TTVH Online

Gặp Thiên Sơn - Người trẻ nhất đoạt giải Tiểu thuyết

31/12/2010 10:59 GMT+7

Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn VN, Thiên Sơn là tác giả trẻ nhất được trao giải chính thức (giải C). Anh tự nhận mình sinh ra để viết "dù chẳng biết cuối cùng tôi có làm được gì cho văn chương hay không".

(TT&VH) - Thiên Sơn sinh năm 1972, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (Đại học KHXH&NV), hiện là biên tập viên tạp chí Điện ảnh Việt Nam. Anh viết nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam (2006-2010), anh là tác giả trẻ nhất được trao giải chính thức (giải C) với tác phẩm Dòng sông chết (NXB Công an Nhân dân 2009). Anh cũng là tác giả duy nhất thắng giải mà chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân dịp này, TT&VH có cuộc trò chuyện với anh.

Tác giả trẻ Thiên Sơn

* Là tác giả duy nhất đoạt giải mà không phải hội viên Hội Nhà văn VN, anh... vui hay buồn vì điều này?

- Sao tôi lại phải vui hay buồn? Điều đáng nói hơn, có lẽ là cuộc thi đã có một sự rộng mở nào đó. Việc chấm giải của các thành viên ban giám khảo dựa chủ yếu vào chất lượng tác phẩm chứ không phải vì danh tiếng của ai đó. Và nếu thế thì đó là điều đáng mừng.

Tôi gửi bản thảo, rồi bận nhiều công việc, đến nỗi khi sách ra cũng không thấy ai nhắc nhở phải nộp cho ban tổ chức cuộc thi và tôi không nộp. Khi được giải, ban tổ chức mới biết là sách đã được in ở NXB Công an Nhân dân năm 2009. Đó cũng là điều bất ngờ với tôi.

* Là người trẻ tuổi nhất trong số các tác giả đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần này, anh có nghĩ mình được... ưu ái vì cái sự trẻ ấy?

- Điều đó có lẽ chỉ ban giám khảo mới biết. Còn tôi, không bao giờ tôi mong một sự ưu ái như vậy. Trong một cuộc thi về nghề nghiệp, điều cần nhất là sự công minh, công bằng. Nếu những người trẻ thật sự chưa làm nên điều gì đáng nói thì phải nghiêm khắc vạch ra. Có như thế, nền văn học mới có thể phát triển.

* Trong tiểu thuyết Dòng sông chết, có những trang viết nhiều suy tư, ngẫm ngợi về con người và những “huyền bí của nội tâm” như chính anh thổ lộ ở đầu cuốn sách. Những tác phẩm đầu tay thường lên men từ chính hiện thực cuộc sống gần gũi nhất với người viết. Với anh thì sao?

- Điều đầu tiên mà tôi tự hỏi mình mỗi khi cầm bút, ấy là những gì mình viết nên có tạo được rung cảm cho người đọc hay không? Đó hẳn nhiên là một điều không dễ dàng, nhất là trong điều kiện ngày nay tâm lý và thị hiếu người đọc phát triển đa chiều. Nhưng dù khó đến mấy, thì người viết cũng phải luôn hướng đến bạn đọc và tìm cách tạo nên sự cộng hưởng.

Dòng sông chết không phải là cuốn đầu tay của tôi, tôi đã viết gần mười đầu sách (chủ yếu là tiểu thuyết), về nhiều lĩnh vực của đời sống. Tôi nghĩ, để có một tác phẩm thực sự gây xúc động thì người viết phải đào sâu vào chính tâm hồn mình, phải luôn quan sát và rung cảm với hiện thực xung quanh. Những chất liệu ấy sẽ giúp người viết trong quá trình xây dựng tác phẩm.

Bìa cuốn sách Dòng sông chết

* Không dừng lại ở những câu chuyện riêng tư của nhân vật, tác phẩm của anh gây chú ý bởi tính triết luận. Anh đề cập đến việc “không kiểm soát được mặt trái của cuộc cách mạng hóa học và công cuộc công nghiệp hóa đối với cuộc sống con người”. Những thông điệp to tát như vậy thể hiện không khéo dễ bị mang tiếng “đao to búa lớn” mà nói lớt phớt thì... chẳng đâu vào đâu. Anh có đứng trước thách thức này khi viết?

- Nhân vật Ngân trong tiểu thuyết này, với tư chất của một nhà hóa học trẻ tuổi, một người trong sáng và đầy khát vọng đã trở thành người lật tẩy những mặt trái của cuộc cách mạng hóa học và công cuộc công nghiệp hóa. Những điều được đề cập không mang tính chính luận khô khan mà chính là những gì mắt thấy, tai nghe của nhân vật, khiến nhân vật suy ngẫm, đau đớn, dằn vặt.

Tôi nghĩ, văn học phải có trách nhiệm đề cập đến những đề tài ảnh hưởng thiết thân đến cuộc sống con người. Có như vậy văn học mới có thể góp chút gì vào việc thay đổi cái hiện trạng tồi tệ đang hủy hoại con người. Tôi không nghĩ văn học là một cái gì hoàn toàn mang tính hình thức. Những cách tân theo kiểu biến văn học thành một trò tiêu khiển chỉ là một cách thúc đẩy văn chương ngày một suy giảm tác dụng trong cuộc sống của con người. Tôi không ngại người ta nói đao to búa lớn, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm có nói được điều gì mà chính tôi đau đớn, suy ngẫm và điều ấy có thực sự cần thiết để làm cho cuộc sống tươi sáng hơn hay không.

* Viết và xuất bản liên tục, lại đầu tư cho những tác phẩm dài hơi, dường như anh không nản và không để cho đời sống áo cơm chi phối?

- Tôi không chán nản. Có lẽ tôi sinh ra để viết, dù chẳng biết cuối cùng tôi có làm được gì cho văn chương hay không. Trong đầu tôi đầy ắp những dự định, và hai mươi năm nay tôi luôn dành thời gian để viết. Nó như một công việc tiền định. Một công việc thiêng liêng. Dù có khó khăn, bần cùng, hay tai họa, tôi chẳng có gì phải băn khoăn, tôi có một lối đi, cứ thế đi mãi. Tôi viết sắp xong một bộ tiểu thuyết xã hội 1.200 trang với những vấn đề gai góc, dữ dội. Tôi cũng đang chuẩn bị cho một tác phẩm mới...

* Xin cảm ơn anh.

Tùng Sơn (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN