TTVH Online

Cổ vật Ai Cập “tan tác” sau cuộc bạo loạn

03/03/2011 11:10 GMT+7

Sau cuộc bạo loạn chính trị ở Ai Cập, người ta đã đặt nhiều câu hỏi về việc các “báu vật” khảo cổ của nước này đã bị tổn hại như thế nào và cộng đồng quốc tế sẽ xử lý ra sao về việc đó.

(TT&VH) - Sau cuộc bạo loạn chính trị ở Ai Cập, người ta đã đặt nhiều câu hỏi về việc các “báu vật” khảo cổ của nước này đã bị tổn hại như thế nào và cộng đồng quốc tế sẽ xử lý ra sao về việc đó.

Nhiều ngôi mộ cổ đã bị cướp phá. Nhiều hiện vật nổi tiếng bị đập vỡ và bị vứt ở các góc của bảo tàng. Đó là thảm cảnh của di sản văn hóa Ai Cập sau những biến động chính trị vừa qua.

Khó định lượng được mức độ tổn thất

Nhiều người đã yêu cầu ông Zahi Hawass, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Cổ vật Ai Cập, phải từ chức vì những bản báo cáo không nhất quán của ông về cuộc cướp phá bảo tàng hồi cuối tháng 1. Ban đầu, ông Zahi Hawass thông báo có 70 cổ vật bị đập vỡ hoặc mất tích, nhưng sau đó lại đưa ra con số là 18, rồi 19. Trong số những hiện vật bị mất có cả những đồ vật vô giá như bức tượng gỗ mạ vàng của Vua Tutankhamen và bức tượng đá vôi của Thần Akhenaton. Tuy nhiên, sau đó bức tượng Thần Akhenaton được ông thông báo là đã tìm thấy trong thùng rác.

Ông Zahi Hawass và bức tượng cổ của Vua Tutankhamun vừa bị mất tích

Đầu tháng 3 này, Bảo tàng Ai Cập đã mở cửa trở lại để đón khách tham quan. Bà Gabriele Pieke - nhà Ai Cập học đồng thời là Tổng thư ký của Hội đồng các bảo tàng Ai Cập Quốc tế - cho biết, ngoài bảo tàng Ai Cập ở Cairo, nhiều bảo tàng nhỏ, di chỉ khảo cổ và những ngôi mộ cổ đã bị cướp phá. Do thiếu các tài liệu để đối chứng, cho nên phải mất nhiều năm mới có thể đánh giá hết được những thiệt hại. “Việc lên danh sách chính xác những gì đã bị mất cắp là một công việc đầy thách thức và nhiều nơi sẽ phải chấp nhận một cách đơn giản là chúng đã bị mất cắp”.

Bà Pieke tiên liệu rằng, trong vòng vài tháng tới Ai Cập sẽ ở trong tình trạng rất không ổn định khi nhiều người cố gắng kiếm lợi từ các cổ vật ngoài chợ đen. “Các tổ chức quốc tế sẽ không thể làm gì được cho đến khi tình hình chính trị ổn định trở lại”.

Cộng đồng quốc tế can thiệp ở mức nào?

Theo bà Pieke, mặc dù Hội đồng các bảo tàng Quốc tế (ICOM) đã nỗ lực lên danh sách những hiện vật bị đánh cắp, song các nhà chức trách bản địa lại tỏ ra miễn cưỡng trong việc hợp tác. Hồi tháng 2, UNESCO đã kêu gọi cần có sự giám sát chặt chẽ thị trường cổ vật nhằm ngăn chặn việc buôn bán các hiện vật bị đánh cắp; kêu gọi các lực lượng an ninh, các nhà sưu tầm và kinh doanh cổ vật hãy cảnh giác.

Cộng đồng quốc tế có thể tiếp tục trợ giúp các bảo tàng ở Ai Cập thiết lập các biện pháp an ninh và các cách thức bảo tồn theo chuẩn mực phương Tây. Những nỗ lực đó đã ít nhiều được triển khai trong vài năm trở lại đây.

Nhưng theo bà Sylvia Schoske - Giám đốc bảo tàng Ai Cập ở Munich (Đức) - thì cộng đồng quốc tế nên tin tưởng vào khả năng Ai Cập có thể tự kiểm soát được tình hình. “Người Ai Cập giờ đây không phải là những người chỉ biết ngồi trên sa mạc và dựa vào những phương pháp bảo vệ cổ vật từ thế kỷ 19. Nhiều đồng nghiệp của chúng ta đã được đào tạo ở nước ngoài và có những nguồn lực cần thiết. Và cách bảo vệ tốt nhất các cổ vật cần phải có sự tham gia của người bản địa. Vì vậy, chúng ta nên đồng thuận với những cách xử lý của họ, trừ khi họ đề nghị được giúp đỡ” - bà Schoske nói.

Tuy nhiên, cuộc bạo loạn chính trị và việc phá hoại các tài sản văn hóa có thể khiến việc “đòi” lại các cổ vật Ai Cập bị thất thoát ra nước ngoài của ông Hawass lâm vào bế tắc. Ông Hawass từng nhắm tới bức tượng đá Rosetta nổi tiếng 3.300 năm tuổi (hiện được lưu giữ ở bảo tàng Anh) và bức tượng bán thân bằng đá vôi Nữ hoàng Nefertiti (hiện để ở bảo tàng Đức) - đây là bức tượng mà ông cho rằng nó được đưa tới Đức hồi năm 1913 một cách phi pháp.

Hôm 2/1/2011, ông Hawass tiếp tục yêu cầu Đức trao trả bức tượng bán thân này thông qua một bức thư gửi tới Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ, song đề nghị của ông lại thiếu chữ ký chính thức của chính quyền của Tổng thống Mubarak. Cuối tháng 1, ông Hermann Parzinger - Chủ tịch của Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ - đã chính thức từ chối trao trả bức tượng Nefertiti về Ai Cập.

Việt Lâm
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN