TTVH Online

Thiếu tình yêu thánh thiện

12/02/2011 13:40 GMT+7

Cách đây mấy chục mùa trăng, có một tờ báo đăng truyện ngắn của một tác giả người Nga. Chuyện kể rằng có một ông già sáu mươi tuổi yêu một cô bé mười chín. Hai bên yêu nhau thắm thiết đến mức không gỡ ra được.

(TT&VH) - Cách đây mấy chục mùa trăng, có một tờ báo đăng truyện ngắn của một tác giả người Nga. Chuyện kể rằng có một ông già sáu mươi tuổi yêu một cô bé mười chín. Hai bên yêu nhau thắm thiết đến mức không gỡ ra được.

Cuộc tình duyên đó bị cả làng phản đối vì độ tuổi chênh lệch hai người ở hàng ông cháu nếu tính theo lối tảo hôn ở nước ta. Không thể chịu được trước sự kỳ thị nặng nề của làng xóm, một đêm họ lặng lẽ rời bỏ xứ sở đi biệt tăm tích. Mấy chục năm sau khi đôi vợ chồng ôm con quay trở lại làng xưa thì trong làng, những người phản đối cuộc tình duyên của họ đã không còn ai.

 


Truyện in ra, nhiều người phản đối vì tại sao lại cho in một tấm gương đồi bại như thế lên mặt báo... Chuyện ấy không thể khác. Người ta không hiểu được rằng trong câu chuyện này, tác giả muốn nói đến một tình yêu mãnh liệt, một tình yêu vĩnh cửu. Con người đáng tuổi ông dám yêu một cô gái bằng tuổi cháu, và cô gái mười chín tuổi kia đã dám yêu một người đáng tuổi ông mình. Trước mặt họ chỉ có tình yêu, sự chênh lệch gì trước tình yêu, kể cả tuổi tác cũng là vô nghĩa. Và mấy chục năm sau, khi họ dắt con cái trở về làng xưa thì những người phản đối quyết liệt không còn ai, chỉ còn họ với đám con, thành quả của tình yêu... Đó là thông điệp tác giả muốn gửi gắm trong truyện ngắn về tình yêu có sức mạnh trường tồn.

Câu chuyện quá hay cho một cái nhìn nhân văn nhưng người ta đã đọc văn học theo cách nhìn xã hội học, gí sát nó vào đời sống và luân lý.

Và với cách nhìn ấy, một họa sĩ danh tiếng của chúng ta khi vào tuổi tứ tuần có cô người yêu hai chục tuổi đã bị cả cơ quan và khối phố can thiệp để cho mối tình của họ không thành mới thỏa mãn. Người họa sĩ ấy sau này thành người đơn côi sống với nỗi buồn cho đến khi về cõi.

Ở đây những giá trị được coi là đạo đức có lúc trở thành phi đạo đức, không phải dễ mà nhận ra.

Những câu chuyện trên mỗi khi nghĩ tới nó làm cho người ta rấm rứt tâm can. Và mới hiểu ra rằng chúng ta một thời chỉ có hôn nhân, quá hiếm những tình yêu thánh thiện. Và hầu như chưa từng có thánh tình yêu trong trái tim cuộc sống. Ngày Valentine đặt được chân sang nước ta là hạnh phúc và may mắn cho thế hệ trẻ hôm nay.

Tôi bâng khuâng nhớ đến Lưu Trọng Lư, thi sĩ thời Thơ mới suy ngẫm về cái tình một thời: “Các cụ ưa những màu đỏ choét, ta yêu những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà đúng ngọ. Ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, còn chúng ta thì muôn hình muôn trạng, cái tình tha thiết, cái tình thoảng qua...”.

Theo tôi, để có một nhận thức đúng về cuộc sống, chúng ta phải học lấy cách yêu con người, tôn trọng con người bằng một trái tim biết thức ngủ cùng con người. Điều đó luôn khó!

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN