TTVH Online

Xin đừng “playboy hóa”…

31/03/2011 11:00 GMT+7

Đúng, chuyện cô Ngọc Quyên “nude” bằng một bộ ảnh khá trần trụi, được tung đầy rẫy lên mạng là chuyện rất đáng bàn: Hành vi này là đúng hay sai? Nghệ thuật hay dung tục? Vì môi trường hay vì khoe thân thể?

(TT&VH) - Đúng, chuyện cô Ngọc Quyên “nude” bằng một bộ ảnh khá trần trụi, được tung đầy rẫy lên mạng là chuyện rất đáng bàn: Hành vi này là đúng hay sai? Nghệ thuật hay dung tục? Vì môi trường hay vì khoe thân thể? Các cơ quan hữu quan và xã hội cần phải nhìn nhận như thế nào? Đó là những câu hỏi hợp lẽ có thể đặt ra trong lúc này.

Một bức ảnh trong bộ ảnh "Cởi đồ, Hoàng Yến khoe số đo vàng".

Nhưng xin đừng “ăn theo” nude bằng mọi giá. Chưa bao giờ chuyện “cởi đồ”, cởi áo, khoe thứ nọ thứ kia tràn lan trên mạng như những ngày qua sau scandal của Ngọc Quyên. Không chỉ mô tả bằng lời lẽ, người ta còn đưa lên những bộ ảnh cực sốc. Nào là “Sốc nặng xem người mẫu nude giữa bầy lợn”; “Nữ nhiếp ảnh táo bạo nude với việc ngày thường”... Những câu chuyện gây sốc từ bên Tây đàng hoàng được “nhập khẩu” về bên ta, bất kể văn hóa, phong tục, thẩm mỹ. Nếu cứ lý sự Tây xài được thì Ta cũng cũng xài được, thì sao không đưa nốt cả những gì của Playboy lên? Bất cứ xã hội nào cũng có những giới hạn, những sự khu biệt theo nhóm, theo lứa tuổi... Một trang thông tin đại chúng quyết không nên làm như vậy.

Thôi thì, giải trí bằng các bộ ảnh khoe thân của các cô người mẫu, người đẹp cũng có thể thông cảm được với khát khao “câu view” thời đại này. Người ta cần những chuyện như: “Ngọc Trinh: Nóng bỏng và hoàn hảo từng milimet”, “Hoàng Thùy Linh tá hỏa vì “lộ hàng”, “Nóng rừng rực tân Hoa hậu Costa Rica 2011”... Độc giả xem mãi cũng “chai mắt”. Nhưng có cảm giác như nhìn bộ ảnh nào, những người đưa tin cũng chỉ chăm chăm nhìn vào những chỗ để “hở”, những tư thế khiêu kích để giật tít. Cảm giác báo chí, trang thông tin điện tử đang bị “playboy hóa”. Nào là: “Cởi đồ, Hoàng Yến khoe số đo vàng”; “Hoa hậu Mỹ Xuân “vặn vẹo” trong bikini”... Hình như người ta đang tận dụng mọi cách để đưa được từ “cởi” vào. “Nào là Hoa khôi Trúc Phương cởi trần... bắt bò”. Cũng bộ ảnh đó, trang web khác lại giật tít: “Lại đến hoa khôi Trúc Phương cởi áo... “khoe ngực”. Quái lạ, tại sao cái bộ ảnh rõ ràng là có ý đồ  "cởi” để khoe cái nọ cái kia, mà lại đàng hoàng được post lên, chẳng hề thấy che chắn, cứ như người ta có quyền “cởi” thì mình có quyền đưa lên vậy.

Cơn khát “cởi” mạnh đến mức, cô Hoa hậu Ngọc Hân tự thiết kế riêng bộ áo dài của mình, gửi tặng chương trình từ thiện vì các nạn nhân động đất, sóng thần cũng cố tình bị gắn vào chữ “cởi”: “Hoa hậu “cởi áo” quyên tiền từ thiện”! Thật... không còn gì để nói nữa! Chẳng hiểu người ta còn nhớ rằng mình đang nói về một chương trình mang đầy tính thiêng liêng hay không?

Trước đây tôi thường nghĩ rằng, sự “bùng nổ” của những yếu tố sex ở ta ngày nay là hình ảnh của cuộc “cách mạng tình dục” những năm 60 của thế kỷ trước ở bên Tây. Nhưng bây giờ thấy hình như không hẳn như vậy. Trong thời đại ngày nay, không phải xã hội phương Tây sẽ để lại những bài học cho xã hội ta nữa mà ngược lại. Chính sự bát nháo, tự phát, quá đà của các thông tin trên Internet Việt Nam cộng với sự bùng nổ của dịch vụ này đến tận “thôn cùng xóm vắng” sẽ để lại những bài học đắt giá để “Tây” nhìn vào mà rút kinh nghiệm cho chính họ. Nói vậy có quá không nhỉ?

Đông Kinh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN