TTVH Online

Chờ đến bao giờ? - Từ Bryan Adams đến… Han Hye Jin

28/03/2011 07:26 GMT+7

Trong những năm qua những nhóm nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam vẫn không nhiều và điều đó vẫn tạo ra cho thị trường thưởng thức những niềm khát khao rất lớn. Cầu thì đầy ắp nhưng cung gần như vẫn chỉ là số 0 tròn trĩnh.

(TT&VH Cuối tuần) - Đó là một khoảng cách 17 năm, một người khởi đầu cho những ngày thị trường âm nhạc Việt mở cửa, đón tiếp những luồng gió văn hóa mới, người còn lại là nhân vật đại diện điện ảnh xứ Hàn đến Việt Nam, đến để chào, nói lời cảm ơn và… ra về.

Có chứng kiến cảnh Han Hye Jin được đón tiếp ở TPHCM sẽ thấy rằng cảnh tượng ấy không khác 17 năm trước, cho dù đó là 2 nhân vật khác nhau, mức độ nổi tiếng cũng chênh nhau và mục đích thăm viếng cũng hoàn toàn chẳng tương đồng. Lấy cột mốc 17 năm để thấy rõ rằng, những nhóm nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam vẫn không nhiều và điều đó vẫn tạo ra cho thị trường thưởng thức những niềm khát khao rất lớn. Nhu cầu thì đầy ắp nhưng lượng cung gần như vẫn chỉ là số 0 tròn trĩnh. Ở Việt Nam không thiếu những trường hợp mua vé máy bay sang Hong Kong, Singapore, Thái Lan chỉ để xem một bộ phim mới, để trực tiếp thưởng thức một giọng ca đẹp hay cháy mình cùng một nhóm rock tên tuổi…

Điểm lại những nhóm nhạc trong 17 năm qua đến Việt Nam dường như chỉ chưa quá 10 đầu ngón tay. Khởi đầu từ Bryan Adams đến John Denver, Boney M, Richard Clayderman, Michael Leans to Rock, The Moffatts cho đến Sting và mới đây là FABBA, mới nữa cũng nên kể thêm Ronan Keating hay Il Divo (nhưng nếu tính các cuộc thi hoa hậu cũng là show ca nhạc đơn thuần thì có lẽ phải tính thêm cả Lady Gaga). Đó là những nhân vật đến Việt Nam để  “làm ăn”, tức là tìm kiếm lợi nhuận, khai thác thị trường. Nó không giống như những cuộc giao lưu văn hóa, cho dù có khá nhiều tên tuổi huyền thoại nhưng vẫn chỉ ở tầm mức giới thiệu và lợi nhuận xem như không được tính đến.

Bryan Adams trong lần biểu diễn tại TP.HCM hôm 16/1/1994. Giá vé chính thức là 35 USD nhưng chợ đen bán đến 80 USD và thật ngạc nhiên, 2.500 chỗ của nhà hát Hòa Bình không còn một chỗ trống. Ảnh: Thái Phiên (hình tư liệu)

Ông bầu Lê Quang trong khoảng 3 năm gần đây rất máu kiêm luôn bầu show nhạc quốc tế. Đã có lần ông bầu này mạnh mồm tuyên bố sẽ có một “Woodstock” kiểu Việt Nam (festival âm nhạc huyền thoại ở Mỹ, tổ chức 3 ngày liên tiếp và trở thành một trong những festival vĩ đại nhất), bao gồm những nhóm nhạc Việt diễn chung cùng Bon Jovi, Scorpions, The Eagles và thậm chí cả guitar huyền thoại Carlos Santana. Thời gian trôi nhẹ như gió đầu mùa, kế hoạch của ông bầu này vẫn chỉ trên giấy. Hỏi thì nhận được cái lắc đầu ngán ngẩm “Chi phí không đủ”.

Chi phí không đủ là điều ai cũng thừa biết. Để mời một nhóm cỡ Bon Jovi, chi phí không dưới năm số 0 tiền Mỹ và vé vào cửa không thể dưới 30 USD. Cách đây 5 năm, một công ty truyền thông vừa thành lập quyết định chơi nổi khi mời nhóm Beatels (chơi nhạc của huyền thoại The Beatles) đến diễn ở sân Lan Anh, chi phí tròm trèm vài trăm ngàn đô. Nhưng đến phút cuối, marketing không hiệu quả, dân chúng đi xem thưa thớt cuối cùng phải phát vé không và sau đó công ty này cũng lặng lẽ phá sản. Cũng vẫn nhóm nhạc này, cách đây 2 năm đã trở lại Việt Nam, lần này là một công ty truyền thông khác khai thác. Sau hai đêm diễn ở Hà Nội và Đà Nẵng không đủ khán giả thì đêm cuối cùng tại TP.HCM người ta thấy trước sân Lan Anh có giăng một băng rôn xin lỗi khán giả vì ca sĩ chính bị… đau dạ dày. Thế là show không diễn được, tiền vé được trả lại cho công chúng. Nhiều người hiểu chuyện bảo rằng phải làm thế không thì có mà lỗ “khủng”.

Còn nhớ lần đầu tiên nhóm Air Supply diễn 2 đêm ở Hà Nội cách đây hơn 10 năm, lẽ ra show ấy đã diễn ra ở Hong Kong nhưng trong cuộc “đấu giá” cuối cùng nhà tổ chức Phương Đông ở Việt Nam nẫng được tay trên. Phải kể thêm rằng do phía Việt Nam nhảy vào đã khiến tập đoàn giải trí APPA – Mỹ khéo léo đẩy giá từ 65.000 USD đến 85.000 USD. Phía Hong Kong rút lui, Việt Nam nhận được hợp đồng. Tuy nhiên ký xong hợp đồng phía chủ nhà có nghĩa vụ phải chuyển tiền cọc 50%. Phía Hong Kong khôn ngoan hơn, mặc dù chưa có hợp đồng nhưng họ đã sử dụng một cơ quan pháp nhân tại TP. HCM để làm thủ tục giấy phép. Rắc rối xuất hiện, chính quyền thành phố từ chối một cách tế nhị không cấp phép cho nhóm Air Supply trình diễn. Điều này buộc phải chuyển đêm trình diễn ra Hà Nội – một thị trường âm nhạc nhỏ hơn rất nhiều lần so với TP.HCM. Tiền cọc đã nộp, phải chuyển ra Hà Nội, chấp nhận lỗ ít còn hơn mất cả.

Ở lần thứ hai Air Supply đến Việt Nam (2009, một công ty truyền thông khác đứng ra tổ chức) thì lại lỗ nặng, giống y như khi Bi Rain diễn tại SVĐ Quân khu 7 năm 2007.

Năm 1996, nhìn số lượng gần 5.000 người đi xem ca sĩ danh tiếng Sting biểu diễn ở sân Phan Đình Phùng nhiều người tưởng rằng show đấy chắc thắng. Nhưng thực tế, số tiền bỏ ra để mời ca sĩ này lên đến 150.000 USD, nhưng bán vé chỉ khoảng 20 USD/1 vé (cho dù phía Sting không chấp nhận được bán vé dưới giá 60 USD nhưng với giá vé ấy sẽ cầm chắc không có khán giả).

Chính vì bài toán đầu ra không giải quyết được nên cho dù có rất nhiều dự án nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa dám mạo hiểm. Vốn cao, thu về thấp, nếu không có một số vốn lớn cho một kế hoạch dài hơi thì hầu như chẳng ai dám làm.

Như ở show diễn Bob Dylan sắp tới, dù không tiết lộ số tiền bỏ ra để mời huyền thoại nhạc Folk này tới Việt Nam nhưng phía Saigon Sound System (SSS) vẫn tin rằng không thắng mặt này cũng được mặt khác. Ông Rod  Quinton (nhà tổ chức) thừa nhận “chúng tôi muốn buổi biểu diễn này sẽ là một cơ hội để quảng bá nhưng trước tiên là chúng tôi muốn quảng bá Việt Nam, chúng tôi muốn Việt Nam có tên trong danh sách điểm đến âm nhạc quốc tế và kế đến là chúng tôi muốn quảng bá cho SSS”. Chấp nhận bỏ số tiền lớn để xây dựng một thương hiệu, có lẽ SSS phải rất có niềm tin vào tương lai môi trường biểu diễn ở Việt Nam.

Ca sĩ Lobo trong lần họp báo tại TP.HCM trước đêm diễn vào ngày 10/12/1994 tại sân khấu Kỳ Hòa, Q.10. Giá vé 150.000đ và hầu như không còn chỗ trống. Ảnh: Huỳnh Thanh Nam

Không bây giờ thì bao giờ?

Lướt qua bảng giới thiệu chương trình ca nhạc ở các nước lân cận như Singapore, Thái Lan hay Malaysia có thể thấy cho dù kinh tế thế giới đang khủng hoảng nhưng dường như chưa chạm tới các phòng vé. Lịch diễn năm của các ngôi sao đã kín mít.

Các sao quốc tế đang nỗ lực đến chấu Á để tìm kiếm lợi nhuận. Ở thời điểm này nhiều phân tích đánh giá, sẽ là một thời điểm thích hợp để mặc cả. Nếu trước đây một nhóm nhạc như Maroon 5 cần 500.000 USD để hát tại Thái thì bây giờ giá chỉ còn 350.000 USD, Robbie Williams sẵn sàng đến Sing với giá chưa tới 1 triệu USD (năm 2006 Robbie tới Hong Kong, giá vé chặt chém tới 380 USD cho vé rẻ nhất, vậy mà vẫn đông nườm nượp).

Có khá nhiều mức độ, cách thức đầu tư cho một nghệ sĩ hay nhóm nhạc tên tuổi đến một quốc gia châu Á. Như ở Việt Nam, việc đầu tư cho một tên tuổi đến buổi diễn và thu từ tiền bán vé (truyền hình thì không thể) là chuyện “trong mơ”. Nếu lấy từ tiền bán vé thì cầm chắc lỗ. Vả lại, các nhà đầu tư cũng sợ mình không chịu nổi truyền hình. Đó là chưa kể sân bãi tổ chức, âm thanh ánh sáng ... Vậy thì chỉ còn mong vào tài trợ, mà tài trợ không nhiều bởi chẳng ai muốn rủi ro. Một hãng bia lớn đã từng chi đậm cho một tên tuổi như My Chemical Romance đến biểu diễn. Nhưng đó là một phân khúc nhỏ bởi hãng này đánh giá vào mặt tiềm năng của ban nhạc có thể kích cầu được nhu cầu tiêu dùng bia, còn về mặt giá trị chưa hẳn đây đã là một ban nhạc hay thật sự.

Vậy muốn xem chương trình hay thì phải chuẩn bị… vé máy bay (sang nước khác xem ké). Vẫn có đó nhu cầu nhưng muốn xem được thần tượng ở Việt Nam có lẽ phải chờ. Và chờ đến bao giờ thì chẳng ai trả lời được. Khi FABBA đến Việt Nam, có người sẵn sàng móc hơn nửa triệu đồng chỉ để sở hữu một tấm vé, thậm chí có người đã bỏ ra cả 2 triệu để được vào xem. Các nhà đầu tư thấy rõ điều đó nhưng nhúng tay vào làm lại là một vấn đề khác. Mới đây, tưởng chừng như nam danh ca Leonard Cohen sẽ đến Campuchia biểu diễn, nhiều fan Việt Nam chuẩn bị lên đường, nhưng phút cuối show diễn bị “cancel” do tiền vé thu về không đủ “sở hụi”.

Ông bầu Lê Quang thừa nhận Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho những nghệ sỹ quốc tế, nhưng muốn khai thác được nó thì các bên phải ngồi lại và thỏa hiệp. Mặt khác, thị trường Việt cần phải chuyên nghiệp hơn, từ khâu tổ chức, tiến hành, bán vé cho đến sàng lọc đối tượng người nghe để mỗi khi một nghệ sỹ xuất hiện thì phân khúc khán giả sẽ đến xem. Sàng lọc được khán giả là điều mà ở các quốc gia đã làm được. Có được thị hiếu riêng sẽ dẫn đến những cách thức tiếp cận tốt hơn.

Để làm được điều đó, thị trường nhạc Việt biết chờ đến bao giờ?

Bài kết: Đi cho dài rồi cũng trở về vạch xuất phát

Cung Tuy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN