TTVH Online

Ca sĩ Tùng Dương: Hát con cò, con nhện với "nhạc Tây"

23/12/2010 14:10 GMT+7

Album "Li ti" sắp trình làng của Tùng Dương mang âm hưởng dân gian, nhưng được thực hiện với ê-kíp đa số là người Đức, lại dùng phương tiện nhạc điện tử, giao hưởng. Tùng Dương rất hài lòng với album này. Chỉ còn đợi khán giả đánh giá.

(TT&VH) - Trong những ngày cuối năm này, các ca sĩ dường như không muốn để các dự án âm nhạc của mình leo qua 1 năm nữa, nên có khá nhiều album được trình làng. Tùng Dương cũng bay từ Hà Nội vào TP.HCM để lo cho việc phát hành album mà anh ấp ủ trong 2 năm qua. Album được thực hiện tại một đất nước khá mạnh về âm nhạc điện tử - Đức - với sự cộng tác đắc lực của Vincent Nguyễn (Nguyễn Công Phương Nam) và êkíp sản xuất âm nhạc của anh tại Touch The Sky Productions (Đức).

Là ca sĩ thành công từ Sao Mai - Điểm hẹn 2004, Tùng Dương hiện nay được xem là một trong những giọng ca nam nhạc nhẹ hàng đầu của Việt Nam. Điểm đặc biệt ở Tùng Dương là luôn có tinh thần khai phá nghệ thuật, album Những ô màu khối lập phương từng đoạt giải Âm nhạc Cống hiến.

Album Li ti gồm 6 bài hát và 2 bản hòa tấu, trong 6 bài hát này có 2 bài là sáng tác cho album Li ti: Trời cho (Sa Huỳnh) và Giăng tơ (Lưu Hà An). 4 bài còn lại là những bài đã đoạt giải thưởng của Hội đồng thẩm định chương trình Bài hát Việt: Con cò, Sáng nay (Lưu Hà An), Li ti (Sa Huỳnh) và Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô).

Đây cũng là dự án khám phá nghệ thuật của Tùng Dương, album Li ti chính thức được Phương Nam phim phát hành từ chiều 22/12/2010.

TT&VH có cuộc trò chuyện với Tùng Dương.

Giao thoa âm nhạc Á - Âu

* Anh có thể cho biết lý do tại sao đến bây giờ album mới phát hành, thay vì vào tháng 7, tháng 8/2010 như dự kiến?

- Khi bắt tay vào thực hiện mới thật sự thấy dự án làm việc với ê-kíp nước ngoài và thu âm ở nước ngoài có những điều khó khăn về mặt thời gian. Tùng Dương thu âm xong từ tháng 7 nhưng do phần mix khá lâu nên đến bây giờ mới xong. Tuy nhiên, đây là một sản phẩm mà Tùng Dương rất hài lòng, có thể nói đây là album đầu tiên ở Việt Nam kết hợp nhạc điện tử với giao hưởng.

* Qua album này, Tùng Dương muốn gửi đến người nghe những điều gì?

- Album này sẽ đem đến một không gian âm nhạc rộng lớn, nhưng mềm mại bởi sự kết hợp giữa nhạc điện tử và nhạc giao hưởng. Đúng như cái tên gọi của album - Li ti. Vạn vật trong vũ trụ này đều nhỏ bé, trái đất cũng nhỏ bé, nhưng những con người nhỏ bé biết tạo nên một sức mạnh cộng đồng thì sẽ làm được nhiều việc lớn.

Về mặt âm nhạc, nếu album Những ô màu khối lập phương trước đây của Tùng Dương gai góc thì album này dễ nghe hơn, nó sẽ hướng đến khán giả đại chúng bên cạnh số khán giả chọn lọc trước đây đã có. Nó không nghiêng hẳn về tính giải trí, nhưng cũng không nặng lắm về nghệ thuật mà là những điều bình dị, gần gũi với mọi người như hình tượng con cò, con nhện, thân phận con người...

Bìa album Li ti với hình ảnh Tùng Dương rất “quái”

* Với một số bài hát mang âm hưởng dân gian, nhưng được thực hiện với ê-kíp đa số là người Đức, lại dùng phương tiện nhạc điện tử, giao hưởng, việc giữ được tính Việt có lẽ là vấn đề khó khăn?

- Đúng như vậy, đây là vấn đề khó nhất khi thực hiện album, thực hiện sự giao thoa âm nhạc Á - Âu, những nhạc sĩ người Đức đã phải tìm hiểu văn hóa Việt, và cũng may mắn là đa số họ đều đã có một thời gian sống ở Việt Nam. Nhưng cái chính, họ là những nhạc sĩ chuyên nghiệp, đã dựa trên chất liệu âm nhạc của các ca khúc, nhất là thang âm của âm nhạc đồng bằng Bắc bộ để có thể có những bản phối phù hợp nhất. Anh Nguyễn Công Phương Nam cũng đóng một vài trò khá quan trọng trong việc làm cầu nối cho sự giao thoa âm nhạc này.

Vẫn kiên trì con đường khám phá âm nhạc

* Trong album lại có 2 bản hòa tấu, Tùng Dương có thể nói thêm về điều này?

- Trong các album nhạc điện tử, đa số album nào cũng có một vài bài hòa tấu, tác dụng của nó là để “trưng trổ” những sound dùng trong album và để trưng trổ về hòa âm. Những bản hòa tấu này cũng có tác dụng làm cho không gian âm nhạc đa diện và sâu hơn. Sự có mặt của 2 bản hòa tấu trong album này cũng cho thấy album đã đi sâu vào tính thể loại. Bản Giao diện mở đặt đầu album có tính chất “trưng trổ” âm thanh như đã nói, còn bản Hoài vọng kết thúc album như khép lại không gian âm nhạc đa chiều trước đó và để ngỏ một khả năng cho những dự án nối tiếp (nếu có).

* Gần đây Tùng Dương cũng hát nhạc trữ tình ở phòng trà, làm live show với Thanh Lam với những ca khúc “dễ nghe” của Lam Phương, Trường Sa, Đoàn Chuẩn - Từ Linh... Bây giờ phát hành album cũng “dễ nghe” chứ không gai góc, người nghe hoài nghi, cho rằng Tùng Dương không còn theo con đường khám phá nghệ thuật nữa.

- Mỗi dòng nhạc đều có công chúng riêng, việc thể hiện những bài nhạc trữ tình như trong live show Yêu tại Hà Nội cùng với Thanh Lam cũng chỉ với mục đích thể hiện cái “đa diện” của mình và phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả hơn.

Ở Việt Nam làm nhạc đương đại hoặc khám phá nghệ thuật là rất gian truân, đôi lúc không có tài chính để thực hiện những dự án của mình, đối với những ca sĩ độc lập như Tùng Dương lại càng khó khăn hơn. Tuy muốn mở rộng đến nhiều đối tượng công chúng khác nhau nhưng hướng chính của Tùng Dương vẫn là đi theo con đường khám phá nghệ thuật. Album này là dự án nghiêm túc tốn khá nhiều thời gian, công sức và kinh phí để nối tiếp con đường khám phá âm nhạc của Tùng Dương kể từ sau album Những ô màu khối lập phương. Vừa khai phá những cái mới vừa biểu diễn phát huy những cái cũ cũng là điều đáng khích lệ...

* Được biết anh và Thanh Lam có dự định đem live show Yêu vào TP.HCM?

- Live show đã được sự tiếp nhận khá nồng nhiệt của khán giả tại Hà Nội, chúng tôi sẽ có một buổi biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM, hiện nay đã đăng ký nhà hát, dự kiến live show sẽ diễn ra vào ngày 15/1/2011. Tất cả ê-kíp thực hiện và ban nhạc là mang từ Hà Nội vào.

* Cám ơn và chúc anh gặt hái nhiều thành công.

Bình Minh (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN