TTVH Online

Di, đừng sợ!

08/02/2011 07:00 GMT+7

Đạo diễn đàn anh Nguyễn Vinh Sơn đã không ngần ngại gọi Phan Đăng Di - đạo diễn của bộ phim "Bi, đừng sợ!" là một “tài năng lớn” của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

(TT&VH) - Đạo diễn đàn anh Nguyễn Vinh Sơn đã không ngần ngại gọi Phan Đăng Di là một “tài năng lớn” của điện ảnh Việt Nam trong tương lai. Năm 2010, bộ phim Bi, đừng sợ! và cái tên Phan Đăng Di đã được xướng lên tại 30 LHP quốc tế.

Yên bình trong thế giới tưởng tượng

Sinh ra ở Nam Đàn, Nghệ An, một vùng quê nghèo thường xuyên ngập lụt, năm 1978, khi mới hai tuổi, Di cùng mẹ và anh trai trải qua nạn lụt không thể quên. Giữa làn nước mênh mông, ba mẹ con phải dỡ mái ngói để lấy bánh mì thả xuống từ máy bay cứu trợ và thịt những con vật chết để nấu ăn. Sau trận lụt nhớ đời đó, cả nhà chuyển sang Nghi Xuân, Hà Tĩnh gần biển, gần cánh đồng dưa hấu. Khi chim di trú trở về, trong đó có rất nhiều sáo, là mùa mà Phan Đăng Di thích nhất. Khi khôn lớn hơn, bố mẹ dạy anh làm đồng và chăn nuôi.

Tuổi thơ của Di là những ngày lang thang ngoài đồng bẫy chim di trú, ngồi nghe cái đài bán dẫn duy nhất của cả xóm, đài hết pin, lại ngâm muối sạc lại. Từ cái đài bán dẫn đó, anh được nghe nhiều câu chuyện hay mà hấp dẫn nhất là Thủy Hử. Tuổi thơ Di yên bình trong thế giới tưởng tượng của nhiều cuốn sách thiếu nhi nước ngoài được in rất đẹp mà người cha, vốn là thầy giáo dạy văn, mua về. Qua nước Thụy Điển của tác giả Selma Lagerlöf là truyện mà Di rất thích, kể về cậu bé Nil tí hon ôm cổ con ngỗng đi khắp Thụy Điển, giờ hình ảnh ấy được vẽ trên đồng tiền cuaron của Thụy Điển. Cuốn truyện đã khơi gợi trong anh nhiều tưởng tượng phong phú. Đó là cánh cửa duy nhất giúp anh hình dung về thế giới.

Phan Đăng Di tại LHP Cannes 2010. Ảnh: Trung Nghĩa
Ngay từ khi học trong trường phổ thông, Phan Đăng Di đã viết truyện ngắn. Lên đến trung học, anh đạt giải nhất viết văn toàn trường. Các giáo viên thấy anh lười học nhưng lại ham viết truyện, đều dự đoán rằng Di sẽ trở thành nhà văn, và ước mơ của anh, chính là trở thành nhà văn. Để rồi mong muốn đó đột nhiên thay đổi khi anh 17 tuổi.

Năm 1993, Di lần đầu tiên được xem Lễ trao giải LHP Cannes trên VTV. Đạo diễn Trần Anh Hùng năm ấy nhận giải Camera vàng cho phim Mùi đu đủ xanh và Holly Hunter được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim Dương cầm. Như là định mệnh, sau đó, Phan Đăng Di được gặp đạo diễn mà anh kính trọng và chính Trần Anh Hùng đã khai sáng anh trên con đường phim nghiệp. Và khi Di nhận được hai giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất cho Bi, đừng sợ! tại LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) thì chính nữ diễn viên Holly Hunter - trong vai trò Trưởng ban giám khảo - đã trao giải cho anh và bày tỏ lòng yêu thích đặc biệt của bà về bộ phim.

Năm 1994, Phan Đăng Di trở thành sinh viên ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Một sinh viên tỉnh lẻ về sống và học hành trong một ngôi trường còn xập xệ, thiếu thốn phương tiện học, điện ảnh trong nước khi ấy héo hắt vài phim mỗi năm, các rạp chiếu phim ở Hà Nội đồng loạt chuyển đổi chức năng… Niềm vui thích của Di thời sinh viên là vào thư viện trường, đọc tất cả những gì có thể. Những bộ phim kinh điển, những thước phim, những cảnh quay nghệ thuật… Di đều xem qua… sách.

Năm 1996, Phan Đăng Di “phát hiện” ra rạp Fansland ở 84 Lý Thường Kiệt, nơi duy nhất chiếu phim kinh điển bằng đĩa. Mỗi lần có phim mới, Di lại nhịn ăn góp tiền để mua vé xem. Thi thoảng, anh vác máy ảnh đi chụp và thích thú với từng khuôn hình ảnh. Bởi chỉ đạt điểm giỏi ở hai môn Biên kịch và Lịch sử điện ảnh, còn các môn học khác thì tạm ổn nên khi ra trường, Phan Đăng Di chưa định hình được sẽ làm gì.

Làm phim với cái nhìn trong trẻo

Chơi vơi được Di viết năm 20 tuổi. Một kịch bản không theo cấu trúc thông thường mà cứ bảng lảng. Trong Chơi vơi, anh đưa kinh nghiệm cá nhân của mình vào cùng cái nhìn trong trẻo về tình yêu, những bí mật. Bởi kịch bản mang sắc thái quá riêng tư nên khi đưa lên Cục Điện ảnh duyệt, Di không xin được kinh phí.

“Thời sinh viên tự do, không thiên kiến, không đi theo đoàn làm phim, tưởng tượng thuần túy không ô nhiễm bởi hiện thực, không lo lắng, không sợ hãi, đó là khoảng thời gian rất hay trong cuộc đời tôi”. Phan Đăng Di tâm sự.

Sau khi ra trường, thấy anh chưa biết làm gì, thầy giáo của Di “rủ” anh về Cục Điện ảnh, vừa hay Cục đang thiếu người. Phan Đăng Di trở thành chuyên viên của phòng nghệ thuật suốt bảy năm. Bảy năm ấy, anh làm thư ký ban biên soạn sách lịch sử Việt Nam, làm chân chạy, lên lịch họp… một quãng thời gian thoải mái, cũng không áp lực để anh tiếp tục thỏa sức cho đam mê xem phim, đọc sách của mình.

Cảnh trong phim Bi, đừng sợ!
Năm 2005, Di tham gia khóa làm phim Mười tháng mười phim. Chơi vơi là một trong ba dự án được chọn vào lớp “Master class” do đạo diễn Trần Anh Hùng giảng dạy. Kịch bản Chơi vơi đã thuyết phục Trần Anh Hùng và trong suốt hai tuần học tập, với quan điểm làm phim sáng rõ, mạnh mẽ, Trần Anh Hùng đã chỉ rõ cho Phan Đăng Di biết việc làm phim ra sao, nghề đạo diễn là như thế nào. Với Phan Đăng Di, đạo diễn Trần Anh Hùng là một người thầy giỏi, “một trong số ít người thầy thanh khiết, kỳ lạ, luôn đi vào bản chất vấn đề, có nhãn quan rõ ràng.” Sau hai tuần học, Di chuẩn bị làm phim cho kịch bản phim ngắn Khi tôi hai mươi, thế nhưng vì không tìm được diễn viên nên kế hoạch tạm dừng. Đúng lúc đó, một sinh viên quay phim của trường Điện ảnh nhờ anh làm kịch bản và đạo diễn cho bộ phim tốt nghiệp. Phim ngắn Sen ra đời. Lần đầu tiên ra hiện trường làm phim, cùng sự tưởng tượng tràn ngập nên cách thức, phương pháp làm phim của Di rất khác biệt. Nếu ai từng xem Sen, sẽ khó lòng đi tìm một câu chuyện kể, chỉ có cảm giác phiêu lãng mà đầy ám ảnh đọng lại sau mỗi cảnh quay đẹp hài hòa giữa bố cục, ánh sáng, màu sắc cùng khuôn mặt biểu cảm vô ngôn của diễn viên. Sen được điểm tối đa.

Khi tôi hai mươi quay sau khi Sen hoàn thành. Quay bằng phim nhựa 35 ly. Đoàn làm phim căng thẳng vì kinh phí hạn hẹp mà kéo dài đến 10 ngày quay. Số tiền 12 ngàn USD gần như hết, chỉ còn 5 triệu đồng VN để thu tiếng, vì thế phần này không đạt như ý, Phan Đăng Di rất muốn quên Khi tôi hai mươi đi. Cùng trong thời gian đó, Phan Đăng Di làm rất nhiều việc để kiếm sống, vừa đi dạy, vừa làm ở Cục, vừa làm phim ngắn lẫn phim quảng cáo, thời gian mỗi lúc thêm lộn xộn.

Năm 2006, đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc Park Kwang Su sang Việt Nam thỉnh giảng trong một dự án điện ảnh, cùng thời gian đó, ông đang làm giám đốc hội chợ phim châu Á (Asian Film Market). Tình cờ xem Khi tôi hai mươi, Park Kwang Su thấy thích, trong một buổi nhậu, khi Di bày tỏ mong muốn làm phim nhưng không có kinh phí, đạo diễn Hàn gợi ý về Pusan Promotion Plan (PPP) mỗi năm tạo cơ hội cho 25 dự án phim xin tài trợ. Phan Đăng Di nghĩ đó là một cách hay để làm Bi, đừng sợ!.

Năm 2007, Di nghỉ việc tại Cục Điện ảnh, gửi Bi, đừng sợ! tham gia PPP mà không nghĩ ngợi gì. Tháng 8/2007, dự án chính thức được chọn.

Sang Pusan, ô tô cắm cờ đón tận sân bay, công ty BHD vốn có kinh nghiệm từ trước và sẵn gian bán hàng tại hội chợ, sẵn lòng thay mặt Di thuyết trình về dự án. Bi, đừng sợ! được giải Dự án châu Á nổi bật. 10 ngàn USD tiền thưởng là tiền đề đầu tiên để Bi, đừng sợ! được dựng thành phim.

Từ năm 2007 đến 11/2008 là thời gian Phan Đăng Di đi thuyết phục các nhà đầu tư, các quỹ điện ảnh đầu tư vào Bi. Kết quả, Bi, đừng sợ! nhận được 50 ngàn euro từ Quỹ Điện ảnh Thế giới của LHP Berlin, quỹ hỗ trợ sản xuất phim của BVH cho 10 ngàn USD; hãng Đông Nam (Sud-est) hỗ trợ 60 ngàn USD. Nhờ thế, Bi, đừng sợ! được khởi quay vào tháng 8/2009.

Bi, đừng sợ! đã tham gia 30 LHP ở 25 nước. Niềm vui nhất của Phan Đăng Di khi tham dự LHP là một số giải thưởng nhằm vào những người trẻ, tạo cơ hội phát triển cho họ; là nghe tiếng Việt vang lên trong rạp chiếu phim với các khán giả nước ngoài; là được xem nhiều phim hay và trò chuyện với các đạo diễn giỏi trên thế giới; là cảm nhận thế giới làm phim vô cùng phong phú…

Vẫn trên con đường theo đuổi nghiệp phim, với tinh thần không ngại thử thách và khó khăn, ý tưởng kịch bản phim Cha và con và… đã ra đời. Di đang tìm bối cảnh, chọn diễn viên và tìm kiếm nhà đầu tư. Cha và con và… là một câu chuyện về gia đình trong bối cảnh thành phố và nông thôn. “Đây là một bộ phim có tính giật gân và pha chút hài hước”, Di chia sẻ.

Nguyễn Quỳnh Trang
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN