TTVH Online

Số phận “lênh đênh” của "Biển hát chiều nay"

10/08/2011 14:47 GMT+7

"... Tôi thấy con người Việt Nam cũng như biển vậy, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với sóng gió và cũng luôn sẵn sàng vượt lên những cơn sóng đó” - nhạc sĩ Hồng Đăng đã chia sẻ với TT&VH như vậy.

(TT&VH) - “Trải qua hơn nửa đời người với một cuộc đời cũng khá “lênh đênh” như biển, chất của biển lại càng thấm sâu vào người tôi. Và đặc biệt, tôi thấy con người Việt Nam cũng như biển vậy, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với sóng gió và cũng luôn sẵn sàng vượt lên những cơn sóng đó” - nhạc sĩ Hồng Đăng đã chia sẻ với TT&VH như vậy trong cuộc trò chuyện xung quanh những ca khúc về biển trong sự nghiệp sáng tác của ông.

“Ơi biển Việt Nam, ơi sông Việt Nam!

Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng

Vùi sâu dưới đáy những gì yêu thương

Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”

(Trích lời ca khúc Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng).

* Thưa nhạc sĩ, những ca khúc về biển của ông đã được ra đời như thế nào?

- Trong số hơn 1.000 ca khúc của mình, tôi chỉ viết khoảng 20 ca khúc về biển. Nhưng tôi đã viết các tác phẩm đó không chỉ xuất phát từ cảm hứng của một người nghệ sĩ, mà sâu thẳm trong tôi còn là một tình yêu dành cho biển. Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với biển. Đêm về, vẫn còn nằm nghe tiếng biển. Biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của tôi. Trải qua hơn nửa đời người với một cuộc đời cũng khá “lênh đênh” như biển, chất của biển lại càng thấm sâu vào người tôi. Và đặc biệt, tôi thấy con người Việt Nam cũng như biển vậy, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với sóng gió và cũng luôn sẵn sàng vượt lên những cơn sóng đó. Tôi đã viết những ca khúc về biển trong suy nghĩ và cảm nhận như vậy.

* Ông là một nhạc sĩ có duyên viết nhạc cho phim và được biết, những ca khúc về biển của ông cũng được sử dụng chủ yếu cho phim?

- Đó là những tác phẩm tôi viết theo đơn đặt hàng của một số đơn vị trong quân đội. Ví dụ như bài Có một vùng đảo xa được viết trong phim Tổ quốc trên vùng đảo nhỏ - Hãng phim Tài liệu Quân đội, bài Nỗi nhớ đêm đại dương trong phim Những hạt muối của biển, Biển và cô gái tôi chưa quen trong phim Những ngôi sao nhỏ.

Nhưng cũng có những ca khúc tôi viết riêng, không theo bộ phim nào nhưng vẫn được đưa vào làm nhạc phim như bài Biển hát chiều nay.

Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Khi còn là học sinh kháng chiến ở liên khu IV (1950), ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay như Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ... Ông hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sáng tác, giảng dạy, viết sách, làm báo. Ông nguyên là Phó tổng thư kí Hội nhạc sĩ Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội điện ảnh Việt Nam, Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ...

* Còn những tác phẩm nào về biển mà ông chưa công bố?

- Tôi còn một số ca khúc viết về biển có thể kể đến như Ngoài khơi biển có gì đấy?, Biển nắng, Dư âm của sóng, Đêm đại dương, Đảo xa.

* Ông ưng ý với ca sĩ nào thể hiện tác phẩm về biển nhất?

- Mỗi ca sĩ là một chất giọng khác nhau. Và họ thể hiện các tác phẩm của tôi với những ấn tượng riêng, màu sắc riêng. Nó cũng giống như cha mẹ sinh con vậy, con trai hay con gái thì đều là con nên tôi thương yêu chúng như nhau.

* Ông đánh giá thế nào về thành công của ca khúc Biển hát chiều nay và những ca khúc về biển của mình?

- Mỗi “đứa con tinh thần” của tôi đều có một số phận khác nhau và sự thành công của mỗi tác phẩm tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có những ca khúc viết ra lập tức trở nên “hot” ngay nhưng cũng có những ca khúc cần có sự trải nghiệm của thời gian. Như ca khúc Biển hát chiều nay tôi viết từ những năm 1979- 1980 nhưng phải đến những năm 1990 nó mới bắt đầu ghi dấu trong lòng khán giả. Có thể nói, đây là một trong những ca khúc thành công nhất với đề tài biển của tôi bởi nó đã được hát qua rất nhiều thế hệ ca sĩ như Tuyết Thanh, Cẩm Vân, Ngọc Bích, Lê Dung... và được khán giản đón nhận cho đến thời điểm này. Bên cạnh đó, có những tác phẩm mình viết rất tâm đắc nhưng cơ hội đến với khán giả lại không nhiều hoặc không đúng thời điểm. Ví dụ như những ca khúc tôi viết theo đơn đặt hàng của Hãng phim Quân đội, có thể đó cũng là những ca khúc hay nhưng lại không có điều kiện được biết đến rộng rãi, nhận được nhiều sự đánh giá của khán giả. Nhưng dù sao, thành công lớn nhất của một nghệ sĩ sáng tác vẫn sẽ là đứa con tinh thần của họ luôn sống trong lòng khán giả. Đặc biệt, những ca khúc ấy không chỉ được hát lên trong hòa bình hay trong những lúc có biến động. Những ca khúc ấy có thể được hát lên bất kì lúc nào khi người ta nghĩ về biển, nghĩ về những mảnh đất tươi đẹp của tổ quốc Việt Nam hay đơn giản, người ta muốn hát để thể hiện tình cảm dành cho quê hương.

* Với những thành công đã đạt được trong một số tác phẩm về biển, ông sẽ tiếp tục đề tài này trong các sáng tác sau này của mình chứ?

- Không. Tôi sẽ không nói trước điều này. Và tôi thấy việc thông báo các kế hoạch của mình khi chưa có sản phẩm thực sự ở một số nghệ sĩ hiện nay là không nên. Để ra đời một tác phẩm cần cả một ê-kíp, từ người sáng tác, đến ca sĩ, thu âm rồi còn qua nhiều công đoạn khác nữa mới đến được với công chúng. Trong cả một quá trình đó, không phải khâu nào cũng diễn ra suôn sẻ. Có những dự án thực hiện được nhưng có những dự án phải dừng lại hoặc bỏ dở giữa chừng. Vì vậy, sẽ không hay khi tuyên bố rồi không biết kết quả sẽ thế nào.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện!

Đón đọc bài 3: Nhạc sĩ Hồ Bắc - 40 năm sau Bến cảng quê hương tôi

Ngọc Minh (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN