TTVH Online

Tuổi thơ, những hoài niệm đẹp và buồn

08/08/2011 14:31 GMT+7

TT&VH trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) về tập thơ "Chu du cùng Ông nội" của nhà thơ Vi Thùy Linh.

(TT&VH) - LTS: Chu du cùng Ông nội là tập thơ thiếu nhi của nhà thơ Vi Thùy Linh vừa được NXB Kim Đồng ấn hành. Đồng cảm với thơ Vi Thuỳ Linh từ khi tập thơ ở dạng bản thảo, nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) đã viết bài về tác phẩm này. Không ngờ, đây có lẽ là bài viết cuối cùng của ông về văn học thiếu nhi. TT&VH trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

1. Đã lâu lắm tôi mới lại được sống những phút bình yên giống như khoảnh khắc êm đềm của thời thơ ấu. Ấy là khi tôi phiêu du cùng bản thảo tập thơ thiếu nhi của Vi Thùy Linh - Chu du cùng Ông nội, thơ viết lúc đầu đời cầm bút và thơ viết cho con tương lai, cho các em bé khi tác giả trưởng thành. “Ta cưỡi giấc mơ/Con ngựa ô bờm dài/Lao qua đồng cỏ/Cỏ nằm đếm vó/Ngửa mặt... thinh không...” để đến với tuổi thơ của cô. Khi tròn 16 tuổi, Vi Thùy Linh có mấy bài thơ thật trong sáng, mơ mộng.

Trong phút chốc, tôi như được hóa thân trở lại thành con trẻ, chân trần chạy trong đồng cỏ dưới mưa: “Em ngắt vài cọng gió/Thả lên dấu thời gian/Vừng ơi!- Em niệm chú/Ước mơ về xênh xang/Cơn mưa chiều gõ móng/Rong ruổi về bên trời/Lơ thơ một vạt nắng/Đang dùng dằng... vỡ đôi.../... Em về bên hoa cỏ/Bông cúc xanh ngậm lời/Chim chóc cất tiếng cười/Hoàng hôn ơi, tím thế!” (Giao cảm)....

Cố nhà văn Trần Hoài Dương. Ảnh: THN

Cứ ngỡ tôi sẽ còn được chứng kiến thêm nhiều điều kỳ diệu trong tuổi thơ cô bé. Cứ ngỡ những mơ mộng bình yên ấy sẽ tiếp tục kéo dài thêm, cô bé sẽ vô tư suốt thời trẻ dại. Nhưng không phải. Những khoảnh khắc hồn nhiên, vô tư thật ngắn ngủi. Ngay ở tuổi trăng tròn 16 ấy, suy nghĩ của cô bé bắt đầu nhuốm vẻ phiền muộn: “Một mình em với khoảnh khắc nguyên trinh/Ngấn ngấn nắng phai màu/Nghe tim chiều thắc thỏm/Nhịp buồn mang mang.../Gió gió ngả vào xa vắng/Mùa Thu đi bạc tóc trời... (Giao mùa).

Có cảm giác thế hệ của Vi Thùy Linh có tuổi thơ ngắn, và tuổi thơ cũng rất sớm trở thành hoài niệm, đem lại nguồn an ủi, không phải cho những người già nua mà là cho những người còn trẻ. Chỉ một, hai năm sau khi vừa rời xa tuổi thơ, không biết cuộc đời xô đẩy thế nào đến nỗi cô bé phải thốt lên: “Con/Vì sao lạc giữa trời/Lớn lên và sáng bằng nước mắt/Bầu trời không ngừng bão tố/Sấm, sét, chớp rạch đầy cánh sao mảnh dẻ của con/Con cố vươn cánh sáng.../Con muốn mình lớn thật nhanh, đối mặt cuộc đời...” (Những đối lập).

Và không ngờ ở tuổi 18, Vi Thùy Linh đã có một cách nhìn thật già dặn: “Bất cứ lúc nào, trên sân khấu cuộc đời/ Tôi vẫn là diễn viên tồi/ Bởi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác!” (Tôi). Vi Thùy Linh trưởng thành sớm. Từ nỗi buồn riêng, dần dà, cô mở lòng mình, cảm thông với mọi người, cùng buồn với mọi nỗi buồn người, mà viết được những câu thơ có tính khái quát: “Hỡi những dòng sông!? Tại sao nước mặn chiếm ba phần tư Trái đất?/Tại sao con người ít cười hơn khóc?” (Những đối lập).

2. Có một chùm thơ đặc biệt của Vi Thùy Linh, viết bằng một tư duy mới mẻ và một ngôn ngữ thơ hiện đại, khác lạ so với dòng thơ viết cho thiếu nhi khá quê mùa, cũ kỹ thường thấy. Đó là 8 bài thơ cô làm tặng cho những đứa con tương lai chưa ra đời của mình. Chưa lập gia đình, mà niềm khao khát làm mẹ đã vô cùng cháy bỏng trong cô từ khi 20 tuổi:

“Con ơi... Con ơi!/Không biết bao lần, mẹ đặt tay lên bụng, gọi con/Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ/Mẹ muốn có thật nhiều mặt trời.../Con ơi! Con ơi!/Con đang bay ở đâu? Con đang bay ở đâu!? Hãy theo tình yêu của Cha đậu vào lòng Mẹ” (Những mặt trời đang phôi thai).

Qua các bài thơ rất tha thiết viết cho con, Vi Thùy Linh bộc bạch tất cả tấm lòng yêu thương, hy vọng vào thế giới trẻ thơ kỳ diệu:

“Mùi da thịt bụ sữa của con khiến bốn bề bỗng nhiên ngây thơ ngào ngạt/ Biển rộng ra, núi rừng xanh nguyên sinh, da trời liền lại/ Hoa muôn loài ùa về...” (Đồng tử).

Bìa sách Chu du cùng Ông nội

Chu du cùng Ông nội, minh họa Nguyễn Thị Hiền, biên tập Trần Tuyết Minh vừa phát hành, khổ 18,5 x 20,5 cm, giá 22.000 đồng. Sách bán tại hiệu sách NXB Kim Đồng 55 Quang Trung, Công ty in Thu Hà 20 Lê Thánh Tông, Hà Nội, với chữ ký tác giả.

Hết lòng yêu thương con, khao khát hy vọng về con thực chất là yêu thương, khao khát, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại, một hiện tại đang mai một dần Lòng tốt, cái Đẹp, cái Thiện. Vi Thùy Linh muốn dựa vào con để được “Xoa dịu đớn đau/Vỗ về thiếu thốn/Xua tan tủi sầu” (Giáng sinh con), “Qua bao nổi nênh/Mẹ càng hiểu, con rất cần cho mẹ” (Những mặt trời đang phôi thai).

Vi Thùy Linh càng da diết yêu những đứa con tương lai bao nhiêu, càng mơ ước hy vọng về sự thánh thiện của thế giới trẻ thơ bao nhiêu, ta càng nhận ra sự cô đơn hiện tại của cô bấy nhiêu. Kỷ niệm đẹp về tuổi thơ của Linh trôi qua rất nhanh. Mới vừa rời xa tuổi thơ chưa bao lâu, cuộc sống khắc nghiệt đã làm cô quá mệt mỏi, nhớ về tuổi thơ với biết bao tiếc nuối, hình dung ký ức kéo dài kiếm nguồn an ủi. Phải chăng đó cũng là biểu hiện tâm thức cô đơn bơ vơ không chỉ của Linh, mà còn là của một thế hệ lớp trẻ trong cuộc sống hiện đại?

Thơ Vi Thùy Linh nói rất nhiều đến nỗi tiếc nuối tuổi thơ. 27 tuổi Linh trở lại Paris, đi thăm Disney Land. Bao nhiêu điều kỳ lạ không hấp dẫn nổi cô, duy nhất chỉ chiếc cầu trượt xi măng gợi cho cô nhớ về tuổi nhỏ và cô đã ngồi lên đó: “Chờ con nhé, con sẽ trượt về tuổi thơ!” (Cầu trượt).

Hay những hồi ức về tuổi thơ luôn ám ảnh: “Con chỉ muốn chạy về tuổi nhỏ!Bố bảo không thể ư, như bố đã không thể kiệu con lên vai xem pháo hoa, cho con ngồi chân “cần cẩu, máy bay”, trèo lưng cưỡi ngựa”/Chiếc “Phượng hoàng” cũ bán rồi/Con sẽ mua xe đạp mới, háo hức bám lưng, Bố đèo con nhé!/Chầm chậm đạp về ngày xưa/Cầu cho xe tuột xích, hỏng không sửa được/Cùng bố đập hạt bàng, lấy nhân ngọt bùi. Trốn tìm thời gian.../Bố con mình ở lại ngày thơ bé” (Đi đến ngày xưa).

3. Vi Thùy Linh có nhiều kỷ niệm rất đằm thắm, cảm động về người cha, về ông bà nội. Tôi hơi ngạc nhiên, không ngờ một cô gái trẻ tư duy hiện đại, mạnh mẽ, tưởng như hoàn toàn thuộc về thời đại mới, lại nặng lòng kỷ niệm quá khứ đến thế. Tôi biết nhiều cô cậu thuộc lứa tuổi của Vi Thùy Linh hầu như không còn nhớ gì, nghĩ gì về bần hàn, nhọc nhằn, mất mát của lớp cha ông.

Riêng Vi Thùy Linh thì rất nhớ, nhớ từng chi tiết đến xót lòng. Tôi bỗng nhận ra một Vi Thùy Linh, vẻ ngoài cứng rắn, mạnh mẽ, tình cảm lúc nào cũng như ngùn ngụt tuôn trào; còn ẩn sâu bên trong là một tấm lòng đôn hậu, đằm sâu, rất giàu tình cảm. Cô dành những bài thơ cảm động nhất cho người ruột thịt của mình. Hình ảnh người cha suốt đời hi sinh, lo lắng cho con; ông nội mất sớm, bà nội gắn bó không chỉ đem đến cho cô lòng yêu thương ruột thịt, mà còn nuôi dưỡng trong cô lòng yêu quê hương đất nước qua triền hồi ức về con đường làng lát đá xanh từ bao đời, dịp hội làng quê vùng Kinh Bắc, những cảnh sắc thiên nhiên miền núi hùng vĩ của núi Hoa Phia Biooc, của Cao Bằng gạo trắng nước trong. Hiếm ai mất ông nội từ rất nhỏ, lại yêu thương ông sâu sắc thế, lại ước chu du cùng ông như một khắc khoải.

Cầu chúc cho Vi Thùy Linh tiếp tục phát triển tài năng thơ thiên phú của mình, tiếp tục sống mạnh mẽ, đầy cá tính như vốn thế, tiếp tục có những sáng tác mang tính cách tân táo bạo như đã từng. Đồng thời, tôi luôn mong mỏi cô có thêm nhiều những tác phẩm trong ngần, giản dị như khúc đồng dao mà cô may mắn được Trời cho trong giây phút xuất thần:

“... Đụn rơm chất ngất/Dập dềnh gái trai/Gà con theo mẹ/Thập thò luống khoai/Lũ sáo láu táu/Đua nhau học bài/Lẳng lơ giàn mướp/Đợi nấu cua đồng/Một bầy thiếu nữ/Chờ chiều tắm sông...” (Như là đồng dao).

Sài Gòn, 19.3.2011

(*): Nhà văn Trần Hoài Dương qua đời ngày 6/5/2011 trong cô độc.

“Đọc nhà văn Trần Hoài Dương từ thơ ấu, với những truyện ngắn, truyện dài trong trẻo, mơ mộng, giàu nhân hậu với phong cách tinh tế, thế giới quan sinh động, tôi đã dành sự trân trọng lớn với ông từ khi chưa hề gặp. Bởi Bé Rơm, Tiếng mùa Xuân, Những trái bưởi mùa Thu, Cuộc phiêu lưu của những con chữ, Giấc mơ tuổi thần tiên, Miền xanh thẳm... đã góp phần làm bồi đắp tâm hồn tôi. Tại Đại hội Hội Nhà văn VN tháng 8/2010, tôi được gặp chú Trần Hoài Dương lần đầu, không ngờ đó là lần cuối cùng và duy nhất.

Sau lần ấy, hai chú cháu thỉnh thoảng lại gọi điện nhắn tin và e-mail cho nhau. Lúc tôi chuẩn bị bản thảo để nộp NXB Kim Đồng, muốn có kỷ niệm giữa hai chú cháu trong cuốn sách thiếu nhi đầu đời, tôi mời chú Dương viết lời tựa, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết lời bạt. Họ đều là những tác giả được nhiều thế hệ yêu mến.

Chú thường viết e-mail không dấu, còn bản thảo thì viết tay. Sau khi viết cho tôi bản thảo, chú phải tới cửa hàng nhờ họ scan rồi gửi file giúp. Đó là ngày 19/3/2011. Chính vì sự “rời xa công nghệ” này của chú, tôi có được 5 trang bút tích bài viết của Trần Hoài Dương, mà giờ đây nó đã là kỷ vật của một người thiên cổ. NXB yêu cầu nộp toàn bộ bản thảo và các bài viết vào 15/3, trong khi đến giờ chú Trần Đăng Khoa vẫn... chưa viết dòng nào vì bận. Bài của chú Trần Hoài Dương, tôi quyết định để dành khi sách ra sẽ gửi đăng trên báo TT&VH. Điều ấy giờ đây được thực hiện, nhưng mãi mãi tôi không còn được gặp chú Trần Hoài Dương - người trong sáng và tử tế hiếm có trong đời”

(Nhà thơ Vi Thùy Linh)

T.H.D

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN