TTVH Online

Cựu trọng tài Dương Văn Hiền: Cuộc đời sau những tiếng còi

04/05/2011 14:39 GMT+7

Người ta thường nói: “Sau lưng một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ”. Nhưng với cựu trọng tài Dương Văn Hiền, điều ấy dường như là chưa đủ để nói hết ý nghĩa của “sức mạnh hậu phương” đối với ông.

(TT&VH) - Người ta thường nói: “Sau lưng một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ”. Nhưng với cựu trọng tài Dương Văn Hiền, điều ấy dường như là chưa đủ để nói hết ý nghĩa của “sức mạnh hậu phương” đối với ông.

Chữ “duyên”, chữ “nợ”

Có một thời người ta chỉ biết đến ông Dương Văn Hiền với tư cách là giảng viên bộ môn GDTC của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Đấy là thời của một ông Hiền an nhàn và yên lành với chức danh người thầy, điềm đạm và đúng mực. Mỗi tuần ba bốn buổi từ Củ Chi xuống tận Thủ Đức để dạy phần lớn những lớp học trò có khi chẳng biết gì về bóng đá, nhưng thầy Hiền luôn được sinh viên yêu mến và kính trọng.

Rồi thầy Hiền đến với “nghiệp” trọng tài. Đó không phải là một sự tình cờ. Mà đã gọi là “nghiệp” thì đều mang ít nhiều duyên nợ. Vị cựu trọng tài FIFA với hat-trick Còi vàng (2007, 2008, 2009) đã từng tâm sự rất chân thành: “Tôi đến với nghề trọng tài đơn giản bởi yêu thích bóng đá. Nếu không mê bóng đá, tôi có thể nhàn hạ với nghề giáo của mình. Tôi nghĩ để "gắn" với bóng đã chỉ có 3 cách là trở thành cầu thủ, làm HLV hoặc trọng tài. Chơi bóng không xuất sắc nên không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, làm HLV lại càng không vì chẳng có kinh nghiệm, nên tôi quyết định chọn nghề làm trọng tài”.

Khi chọn cuộc đời theo những tiếng còi, ông Hiền không nỗ lực để giành lấy giải này giải nọ

Thế nhưng, trọng tài vốn là cái nghề bạc bẽo. Ở Việt Nam thì khỏi nói. Cứ một vài vòng đấu, cả V-League lại thấp thỏm lo sợ bạo loạn, sợ vỡ trận. Trong đó, nỗi “sợ” của trọng tài bị bao vây tứ bề: “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, rồi thì HLV chửi, cầu thủ chửi, CĐV chửi, mạnh ai nấy réo tên. Cái thời của một “thầy Hiền” yên lành không còn, tuy ‘thầy” vẫn luôn được sinh viên quý mến và tự hào được là học trò của một “kỷ lục gia” Còi vàng.

Tề gia trị quốc

Khổng Tử nói: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Theo cách nghĩ của người xưa thì đó gần như là nhiệm vụ bắt buộc của người quân tử trong cõi trời đất. Với cựu trọng tài Dương Văn Hiền, điều ấy không hoàn toàn đúng. Bởi trong lúc ông Hiền lo “trị quốc”, “bình thiên hạ” với chiếc còi của mình thì vợ ông, bà Liêu Thị Loan, mới là người làm trọn cái nghĩa vụ “tề gia” ấy thay ông.

Ở với nhau hai mươi mấy năm trời với cái cảnh nghề trọng tài nay đây mai đó của ông Hiền, bà Loan đã quá hiểu chồng. “Lúc trước đi dạy, ổng còn “sớm đi tối về”, chứ từ khi làm trọng tài rồi là đi suốt à, ít nhất cũng 5 ngày, xa hơn thì 10 ngày hay nửa tháng”.

Thường xuyên vắng nhà dài ngày, vị cựu trọng tài đành phải phó thác hết mọi chuyện “trong nhà ngoài ngõ” cho vợ. Do ở ngoại thành, cơ ngơi của ông Hiền tương đối rộng rãi. Ai đến nhà “thầy Hiền” đều có chút ngỡ ngàng bởi cái không gian của hệ thống karaoke mười mấy phòng bao quanh trước và sau nhà ở, cùng với một khoảng rộng được xây dựng thành sân bóng đá mini và đặt những bàn billard. Anh em trọng tài thường hay chọc ông Hiền làm kinh doanh cỡ đó thì tiền đâu cho hết, sao phải đi làm trọng tài làm gì để suốt ngày người ta réo tên.

Ông Hiền cười: “Nói thật chứ toàn bộ mấy cái hệ thống nghe có vẻ to tát kia là do bà vợ mình quản lý cả đấy. Mình thì chả biết gì cả đâu. Mình mê tiếng còi mà theo cái nghề này, bao nhiêu lương đều đổ vào để trang trải mấy chuyến đi. Có khi thiếu còn về “tạm ứng” vợ ấy chứ”.

Tất bật với chuyện kinh doanh của gia đình là vậy, một tay bà Loan lại bận bịu với 2 cậu quý tử. Tất nhiên, dù có đảm đang đến mấy thì cũng có lúc “một nửa yêu thương” của ông Hiền cảm thấy mệt mỏi. “Tính ông Hiền nóng lắm, có kinh doanh cũng không được. Đến thằng Nhân, thằng Tài (2 con trai của ông-PV) cũng giống tính ấy nốt, nên tôi có dám cho ra buôn bán gì đâu. Chỉ khi nào không đủ người mới cho 2 đứa ra coi sân bóng mà cũng không yên trong dạ nữa là”, bà Loan tâm sự.

Tuy chuyện nhà một mình bà quản lý, con cái đi học xưa nay cũng một tay bà chở đi đón về, nhưng ở người phụ nữ đon đả mà nhân hậu ấy, không một chút trách móc nào hiện lên trong đáy mắt. Là phụ nữ, chồng xa nhà liên tục như thế, ai mà không khỏi cảm thấy cô đơn. “Biết là buồn, nhưng cũng chịu thôi. Vì cái nghề của ổng nó thế, ổng đam mê quá mà. Được cái đi giải nào, dù xa dù gần cũng gọi về nhà suốt”.

Tổ ấm của cựu kỷ lục gia Còi vàng Dương Văn Hiền (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hỏi bà Loan rằng có khi nào bà ngăn cản chồng làm trọng tài chưa, bà thú thật: “Có chứ. Cái nghề này bạc bẽo lắm. Tôi còn nhớ như in cái vụ bạo động ở sân Thanh Hóa, nhìn thấy chồng đứng dưới sân với bao nhiêu vòng vây, rồi người ta lao vào ổng. Khi ổng toàn vẹn về đến nhà, tôi đã kêu ổng bỏ cái còi đi. Đợt ấy thật khổ sở. Đi ra đường thôi là đã có người xầm xì to nhỏ chuyện ổng thổi còi. Cả nhà không trách gì cả, chỉ thấy thương ổng thôi. Nhưng rồi đâu lại vào đấy”.

Với bà Loan, cái nghề của chồng như một thứ “duyên nợ” khó dứt. Bà tôn trọng nghề nghiệp của chồng, cũng như tôn trọng chính ông và yêu quý gia đình nhỏ của mình. Song cả 2 vợ chồng đều không muốn cho con cái đi theo nghề của cha. “2 đứa nhỏ mà rớ vô bóng banh là ông ấy cấm ngay. Ổng thường nói với tụi nó, làm nghề gì cũng được chứ đừng làm trọng tài”, bà Loan bộc bạch.

Có lẽ vì thế mà trong suốt khoảng thời gian mười mấy năm cầm còi, vinh quang cay đắng đều đã nếm đủ, song gia đình vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho cựu trọng tài Dương Văn Hiền. Gia đình đã rèn cho ông cái bản lĩnh cứng rắn của một người “cầm trịch” trên sân cỏ và một người đàn ông vững chãi trong cuộc sống.

Chút ngậm ngùi…

Đợt lễ 30/4 vừa rồi, khi bao nhiêu người đang nô nức chuẩn bị cho những chuyến đi chơi, đi thăm thú xa gần, thì ông Hiền lại phải khăn gói ra Hà Nội từ 21h ngày 28/4 để làm công tác giám sát giải hạng Nhất QG diễn ra trong dịp lễ. Thành ra, việc đi chơi cả nhà với gia đình ông Hiền dường như là một điều gì đó rất xa xỉ, dẫu cho ông Hiền cũng chẳng có gì phải “lăn tăn” về vấn đề kinh tế. Nhưng phu nhân ông Hiền cũng chẳng “có hơi” đâu mà buồn nữa, vì “riết nó quen mất rồi”. “Thầy Hiền” vừa về từ chiều hôm trước thì sáng hôm sau đã ngồi cà phê với mấy người bạn. “Ông ấy đi quen chân rồi, nên có ở nhà cũng chẳng mấy khi thấy mặt. Thằng Nhân học ở FPT, cũng quen cái nhịp sáng đi tối về. Tôi thì tranh thủ mấy ngày lễ, người ta hát hò nhiều, để kiếm thêm thu nhập.Thành ra ai hỏi mình không đi đâu à, mình cũng cười trừ. Mà thật ra mình đi nhiều nữa ấy chứ. Đi lên đi xuống, đôi khi chạy mệt bở hơi tai vì khách gọi”, bà đon đả chuyện trò. Trong tiếng cười vô tư của người phụ nữ đã vào độ tuổi ngoại tứ tuần ấy, vẫn nghe những ngậm ngùi khó tả.

Sau những tiếng còi

Một đôi lần trong năm, ông Hiền có dẫn bạn bè, anh em đồng nghiệp về chơi nhà. Ai nấy trầm trồ khen cái cơ ngơi khang trang của vợ chồng vị cựu trọng tài. Bà Loan lấy đó làm những niềm vui nho nhỏ cho mình. Ngày trọng tài Dương Văn Hiền còn quần đùi áo cộc ra sân cho đến khi ông thôi thổi còi, trịnh trọng như một quan chức trong vai trò giám sát trận đấu, nỗi lo lắng của bà Loan vẫn cứ canh cánh bên lòng. Với người phụ nữ của đất thép Củ Chi ấy, đó là một đức tính đáng khâm phục. Chu toàn mọi việc “trong nhà ngoài ngõ”, nhưng bà vẫn không quên “ngóng” xem ai đang khen chê, “mổ xẻ” chồng mình, dù nghe cũng chỉ để biết mà thôi, “để ông ấy biết gia đình luôn bên cạnh và ủng hộ ông ấy, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa”. 

Sau khi chia tay nghiệp cầm còi, ông Hiền lại chuyển sang làm giám sát nên cũng bận rộn chẳng kém khi còn cầm còi

Có lẽ chính vì thế, mà năm 2007, sau vụ bạo động kinh hoàng ở sân Thanh Hóa (và còn vô số những lần “lăn tăn” sau đó), ông Hiền vẫn về đầu trong cuộc đua giành Còi vàng. Liên tiếp 2 năm sau đó, ông lại “ẵm” giải. Người ta ca ngợi ông, nhìn ông với con mắt thán phục. Nhưng chỉ có ông và vợ con ông mới hiểu những tháng ngày gian khổ để có được cái danh hiệu ấy. Chọn cuộc đời theo những tiếng còi, ông Hiền không nỗ lực để giành lấy giải này giải nọ. Cái ông tự hào là mình đã cố gắng để không có điều gì trong nghề khiến ông phải cắn rứt, cũng như không có điều gì khiến ông phải hổ thẹn khi đứng trước mặt vợ con. Với một trọng tài, một giám sát trọng tài trong thời buổi tiêu cực bóng đá diễn ra như cơm bữa hiện nay, điều đó dường như đã là quá đủ cho một hạnh phúc.

Nguyễn Vân

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN