TTVH Online

Triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến...": Từ lá thư tình không muốn đốt

16/12/2010 11:11 GMT+7

Có rất nhiều cựu chiến binh đã xuất hiện tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong lễ khai mạc cuộc triển lãm Những kỷ vật kháng chiến - dấu ấn thời gian vào chiều 15/11.

(TT&VH) - Có rất nhiều cựu chiến binh đã xuất hiện tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong lễ khai mạc cuộc triển lãm Những kỷ vật kháng chiến - dấu ấn thời gian vào chiều 15/11. Mặc quân phục, đeo huy chương, đầu bạc và lưng đã còng, họ chính là những người đã hiến tặng triển lãm các kỷ vật từng gắn bó và trở thành một phần quan trọng trong ký ức của mình.

1. Người phụ nữ cao tuổi nhất có mặt tại cuộc triển lãm là Thiếu tá - bác sĩ Đỗ Thị Chu Ngân năm nay đã ở tuổi 80. Gạt mồ hôi, trên khuôn mặt nhăn nheo, vẫn thường trực nụ cười, bà kể: “Năm đó tôi mới 21 tuổi, cũng may gặp ông ấy một cái là... ưng ngay. Bởi thế, lẽ ra nhận được thư phải... đốt ngay, nhưng tôi không đốt mà giữ lại làm kỷ niệm đến giờ”. Đứng cạnh bà, Đại tá - PGS Vũ Quang Bích (nguyên Viện phó Viện Quân y 103) cũng ở tuổi ngoài 80 nhưng vẫn “cãi vợ” rất hồn nhiên: tôi nói bà ấy xé đi là đúng. Thời đó, lộ ra chuyện gửi thư tình thì dễ bị “chụp mũ” lắm, ai lường được đâu...”.  

 
Vợ chồng bác sĩ Chu Ngân trò chuyện với người xem

Lá thư tỏ tình của cặp vợ chồng - bác sĩ quân y - ấy bây giờ đang nằm trong phòng trưng bày. “Thân gửi chị Ngân! Đứng trên tình bạn, thành thật, tôi muốn gặp chị chiều nay vào 6 giờ 30 (27/9/1951), tại Phòng Thương binh 11 cũ. Chuyện tôi muốn nói chỉ riêng với chị thôi. Mong chị nhận lời. Xem xong chị xé thư này đi kẻo phiền”! Ngắn gọn có vậy, nhưng hai vợ chồng ông Bích đã gìn giữ cẩn thận kỷ vật đánh dấu “cơ duyên” nên vợ nên chồng suốt 60 năm qua trước khi tặng lại cho bảo tàng. “Nói thật là cũng tiếc chứ, chúng tôi băn khoăn mãi” - Thiếu tá Ngân kể - Nhưng xét cho cùng, đến khi hai vợ chồng nằm xuống, kỷ vật này liệu còn có ích cho ai? Tôi dặn các con cháu: bố mẹ tặng thư cho bảo tàng để lưu giữ mãi mãi cho mọi người cùng xem. Sau này, các cháu chắt trong nhà muốn biết thì cứ tới bảo tàng, theo đúng mã số mà tìm xem lại... (các hiện vật đều được cấp mã số riêng và sẽ đưa ảnh lên mạng internet trong thời gian tới).

2. Ở một góc khác, lá cờ cắm trên xe của Đại tướng Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh khi tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975 cũng thu hút sự chú ý của nhiều người bởi sắc đỏ tươi không hề phai sau 35 năm kể từ ngày lịch sử ấy. Hỏi mới biết, chủ nhân của nó - Đại tá Nguyễn Trọng Quyến - đã cất giữ lá cờ này rất cẩn thận trong suốt quãng thời gian đằng đẵng trước khi đem tặng lại cho bảo tàng.

Chuyện dài lắm. Sát ngày giải phóng Sài Gòn, các đơn vị bộ đội đều chỉ có cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (cờ sao vàng có 2 màu đỏ, xanh - TT&VH). Tôi khi ấy là trợ lý tác chiến của tướng Tấn trong bộ tham mưu chiến dịch - ông Quyến kể - Tướng Tấn giao tôi quay ra vùng Phan Thiết tìm cách may khẩn cấp 2.000 lá cờ. Gặp anh Ba Mì, Bí thư Vùng giải phóng Phan Thiết khi đó, tôi nhờ may rồi nói thêm: Tiền nong quân đội sẽ trả sau, trong túi tôi giờ chỉ còn đúng 5 đồng tiền miền Bắc. Anh Ba cười: Đã là công việc của miền Bắc giao cho, chúng tôi sẽ huy động bà con các xưởng may cùng làm. Không cần tiền đâu, chỉ xin anh để lại một đồng làm kỷ niệm để bà con được ngắm hình Bác Hồ trên đó.

Hai ngày sau, 2.000 lá cờ và 40.000 băng đỏ đeo tay đã hoàn thành và được chuyển khẩn cấp vào sát Sài Gòn trước 29/4.  

 
Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc tại triển lãm

Một trong những lá cờ ấy được cắm trên xe của Phó tư lệnh Lê Trọng Tấn trong ngày 30/4 lịch sử, sau đó ông Quyên mang về nhà và cất giữ cẩn thận cho tới giờ. Cùng với lá cờ này, ông Quyến cũng trao tặng cho bảo tàng cả cuốn nhật ký chiến trường của mình - vốn vẫn được đặt trang trọng trên bàn thờ. Để “đền” lại kỷ vật thiêng liêng ấy, ban vận động đã dày công in độc bản và chuyển cho ông Quyến một bản sao nhật ký.

3. Trong buổi khai mạc ấy, có một người đàn ông khóc rất nhiều. Khóc nức nở khi nhìn lại tấm Bản đồ xây dựng phòng thủ cánh đồng Chum Xiêng Khoảng 1972 mà ông trao tặng cho triển lãm. Rồi khóc khi trả lời phóng viên: Học viên của tôi hy sinh rất nhiều, rất nhiều. Nhưng thương nhất là cậu Chí Thành, cậu ấy nằm xuống ở Xiêng Khoảng năm 1972 mà không tìm được xác.

80 tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, ít ai biết ông - PGS-Đại tá Nguyễn Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Công trình quân sự thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự VN - chính là chủ nhiệm của cả chục công trình nghiên cứu quân sự trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Tìm quy luật phân phối của bom B52, Thiết lập hệ thống chống tập kích đường sông miền Bắc... Hàng chục kỷ vật mang tặng triển lãm của ông hầu hết là những bản nghiên cứu, đồ án được viết tay. “Ngoài công trình nghiên cứu, tôi tự viết thành giáo án để giảng dạy cho sinh viên trong trường. Bây giờ, khi đã ở cuối cuộc đời, những bản thảo tài liệu ấy xin được chuyển lại cho bảo tàng” - ông tâm sự.

Hơn 1.000 hiện vật đang trưng bày chỉ là một phần rất nhỏ trong số 11.000 hiện vật được thu về từ cuộc vận động tập hợp Những kỷ vật kháng chiến. Theo lời một số thành viên BTC, trong thời gian tới, khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây rộng tại Mỹ Đình, toàn bộ số hiện vật trên sẽ được trưng bày vĩnh viễn trong một dãy phòng chuyên đề riêng.

Cúc Đường

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN