TTVH Online

Họa sĩ Trương Hán Minh - 60 năm một đời tranh Thủy Mặc

09/01/2011 09:19 GMT+7

Triển lãm với chủ đề: “Họa sĩ Trương Hán Minh - 60 năm một đời tranh Thủy Mặc” sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 18 tháng 01 năm 2011, tại khách sạn Equatorial (242 Trần Bình Trọng, Q. 5 TP.Hồ Chí Minh).

(TT&VH Online) - Đánh dấu 60 năm một cuộc đời vẽ tranh, từ ngày 14 đến 18 tháng 01 năm 2011, tại khách sạn  Equatorial (242 Trần Bình Trọng, Q. 5 TP.Hồ Chí Minh), Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Kiều TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư DV TM Hữu Ích (Hi Corporation) và Công ty Truyền thông Quốc tế phối hợp tổ chức triển lãm với chủ đề: “Họa sĩ Trương Hán Minh - 60 năm một đời tranh Thủy Mặc”. Đồng thời chính thức khai trương website phòng tranh Thủy Mặc online của ông www.truonghanminh.com. Tại buổi triển lãm tranh, những người yêu tranh Thủy Mặc sẽ được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật đặc biệt nhất trong bộ sưu tập tranh của họa sĩ Trương Hán Minh.

Theo họa sĩ Trương Hán Minh, Thủy Mặc truyền thống phỏng theo các tranh cổ nổi tiếng, tôn trọng từ bố cục đến nội dung, hình thức và bút pháp, không đi ra ngoài các cách đặt vấn đề đã có từ ngàn xưa. Thủy Mặc hiện đại đi tìm cái mới, không theo dấu chân của người xưa để gửi gắm ý niệm hiện thực của tác giả. Về khuôn khổ, tranh ngày xưa thường vẽ theo lối bố cục đứng (tranh trục) hợp với nhà cao, khi cần có thể cuốn lại. Còn Thủy Mặc hiện đại thì khuôn khổ, màu sắc và bút pháp mới lạ hơn. Từ cũ sang mới là cả một chặng đường. Vì vậy, người vẽ phải đủ sức, phải mạnh hơn và hay hơn cái cũ với đầy đủ tâm và lực .

Yếu tố làm nên diện mạo của một bức tranh Thủy Mặc phải chú trọng cả ba thứ: Hình, thần và ý. Hình là cái cốt để gửi ý. Thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Thủy Mặc gửi cái thần và cái ý dưới các hình thức phong cảnh, tre trúc, hoa lá... nhằm biểu đạt niềm vui và nỗi buồn của con người qua tác phẩm.

Họa sĩ Trương Hán Minh và tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam năm 2010 của ông “Phú Quý Trường Xuân” đã được bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng giúp trẻ em nghèo khuyết tật trên cả nước.

Vẽ tranh thủy mặc cũng như người đi viết báo phải thực tế, với nghệ thuật tổng hợp từ sự vận dụng nét bút đầy khổ luyện với nguồn cảm hứng sâu sắc từ thiên nhiên của đất nước Việt Nam. Để có những bức tranh với đầy đủ ý nghĩa, họa sĩ Trương Hán Minh đi rất nhiều nơi từ Lạng Sơn,  Cao Bằng,  Ba Vì, Tam Đảo, Hạ Long, Năm Căn, Gành Hào cho đến… Sóc Trăng, Châu Đốc, Rạch Giá... Nói chung, đâu có cảnh vật đẹp là ông đi, và... tranh Thủy Mặc Trương Hán Minh cứ thế mà ra đời. Tranh vẽ phong cảnh của ông màu sắc và bố cục rất sinh động, đầy sức sống, chỉ với vài nét bút lông chấm phá, phóng khoáng nhưng lại rất cô đọng và với những độ loang đậm nhạt: bầy cá tung tăng dưới khe suối, chim bay - bướm lượn, hoa khoe sắc... những bức "trúc - điểu"; Anh hùng đại triển, Đệ bóng, Hoa mẫu đơn, Uyên ương, Vịnh Hạ Long; Phi thảo, Chu thanh, Góc biển Cà Mau... nét vẽ rất có thần, khiến người thưởng ngoạn phải trầm trồ, tranh của Trương Hán Minh sống động và kích thích trí tưởng tượng của người xem một cách lạ lùng.

Các nhà thư pháp trong và ngoài nước cũng như đông đảo độc giả đánh giá rất cao các tác phẩm “nghệ thuật thư họa” của họa sĩ Trương Hán Minh thể hiện thơ chữ Hán của Bác Hồ trong tập “Nhật ký trong tù” như các tác phẩm: “Khai quyển” (Mở đầu tập Nhật ký), “Phân thủy” (Chia nước), “Dã cảnh” (cảnh ngoài đồng), “Vãng Nam Ninh”, “Công kim” (Tiền công), “Anh phỏng Hoa đoàn”, “Lai Tân “, “Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ”, “Thu cảm”... Trương Hán Minh cũng là người đi tiên phong và cũng rất thành công khi dùng nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc thể hiện và minh họa thơ Bác Hồ như các tác phẩm: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”, “Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên”, “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”, “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”, “Nhớ chiến sĩ”... với lối điểm bút phá mặc, vẽ mây trên núi, khói sương phủ rừng cây rất sinh động. Ông tâm sự: “Khi thể hiện tập thơ Nhật ký trong tù bằng nghệ thuật thư pháp và trên tranh thủy mặc, tôi đã làm với tất cả tấm lòng yêu kính Bác...”.

60  năm Trương Hán Minh vừa làm thợ vừa “cầm cọ” vừa làm công tác Mặt trận và làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.  Họa sĩ Trương Hán Minh vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Hiện ông là Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Quận 5, ủy viên ban chấp hành hội văn hóa các dân tộc thành phố, chủ nhiệm CLB người Hoa TP HCM, hội viên hội Mỹ thuật VN. Từ nhiều năm nay, ông đảm trách chủ nhiệm bộ môn Mỹ thuật của nhiều trường học trong thành phố,  tranh của ông có mặt trên thế giới cũng như ở các bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng TP HCM, bảo tàng Văn hoá các dân tộc Hà Nội và triển lãm nhiều nơi trên thế giới: Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Australia... gần 50 lần. Người đương thời ngưỡng mộ ông không chỉ bởi tài năng phóng họa, mà còn kính trọng ông vì nhân cách ngay thẳng và tinh thần vượt khó. Nhiều năm qua ông đã vẽ để ủng hộ các hoạt động xã hội, giúp người nghèo và trẻ em khuyết tật, một nghĩa cử không chỉ bởi tình đồng loại tương thân tương ái mà còn là nghĩa tình đối với đất nước đã cưu mang anh từ thuở lọt lòng cho đến khi "tài hoa phát tiết".. họa sĩ Trương Hán Minh cho biết: dịp này sau khi triển lãm, tranh được bán để ủng hộ một phần kinh phí giúp đỡ người nghèo tại TP.Hồ Chí Minh.

60 năm là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của họa sĩ Trương Hán Minh, người đã dành trọn tình yêu cuộc sống và đam mê hội họa cống hiến cho nghệ thuật nhiều tác phẩm đặc sắc. Nhiều người yêu thích tranh Thủy Mặc trong và ngoài nước không ai không biết đến họa sĩ Hán Minh - người được vinh danh là bậc thầy về tranh Thủy mặc bởi lẽ những khi tập trung cao độ, ông có thể nhắm mắt phóng cọ mà vẫn đạt được những gì mình muốn thể hiện. Nhiều năm qua tranh của ông có mặt trong tất cả các cuộc triển lãm trong và ngoài nước cho thấy sự lao động nghệ thuật không mệt mỏi đồng thời hăng say hòa nhập vào dòng chảy văn hóa cộng đồng dân tộc rất đáng trân trọng của một trong những "chủ soái" thể loại tranh Thủy Mặc có một không hai ở Việt Nam.

Một số thông tin cần biết về “60 năm một đời tranh Thủy Mặc” của họa sĩ Trương Hán Minh:

* Khai mạc: 18h ngày 14/1/2011 tại khách sạn Equatorial hotel TP HCM.

* Bế mạc: 16h ngày 18/1/2010;

* Thời gian triển lãm: từ 9h đến 17h các ngày 15 đến 18/1/2011;

* Số lượng tác phẩm : 49 tranh thủy mặc

* Đơn vị tài trợ: Công ty CP Đầu tư Phát Triển TM Viễn Đông (Vidon Group), C.T Group, Thiên Long Group.

* Đồng tổ chức: Công ty CP Đầu tư TM DV Hữu Ích( Hi Corporation); Câu Lạc Bộ Doanh Nghiệp Việt Kiều tại Khách sạn Equatorial và Công ty Truyền thông quốc tế (IMC).

Bích Ngọc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN