TTVH Online

NSƯT Thái Bảo: 20 năm thăm bến Nhà Rồng

31/01/2011 14:30 GMT+7

Nhiều người nói vui, nếu ghi nhận kỷ lục về số lần “thăm” bến Nhà Rồng nhiều nhất thì danh hiệu này thuộc về ca sĩ Thái Bảo.

(TT&VH) - Nhiều người nói vui, nếu ghi nhận kỷ lục về số lần “thăm” bến Nhà Rồng nhiều nhất thì danh hiệu này thuộc về ca sĩ Thái Bảo. Thật ra, chị là người hát thành công nhất ca khúc Thăm bến Nhà Rồng (TBNR) và bài hát gắn với tên tuổi chị suốt 20 năm qua.

Hình ảnh quen thuộc của NSƯT Thái Bảo bên cây đàn bầu khi biểu diễn Thăm bến Nhà Rồng

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, lần đầu tiên, ca sĩ Thái Bảo tiết lộ với TT&VH những nỗi niềm phía sau mối duyên của chị với ca khúc đặc biệt này.

Trước khi tạo dấu ấn với TBNR, hình ảnh Thái Bảo trẻ trung và yêu đời ôm đàn guitar gỗ hát Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến) đã “ghi điểm” trong lòng khán giả. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chị nổi lên không chỉ vì giọng ca nhạc nhẹ cá tính, mà còn vì phong cách biểu diễn tự nhiên, cuốn hút.

Đầu quân về Đoàn Ca múa nhạc VN (sau là Nhà hát Ca múa nhạc VN), sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, chị không muốn ngủ quên trên tên tuổi vừa gây dựng được. Đó cũng là lúc Đoàn tích cực chuẩn bị tiết mục tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1990. Sau khi biết chị chọn ca khúc TBNR, NSND Chu Thúy Quỳnh - lúc đó là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc VN, gợi ý chị thể hiện một phong cách riêng với cây đàn bầu cùng dàn nữ nghệ sĩ vừa hát vocal, vừa chơi đàn thập lục.

TBNR lúc đó coi như bài hát mới, dù trước đó có một nghệ sĩ đã thu âm ca khúc theo bản phối giai điệu cải lương. Có lợi thế khi thể hiện ca khúc về Bác Hồ vì sinh ra và lớn lên trên đất Nghệ An, từ nhỏ chị được sống trong môi trường ăm ắp những câu chuyện về Người. Bố từng là Giám đốc Bảo tàng Kim Liên (bảo tàng trên quê nội của Bác ở huyện Nam Đàn), nên những ngày tuổi thơ, cô bé Thái Bảo thường được bố đưa đến bảo tàng chơi, rồi nghe các cô thuyết minh say sưa giới thiệu những bức ảnh về Bác Hồ. Cô bé gần như thuộc lòng chú thích các bức ảnh và ước mơ trở thành người thuyết minh như các cô. Những mẩu chuyện về Bác Hồ còn theo cô bé vào giấc ngủ, trong câu chuyện kể của bố hàng đêm…

Thuận lợi nhưng áp lực và thách thức không ít với chị khi đến với ca khúc này. “Ca ngợi Hồ Chí Minh là chủ đề muôn thuở trong nghệ thuật. Ca sĩ đều có cảm xúc khi hát về Bác Hồ nhưng hát làm lay động tận sâu thẳm con tim người nghe lại không dễ”, Thái Bảo tâm sự. Thời điểm đó, tuổi đời và tuổi nghề của chị còn trẻ, trong khi ca khúc đòi hỏi sự trải nghiệm và hiểu biết để thả hồn vào từng giai điệu, ca từ đầy tính tự sự càng khiến chị băn khoăn. Chị nhận thấy, chất giọng bẩm sinh không phù hợp với các làn điệu dân ca vùng miền, song với sự tìm tòi, niềm đam mê và khát khao, chị đã quyết tâm tìm “thăm” bến Nhà Rồng theo con đường của riêng mình.

Quyết tâm tìm tòi để không như “Tây hát chèo”

20 năm qua, Thái Bảo đã ra 7 album và những nỗ lực của chị trong loạt ca khúc mới được ghi nhận: Vết chân tròn trên cát, Mùa Xuân bên cửa sổ, Tâm hồn, Mùa hoa cải, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Mưa rơi, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thời hoa đỏ, Quê nhà…

Khi Thái Bảo đến gặp nhạc sĩ Trần Hoàn lần đầu, ông không mấy tin tưởng chị có thể hát được bài này. “Chú còn nói, tôi hát bài này chắc như Tây hát chèo thôi”, Thái Bảo nhớ lại.

Cẩm bản nhạc trên tay, chị quyết tâm luyện tập và tìm tòi cách xử lý sao cho độc đáo mà vẫn chuyển tải được tinh thần bài hát, nhất là để nhạc sĩ xóa đi nghi ngờ “Tây hát chèo”. Không ngờ, khi trở lại hát cho nhạc sĩ nghe, ông lặng đi và đồng ý để chị đi thi với ca khúc này.

Nhớ lời nhạc sĩ căn dặn, đây là ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ, nhưng không hát theo phong cách cải lương mà cũng không hát giọng Nam bộ đặc sệt, chị chọn cách phát âm bằng giọng phổ thông và “nhấn nhá” vào một vài từ đặc trưng của ngôn ngữ phía Nam. Có người thắc mắc, chị hát không đúng giọng Nam bộ, sao bài hát vẫn được nhiều người yêu thích và ghi nhận chị là ca sĩ hát thành công nhất. “Là người miền Trung, tôi hát giọng Nam bộ không khó. Thế nhưng, nếu phát âm toàn bộ ca khúc bằng giọng Nam bộ thì nghe không ổn, vì đây là ca khúc chứ không phải dân ca từng vùng, miền. Hơn nữa, để hát thành công một ca khúc thì phải phát âm rõ lời, vì thế tôi hát giản dị”, chị quả quyết.

Nhạc sĩ Trần Hoàn đã đi xa… Tết Thanh minh hàng năm, Thái Bảo cùng gia đình thường đến Nghĩa trang Mai Dịch thắp hương tưởng niệm nhạc sĩ. Trước anh linh người xưa, chị nói: “Thưa chú, bài hát của chú song hành với cháu đến bây giờ. Cháu hứa sẽ đi cùng ca khúc này đến lúc không còn hát được nữa. Cháu cảm ơn chú vì bài hát của chú khiến khán giả biết đến cháu và yêu mến cháu nhiều hơn”.

Mạnh dạn sáng tạo

Trước khi hát TBNR, Thái Bảo đã có dịp đến với địa danh này. Lúc gặp nhạc sĩ Trần Hoàn và nghe ông hát, chị lại càng hiểu thêm ý nghĩa lịch sử của di tích. Chị cho rằng, để có thể xử lý ca khúc phù hợp thì cần có hiểu biết nhất định về nội dung và hoàn cảnh ra đời ca khúc. Điều quan trọng không kém là đặt mình vào tâm trạng của khán giả để khi hát không rơi vào cả hai thái cực: não nề hay khô cứng. Lời ca khúc mang tâm trạng buồn và nếu thả cảm xúc theo lời thì hát dễ mang vẻ thê lương. Vì thế, chị hát với ánh mắt tươi sáng.

Sau khi được sự đồng ý của nhạc sĩ, Thái Bảo mạnh dạn ngắt nghỉ để tạo điểm nhấn cần thiết. Khác với các bài hát thường ngưng ở câu kết của lần hai, câu hát này ở giữa bài và chị ngưng ở ngay lần một. Rồi câu kết: “Thăm bến Nhà Rồng lòng tôi bỗng/ lệ rơi”, cũng là sáng tạo của chị. Chị hình dung khách thăm bến Nhà Rồng, nhìn con tàu, dòng sông và nhớ ngày Người ra đi. Lệ rơi trong lòng dâng lên từ niềm xúc động mãnh liệt đến mức nghẹn ngào, nên phải ngưng giữa chừng.

Tiết mục đơn ca TBNR được giải và tên tuổi Thái Bảo gắn với ca khúc này từ hội diễn năm 1990. Thành công của chị có sự đóng góp công sức của nhiều người, trong đó, bản phối khí của nhạc sĩ Nguyễn Chính góp phần không nhỏ tạo hiệu ứng đặc biệt cho ca khúc này và đến nay, đó vẫn là bản phối mà người hát rất tâm đắc.

Hát cả nghìn lần vẫn dâng đầy cảm xúc

20 năm kể từ lần đầu tiên đứng trên sân khấu hội diễn, Thái Bảo không nhớ đã hát bao nhiều lần ca khúc này trong hàng nghìn chương trình trải dài từ Nam đến Bắc, trong nước và ở nước ngoài. Hát cả nghìn lần nhưng chị thổ lộ, hát lần nào cũng dâng đầy cảm xúc, dù giọng hát và cách xử lý ca khúc thay đổi theo thời gian. Vẫn những câu hát ấy nhưng người hát chất chứa nhiều trải nghiệm, làn hơi “dày” hơn...

Chị không ngừng tìm tòi và thể nghiệm để “làm mới” ca khúc, như biểu diễn TBNR với đàn bầu, với dàn nhạc giao hưởng hay với dàn nhạc nhẹ. Ba “phiên bản” này đã có mặt trong các album của chị trong những năm qua. Khi biểu diễn trên sân khấu, bản phối nhạc nhẹ thường được sử dụng vì nó gần gũi với người nghe và thuận tiện cho dàn nhạc.

Thái Bảo hát TBNR lúc mới lập gia đình. Chồng chị là tay trống chơi trong dàn nhạc, giờ là Trưởng đoàn biểu diễn 2 của Nhà hát Ca múa nhạc VN. Anh chính là người đầu tiên đệm trống cho chị hát ca khúc này và anh có lẽ là người nghe ca khúc này nhiều lần nhất. Có lần chị hỏi anh, sao không góp ý cho vợ về ca khúc hay về trang phục khi lên sân khấu, anh cười bảo: “Anh tin em biết làm gì và không nên làm gì để ca khúc hay hơn và hình ảnh đẹp hơn trên sân khấu”.

Long Nghệ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN