TTVH Online

Thờ Quốc tổ - tín ngưỡng độc đáo trên thế giới

02/04/2011 17:48 GMT+7

Theo thông tin từ Bộ VH,TT&DL, vào những ngày cuối tháng 3/2011 vừa qua, hồ sơ đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được đệ trình lên UNESCO để đề nghị công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

(TT&VH) - Theo thông tin từ Bộ VH,TT&DL, vào những ngày cuối tháng 3/2011 vừa qua, hồ sơ đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được đệ trình lên UNESCO để đề nghị công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Kết quả của đợt xét duyệt này sẽ được UNESCO công bố vào năm 2012.

Bộ hồ sơ trên đã được Bộ VH,TT&DL giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và tỉnh Phú Thọ phối hợp xây dựng từ đầu năm 2010. Các nhà nghiên cứu đã có 2 đợt tổng kiểm kê tư liệu tại hơn 200 di tích quanh khu vực đền Hùng, cùng nhiều đợt điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng độc đáo này.

Là ủy viên của Hội đồng Di sản Quốc gia, đồng thời cũng là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng dân gian, GS Ngô Đức Thịnh cho biết:

- Đừng nhầm lẫn bó hẹp cách nghĩ rằng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chỉ gắn với khu di tích đền Hùng (Phú Thọ). Nói nôm na, có thể tạm cắt nghĩa: tín ngưỡng Hùng Vương là phong tục thờ các vua Hùng như Quốc tổ của dân tộc Việt Nam. Cội rễ của tín ngưỡng này là tục thờ cúng tổ tiên, vì người Việt coi dân tộc mình như một gia đình lớn, có cha mẹ (tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ), có ông tổ là các vua Hùng. Và vua Hùng - biểu tượng Quốc tổ - chính là sự chắt lọc, kết tinh và thăng hoa theo thời gian của tâm thức về nguồn cội, tâm thức gắn kết cộng đồng mà dân tộc ta luôn mang theo.

Nhìn chung, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trường hợp rất độc đáo trong văn hóa thế giới. Bất cứ quốc gia nào cũng đặt ra yêu cầu quy tụ, kết nối cộng đồng công dân của mình như một điều kiện sống còn để tồn tại. Việt Nam trong suốt lịch sử phát triển của mình đã lấy hình tượng Quốc tổ Hùng Vương làm “hạt nhân” trung tâm vừa để tạo sự gắn kết, vừa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian để làm chỗ dựa tâm linh cho cộng đồng. Đó là điều gần như chưa xuất hiện ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương là nghi thức điển hình cho tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng

* Ông dùng từ “gần như”- nghĩa là cá biệt, cũng có những quốc gia đặt hình thức thờ “Quốc tổ” như vua Hùng của VN?

- Theo như tôi biết, ngoài Việt Nam và Hàn Quốc, chưa có quốc gia nào có hình thức thờ Quốc tổ như trường hợp của tín ngưỡng Hùng Vương. Gần gũi nhất, Trung Quốc có Khổng giáo thờ Khổng Tử nhưng không coi Khổng Tử là Quốc tổ. Hoặc, họ cũng thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) nhưng về bản chất thì phong tục này tương tự với tục thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) của Việt Nam.

Ngay Hàn Quốc, họ thờ tổ nhưng không phát triển mạnh như chúng ta. Nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy hầu hết các địa phương trên cả nước đều lập đền thờ vua Hùng theo cách mà dân gian gọi là “thờ vọng”. Nếu so sánh về các dòng tín ngưỡng dân gian, thì tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) phát triển tới vùng Đông Nam Bộ nhưng không “bén rễ” được vào khu vực An Giang, Kiên Giang đổ xuống. Trong khi đó, có thể thống kê hàng trăm nơi thờ các đời vua Hùng cùng vợ con, tướng lĩnh của vua tại TP.HCM, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Tiền Giang, Nha Trang. Đơn cử, đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Biên Hòa ra đời tuy muộn nhưng sớm trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của khu vực Tam Hiệp, Bình Đa, Tân Mai. Ở Đồng Nai, còn có đền thờ Hùng Vương ở Tân Phú, Long Khánh. Tôi cũng được nghe kể rằng nhiều kiều bào sống tại nước ngoài khi có dịp về Việt Nam thăm đất tổ cũng trân trọng “thỉnh” chân hương từ đền Hùng rồi mang sang đó thờ để có cảm giác gắn bó với cội nguồn.

Hôm qua (1/4), từ HN, 18 chiếc trống đồng của các nghệ nhân Thanh Hóa được rước từ Hà Nội đến Đền Hùng - Phú Thọ. Đây là kết quả của dự án Trống đồng - Âm vang đất Tổ

* Cá nhân ông nghĩ sao về triển vọng Tín ngưỡng thờ vua Hùng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

- Tôi nghĩ nhiều tới việc giữ gìn “tính thiêng” của tín ngưỡng này hơn. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Phú Thọ là ví dụ điển hình nhất. Vừa là giỗ tổ, vừa là ngày hội, đó là một nghi thức do nhân dân sáng tạo trong lịch sử để vun đắp cộng đồng. Nhận danh hiệu, khách du lịch đổ về quá đông, rồi lại thêm việc Nhà nước đứng ra tổ chức Quốc giỗ thì càng phải giữ gìn được nét đẹp truyền thống và tính thiêng của lễ hội này.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Cúc Đường

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN