc trong công ty quảng cáo mãi, có thể suốt đời mình chỉ làm ra những sản phẩm. Nhật đã quá phát triển trong ngành này, mình sẽ phải làm theo chuẩn của họ. Về Việt Nam, tôi sẽ có cơ hội phát triển.

* Trở về, anh thấy ngành thiết kế ở Việt Nam có thay đổi gì so với năm 1999 khi anh đi du học?

- Năm 2009 tôi có cơ hội xem một show thời trang lớn của VN tổ chức, rất ngạc nhiên. Người Nhật tinh tế nhưng cứng nhắc. Show thời trang VN thì mang tính nghệ thuật, tính ngẫu hứng rất cao. Nhưng tiếc là sự thiếu đồng bộ ở một vài chi tiết, theo tôi vài chi tiết tuy nhỏ nhưng phá hỏng cấu trúc, dường như VN chúng ta ít quan tâm hơn vấn đề căn bản cốt lõi. Người VN chúng ta hay muốn làm nhanh, nhưng ít chú trọng nền móng. Ngành thiết kế VN cũng vậy, nhìn hình thức thì không thua kém nhiều so với quốc tế, nhưng cũng giống như ngôi nhà không móng, lâu lâu lại xê dịch, có bão tí là lung lay…

* Đó là lý do anh đang theo đuổi dự án của TP.HCM hướng tới việc thành lập hiệp hội thiết kế?

- Vâng. Chủ trương của TP.HCM xuất phát từ thực tế hàng VN muốn xuất ra nước ngoài phải cạnh tranh từ thiết kế. Thành phố nhìn thấy vai trò của công nghiệp sáng tạo lúc này là rất quan trọng. Bản thân các doanh nghiệp VN cũng thấy rõ đó là nhu cầu của chính doanh nghiệp và xã hội, tôi thấy cần thiết phải quan tâm và tạo liên kết tốt hơn. Trong dự án này sẽ có trường đào tạo về thiết kế, có liên kết giữa các nhà thiết kế với nhau và liên kết với các doanh nghiệp. Mong muốn là thế và tạm thời tôi được giao nhiệm vụ điều hành chính dự án này.

* Còn tác phẩm? 3 năm về Việt Nam anh đã, hoặc đang chuẩn bị cho tác phẩm nào chưa, ngoài 2 tác phẩm từ thời sinh viên?

- Từ khi về Việt Nam tôi không sờ tới cái máy chụp hình, trong khi hồi ở Nhật tôi có tới 12 cái. Tôi cũng không hiểu tại sao. Tác phẩm không thể tưởng tượng ra được, nó chờ một cái duyên. Có thể tôi cần thời gian hiểu thêm về chữ HÒA trong thiên nhiên ở đây.

P.T.T.T (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN