TTVH Online

Học lại “một bài học”

27/06/2011 09:05 GMT+7

Trong một bài báo trong chuyên mục “Góc nghĩ” trên TT&VH cách đây ít lâu, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã diễn xuôi lại bài thơ ngụ ngôn “Sói và cừu” của La Fontaine.

(TT&VH) - Trong một bài báo trong chuyên mục “Góc nghĩ” trên TT&VH cách đây ít lâu, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã diễn xuôi lại bài thơ ngụ ngôn “Sói và cừu” của La Fontaine.

Ông đã viết: “Đây là một truyện ngụ ngôn được La Fontaine viết vào cuối thế kỷ 17, tôi xin chép lại theo trí nhớ, có thể thừa thiếu vài chỗ: “Một hôm có chú cừu tìm đến con suối trong rừng uống nước. Lập tức, một con sói đói xuất hiện. Nó quát chú cừu: “Tao đã cấm không cho ai uống nước suối này mấy tháng. Sao mày lại dám làm đục nước suối của tao?...” . Cừu vội đáp: “Dạ thưa ông, xin ông bớt giận nhìn cho kỹ. Đây là con suối mấy đời nhà cừu tôi vẫn ra uống nước. Lũ cá chỗ suối này vốn là chỗ quen biết và có thể làm chứng cho tôi. Vả lại, tôi đang uống nước phía dưới ông mấy chục bước, sao lại có thể làm đục nước chỗ ông được ạ?”.

Sói đang đói cồn cào, nhìn cừu nhỏ dãi, hét to: “Nếu hôm nay mày không làm đục nước suối thì năm ngoái mày có tội nói xấu tao!”. Cừu nói: “Thưa ông, năm ngoái mẹ tôi còn chưa sinh tôi ra, sao tôi lại có thể nói xấu ông được?”. Sói: “Vậy à? Nếu không là mày thì chính anh trai mày năm ngoái đã nói xấu tao!”. Cừu: “Dạ thưa, ông lại nhầm rồi! Tôi là con một, đâu có anh em!”. Sói tiếp: “Vậy thì một trong mấy đứa họ hàng bè lũ nhà mày nói xấu tao năm ngoái! Bọn các ngươi một lũ, nào thằng chăn cừu rồi lại mấy con chó nữa cùng hùa vào nói xấu tao, còn xua đuổi tao mười mấy bận! Tao phải báo thù này mới được!”. Nói chưa dứt câu, sói bổ nhào lên chú cừu, tha vào rừng”. Sau đó chuyện gì xảy ra trong rừng thì ta đã thừa biết”.

Ỷ mạnh, hiếp yếu, lấy thịt đè người vốn là câu chuyện không lạ. Con sói độc đuối lý, nhưng nó biết rằng nó có nanh vuốt nên đủ sức làm hại chú cừu kia. Nhưng hãy nhớ, đó là “xã hội” của loài vật, của những loài ăn thịt tham lam, vốn chỉ quen với luật rừng.

Xã hội loài người văn minh, với sự phát triển bậc cao của những ý thức hệ không bao giờ cho phép tồn tại thứ “luật rừng” giữa người với người, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, và cao hơn là giữa quốc gia này với quốc gia khác. Chính câu chuyện của La Fontaine đã cảnh báo loài người “một bài học” về lý lẽ của kẻ mạnh và tham. Và khắp thế giới này, loài người luôn ý thức được về điều đó. Sự khác biệt của xã hội loài người với loài vật chính là ở chỗ kẻ mạnh về “nanh vuốt”, vũ khí không phải là kẻ được toại nguyện với dã tâm. Mà ngược lại, những người có chính nghĩa, có lẽ phải mới có sức mạnh thời đại vô địch để đi đến cùng chiến thắng.

Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn chứng minh điều đó, những Bạch Đằng, Chi Lăng, Hàm Tử, Xương Giang... là những mốc son minh tỏ cho chân lý ấy.

Chỉ nhắc lại một ví dụ, Nguyễn Trãi khi viết Đại cáo Bình Ngô về chiến thắng mùa Thu năm Đinh Mùi 1427: “Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội/Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng/Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước...”.

Nhưng với người chính nghĩa luôn đem lòng hòa hiếu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Đó cũng là lời răn đe kẻ tham bạo nên từ bỏ dã tâm.

Nguyễn Gia

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN