TTVH Online

Phạm Tuân tiết lộ thêm về chuyến bay vào vũ trụ

08/02/2011 11:21 GMT+7

Phạm Tuân là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Intercosmos (Nghiên cứu khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình) của Liên Xô (cũ).

(TT&VH) - Phạm Tuân là người đầu tiên của VN và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Intercosmos (Nghiên cứu khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình) của Liên Xô (cũ). Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và là người VN duy nhất 3 lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng.

30 năm sau chuyến bay lịch sử này, TT&VH đã gặp lại Phạm Tuân và ông đã tiết lộ nhiều chi tiết lý thú liên quan đến chinh phục vũ trụ, thể thao...

“Trượt” phi công vì bị loạn nhịp tim và đau mắt hột

* Chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân đã được nhiều người biết đến. Vậy ông còn điều gì là chưa chia sẻ?

- Vâng, đó là về góc độ thể thao. Ngày xưa, khi thi tuyển để lái máy bay, tôi không đạt vì bị loạn nhịp tim và đau mắt hột. Cho nên, tôi chỉ được sang Liên Xô (cũ) học sửa máy bay. Nhưng trong quá trình học tập, tôi đã rèn luyện thể lực, sức khỏe và được làm phi công. Tôi không những đã lái được máy bay chiến đấu mà còn bay vào vũ trụ. Nói chung, con người ta phải có rèn luyện thì mới có sức khoẻ và sẽ có mọi thứ...

Phạm Tuân và Gorbatko
* Như vậy, chắc hẳn những thành tích về thể thao thời trai trẻ của Phạm Tuân cũng đáng được ghi nhận?

- Lính không quân có thời từng bị cấm chơi môn thể thao vua, còn các môn khác như bóng rổ, bóng chuyền... thì chơi được. Tôi từng là VĐV bóng chuyền của Quân đội những năm 1970. Thời đó, các cuộc chiến đấu nổ ra rất ác liệt, nhưng chơi các môn thể thao đã khuấy động tinh thần người lính, giảm căng thẳng trong chiến đấu... Hồi đó bóng chuyền với tôi là ‘’đỉnh’’. Năm 1972 đội bóng Thể Công còn mời tôi sang Tiệp Khắc tập huấn và thi đấu 1 tháng. Khi thủ tục đã hoàn tất, danh sách chỉ còn chờ duyệt, lên tới Bộ Tư lệnh thì bị gạch, vì một anh phi công mà ‘’đòi’’ đi đánh bóng. Lần khác, tôi chuẩn bị bay sang Australia, thì nhận được lệnh đi công tác Kiến An (Hải Phòng) 10 ngày để đánh bóng chuyền...Tôi xuống tham gia và đứng đầu giải bóng chuyền ở đó. Chơi thể thao đã tạo ra tinh thần, sức khỏe cho con người. Tôi thấy bây giờ thời bình, người lính dường như còn chơi thể thao ít hơn chúng tôi ngày xưa...

* Trong chuyến bay vào vũ trụ cùng nhà du hành Gorbatko, ông còn kỷ niệm hay kỷ vật gì đáng nhớ chưa tiết lộ với báo giới?

- Không, đã kể hết rồi (cười). Vì bay trong vũ trụ là cực kỳ vất vả và tốn kém sức lực, nói cách khác là rất nguy hiểm. Vũ trụ làm đảo lộn hoàn toàn các điều kiện sống, con người mất hết trọng lượng, máu không chảy xuống chân mà dồn lên não. Hơn nữa, còn phải chịu sức ép của tốc độ (8km/s)... Nói chung, điều kiện trên đó rất khắc nghiệt...

* Nguy hiểm và khắc nghiệt, nhưng nếu có chuyến bay vào vũ trụ khác nữa dành cho mình, ông có bay tiếp?

- Không thể có nữa (cười). Tất nhiên, nếu có, tôi luôn sẵn sàng tham gia...

Đào tạo phi công vũ trụ không khó

* Theo ông, VN chinh phục vũ trụ vẫn đang là viễn cảnh xa vời hay trong tương lai không xa?

- VN ta chắc chưa dám nghĩ đến điều này, ý tưởng thì có thể, song để hiện thực nó thì không chỉ khó, mà rất khó. Vì để phóng được một vệ tinh nhỏ, thì cũng phải có công nghệ và làm chủ được công nghệ. Trong khi, với chúng ta, động cơ ô tô, xe máy cũng đã làm được đâu... Có thể về phần mềm công nghệ thông tin, phầm mềm điều khiển thì ta làm được, nhưng về chế tạo phần cứng thì... chưa. Cho nên, nếu muốn chinh phục vũ trụ, ta phải kết hợp với bên ngoài để lắp ráp một phần nào vệ tinh, giống như vệ tinh Vinasat ta đang khai thác. Công nghệ và sản phẩm là của nước ngoài, họ phóng lên, ta bỏ tiền ra mua nó, khai thác nó. Ta lắp các hệ thống thu phát tín hiệu, khai thác vào mục đích của ta. Nói chung, ta phải hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để làm chủ công nghệ, chứ để tự chế tạo thì ta chắc là không thể làm được.

Còn muốn bay vào vũ trụ thì không khó, một phi công chỉ cần đào tạo vài năm là bay được. Nhưng bay lên đó để làm gì, có nghiên cứu được cái gì không? Hiện nay, các chuyến bay vào vũ trụ của Nga, Mỹ đều là phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học ra thế giới và cũng chưa được bao nhiêu...

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và V.Gorbatko (7/1980) Ảnh: Phạm Tiến Dũng

* Như vậy chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân chủ yếu mang ý nghĩa về mặt chính trị?

- Ý nghĩa là VN chiến thắng giặc Mỹ. Nhưng tôi vẫn phải tham gia quá trình tuyển chọn của Bộ Quốc phòng. Với chiến công xé tan "pháo đài bay" B52 của địch đêm 19/12/1972 trên bầu trời Hà Nội, tiêu diệt B52 từ trên không và trở về an toàn, tôi là 1 trong 4 người được sang học tại Học viện Không quân Gagarin. Sau 1 năm học tập, năm 1978, tôi và Bùi Sỹ Liêm được chọn sang học loại bay vũ trụ. Cuối cùng, tôi được chọn vào đội bay quốc tế thứ sáu trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1/4/1979. Tôi cùng với Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur vào ngày 23/7/1980 để thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian cùng 2 nhà du hành vũ trụ khác. Chúng tôi ở trong không gian khoảng 7 ngày và đã thực hiện 142 vòng quỹ đạo vòng quanh trái đất.

Tôi là lái phụ, chứ không phải người “bay thêm”

* Ông đã bao giờ nghe một ai đó nói rằng, nhà du hành Gorbatko bay vào vũ trụ “dắt theo’’ Phạm Tuân của VN. Và ông có cảm thấy tự ái?

- Cũng có một số người nói. Nhưng tôi cho rằng đó là những người không hiểu gì về chuyến bay, vì nếu tôi không bay thì có người khác bay vào chỗ tôi. Bởi con tàu đòi hỏi phải có 2 người điều khiển. Gorbatko là người lái chính điều khiển con tàu. Tôi là người lái phụ, phụ trách các thông số kỹ thuật, bảng điều khiển. Tôi phải làm tròn trách nhiệm của mình trên con tàu, chứ không phải là người bay thêm. Tất nhiên cũng có một số thí nghiệm của các nhà khoa học VN được đưa lên vũ trụ, nhưng thực sự nó không phải là khẩn cấp. Nga muốn đưa chúng ta vào là để hòa hợp trong chương trình Intercosmos, để thể hiện vai trò của các nước XHCN lúc bấy giờ, không chỉ ở dưới đất mà còn ở cả trên không. Hơn nữa, họ cũng muốn ủng hộ vì VN đã thành công trong chiến tranh. Đưa VN vào vũ trụ là nâng tầm VN lên, đồng thời ta tiếp cận với công nghệ vũ trụ của họ.

Nhiều người cũng hỏi tôi, kết quả nghiên cứu vũ trụ thế nào. Thực ra, nghiên cứu khoa học, thì phải hàng trăm lần, hoặc ít nhất vài chục lần, chứ đâu phải một chuyến mà đã có kết quả ngay được. Nếu có kết quả ngay được thì dễ quá!

* Ông và Gorbatko chắc hẳn có rất nhiều kỷ niệm?

- Ông ấy sang VN thường xuyên và tôi lần nào sang Nga cũng gặp Gorbatko trước tiên. Mới đây nhất là dịp kỷ niệm 30 năm chuyến bay vào vũ trụ lịch sử Việt – Xô. Gorbatko đã 76 tuổi nhưng khỏe lắm. Kỷ niệm thì nhiều, đặc biệt là khi con tàu của chúng tôi “bị trục trặc’’, không biết con tàu có thể tiếp tục hành trình hay phải quay về trái đất. Chính lúc ấy, sự đồng nhất trong suy nghĩ đã giúp chúng tôi đưa ra quyết định chính xác. Với chúng tôi, từ vũ trụ trở về mặt đất là thời điểm không thể nào quên. Khi vừa chạm chân xuống mặt đất, chúng tôi ôm chầm lấy nhau và từ đó tình cảm chúng tôi trở nên sâu lắng vô cùng.

* Có một kỷ lục nữa mà ông chưa tiết lộ là khả năng uống rượu rất giỏi, uống nhiều mà không say?

- Ai tiết lộ cho bạn biết điều này (cười). Thực ra, khi còn học tập ở Nga, những buổi liên hoan diễn ra rất vui vẻ, thường nói chuyện tiếu lâm và tôi đã nhiễm cái đó vào người. Không như ở VN, uống rượu là nói chuyện lai rai, tỷ tê, rất mệt. Khi uống rượu, tôi biết tửu lượng của mình đến đâu, nên không bao giờ để say!

H.Thương (Thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN