TTVH Online

GS Hoàng Thủy Nguyên và ý tưởng mới: Chống biến đổi khí hậu

04/03/2010 10:10 GMT+7

Khi chúng tôi liên lạc với GS. TSKH Hoàng Thủy Nguyên, một trong những nhà virus học và chế tạo vắc xin hàng đầu của Việt Nam để viết về ông, ông chỉ nhẹ nhàng: “Mình già rồi.

Cái đã qua thì mình chấp nhận nó, nhưng cái đã qua mà không tạo ra tương lai thì cũng không có ý nghĩa gì cả. Đừng nói về tôi, nói về tương lai sẽ vui vẻ hơn nhiều!”
GS Hoàng Thủy Nguyên sinh năm 1929. Ông nói: "Tôi sinh ra tại Hà Nội, lớn lên tại Hà Nội, và đến bây giờ vẫn còn là người Hà Nội". Hồi còn nhỏ, ông thường đến khu biệt thự làm việc số 1 phố Yec xanh bây giờ để đón cha ông, GS Hoàng Tích Trý, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế. Quê GS Hoàng Thủy Nguyên tên Nôm là làng Vẽ, tên chữ là Đông Ngạc, một làng cổ nổi tiếng miền Bắc. Ông có một người bạn chí cốt, học cùng nhau từ tiểu học, đại học, cùng đi lính, đó là Đặng Đức Trạch, người làng Hành Thiện - Nam Định. GS Hoàng Tích Trý đã định hướng Hoàng Thủy Nguyên vào vi rut học, định hướng Đặng Đức Trạch vào vi khuẩn học. Sau này, GS Hoàng Thủy Nguyên được coi là nhà vi rut học hàng đầu, GS Đặng Đức Trạch được coi là nhà vi khuẩn học hàng đầu. Năm 2004, GS Đặng Đức Trạch mất. GS Hoàng Thủy Nguyên nói: "Chúng tôi hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ của mình. Đặng Đức Trạch là bạn thân thiết nhất của tôi. Từ ngày anh ấy mất đi thì tôi vắng vẻ rất nhiều".
“Tương lai” mà ông theo đuổi lúc này chính là ý tưởng xây dựng Trung tâm đào tạo quốc tế sinh y học tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.
Vị GS suốt đời theo đuổi ngành virus học, từng dẫn đầu một nhóm nhà khoa học chế tạo thành công vắc xin phòng chống bại liệt tại Việt Nam - tâm sự, điều ông trăn trở nhất lúc này là vấn đề biến đổi khí hậu. Nó sẽ tác động lớn đến sinh thái, làm thay đổi sinh thái, khi sinh thái thay đổi thì thế giới các vi sinh vật sẽ bị tác động nhiều nhất. Khi đó, những tái tổ hợp xảy ra ở các vi sinh vật sẽ làm xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, đặc biệt là những tác nhân ở các côn trùng có thể gây bệnh cho người, ví dụ như các virus viêm não Nhật Bản… Khi những tái tổ hợp mới xuất hiện, khả năng gây bệnh của những vi sinh vật mới sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, ngay lúc này phải có một cơ sở nghiên cứu vấn đề đó, đó là ngành sinh y học.
GS Hoàng Thủy Nguyên và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang bắt tay xây dựng Trung tâm quốc tế đào tạo sinh y học. GS khẳng định: “Y học phát triển đều dựa trên những thành tựu hiện đại của sinh học ngày hôm nay. Tất cả những thành tựu của sinh học hiện đại đều được ứng dụng vào y học để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của y học, từ những bệnh nhiễm trùng cho đến những bệnh mãn tính. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương do các nhà khoa học pháp thuộc Viện Pasteur Paris xây dựng năm 1924. Chúng tôi gọi Viện này là của thế kỷ XX. Để có thể giải quyết được những vấn đề về phòng bệnh và chữa bệnh cho Việt Nam trong thế kỷ này thì cần có một cơ sở sinh y học hiện đại, cơ sở cho thế kỷ XXI. Khoa học sinh y học ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu, cho nên cần phải xây dựng nền sinh y học Việt nam càng sớm càng tốt, đó không phải là điều gì xa xôi. Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và đang hoàn thành nốt thiết kế trước khi triển khai xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Về mô hình hoạt động của Trung tâm, ông cho rằng, muốn nghiên cứu khoa học và xây dựng ngành khoa học mới, phải có những nhà khoa học ở trình độ cao, và muốn như thế Việt Nam phải khiêm tốn học tập thế giới. Vấn đề không chỉ là cơ sở vật chất, trang thiết bị, bởi thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa thể tận dụng những cái hiện có, do còn thiếu năng lực và trình độ trí tuệ. Cho nên việc xây dựng trung tâm quốc tế vừa nhằm mục đích nghiên cứu vừa đào tạo. Trung tâm sẽ mời các nhà khoa học hàng đầu của nước ngoài về lĩnh vực sinh y học tới cùng làm việc với các nhà khoa học Việt Nam. Trong quá trình làm việc, các nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ học tập được các nhà khoa học thế giới, vừa làm vừa học. Từ sự hợp tác nghiên cứu đó, các nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ trưởng thành hơn và trở thành những nhà khoa học có chất lượng.
Đây là mô hình mới để chúng ta có thể tạo ra những nhà khoa học trẻ, bởi nếu đất nước không có các nhà khoa học trẻ có trình độ thì không có tương lai. GS cho rằng, mô hình đó là cần thiết hiện nay, và là bước ngoặt để xây dựng một ngành khoa học mới, giải đáp những vướng mắc của chúng ta hiện nay. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục vai trò cũ của nó ở đây như hiện nay đang làm.
Chúng tôi ướm lời: "Người Hà Nội nhiều nhân vật giỏi quá", GS cười vui: "Người Hà Nội cơ mà".
Khi chia tay chúng tôi, ông nói như nhấn mạnh thêm điều tâm huyết của mình: “Vấn đề này tôi tha thiết lắm, bởi vì bây giờ mình nhiều tuổi rồi, mình muốn thấy rất rõ các
thế hệ sau mình càng ngày càng giỏi càng tốt, như thế, mình là lớp đi trước mình phải tạo điều kiện để lớp đi sau có cơ sở để họ nâng cao trình độ của mình lên”.

GS Hoàng Thủy Nguyên sinh ngày 18/3/1929 tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Ông được cấp bằng TSKH năm 1962, được công nhận GS Y học năm 1980, chuyên ngành virus học. Ông đã nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn, xác định căn nguyên hai vụ dịch SARS, cúm về những tính chất đặc trưng của hai virut SARS – CoV và Myxoviruts influenzae.
Ông nguyên là Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (1974 – 1994); Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Y tế; Ủy viên Hội đồng xét duyệt Học vị và chức danh Khoa học Nhà nước (1990 – 1995); Ủy viên Hội đồng Học hàm Nhà nước (1995 – 2000); Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà nước (1997 – 2002).
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, Danh hiệu Anh hùng Lao động…



Huy Mạnh – Thảo Vy
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN