TTVH Online

Vợ cố thi sĩ Huy Cận: Hỡi em yên lặng!

18/11/2010 15:09 GMT+7

Sau khi TS Cù Huy Hà Vũ bị bắt. Tên bà lại bất đắc dĩ xuất hiện trên một số bản tin. Bà là người như thế nào?

Sau khi TS Cù Huy Hà Vũ bị bắt. Tên bà lại bất đắc dĩ xuất hiện trên một số bản tin. Bà là người như thế nào?

Trong hơn 40 năm, nửa sau cuối cuộc đời của cố thi sĩ Huy Cận, ông may mắn gặp được bà. Ông đã ví bà là ngọn lửa nhỏ dịu hiền và ấm áp giữ trọn cho ông những năm tháng bình yên và hạnh phúc.

Bà là người sẻ chia với ông trọn những ngọt bùi lẫn đắng cay, chăm chút cho tâm hồn thi sĩ của ông được an lành, nương tựa. Ông đã gọi bà là người đàn bà của yên lặng.


Nhà thơ Huy Cận và bà Trần Lệ Thu trong ngày cưới 4/10/1964.

Bà đến gặp tôi ở tòa soạn theo lời hẹn. Mái tóc bạc xóa, đôi mắt cười chan chứa và hiu hắt. Dường như bà đã chuẩn bị quá lâu cho cái sự rồi sẽ một mình ở trọ lại cuộc đời này chờ tới khi đoàn viên với ông, thế nhưng trong giọng nói, trong câu chuyện, trong nụ cười nhòa ướt nước mắt của bà, tôi vẫn cảm thấy chút gì đó tựa như là bơ vơ, như là chống chếnh đến ngơ ngác mà đáng ra cuộc sống hiện tại đủ để lấp đầy. Với bà, sự ra đi của người chồng gắn bó hơn 40 năm nặng tình tri kỷ và ân nghĩa xem ra đã để lại trong bà một khoảng trống quá lớn. Một vực sâu thiếu hụt mà không gì có thể lấp nổi.

Thuyết phục mãi, rồi bà cũng dẫn tôi trở về ngôi nhà mà trong đó có căn phòng nhỏ ở 24 Điện Biên Phủ nơi bà và ông đã có quãng thời gian chung sống gần 40 năm (hai năm cuối đời, nhà thơ Huy Cận về sống chung với con gái ở Tây Hồ). Bà nói lúc còn sống ở đây, nhà thơ Huy Cận rất ít khi tiếp khách tại nhà. Bấy nhiêu lâu rồi cả bà và nhà thơ quên đi cái nhu cầu ấm áp vui vẻ ấy, vì vậy bà không muốn dẫn tôi về đó.

Không hiểu sao, tự dưng tôi cũng trở thành kẻ rón rén khi cùng bà băng qua căn phòng nhỏ với lối đi cửa sau vòng qua mảnh sân đầy lá rụng để tìm lối đi lên căn gác của ông bà. Lần đầu tiên tôi được thở cùng bà trong cái không gian quá nhiều những ký ức của hai thi nhân Việt Nam, Xuân Diệu và Huy Cận, nổi tiếng trong mối tình thơ, tình bạn cảm động có một không hai trong lịch sử văn chương.

Tôi bước cùng bà những bước nhỏ, chậm rãi, cố để cảm nhận cho hết khung cảnh nơi đây, hồn cốt của thi nhân xưa còn vương lại trên từng đồ vật cũ, cảnh cũ. Rất nhiều lá khô rơi và mục nát dưới lối đi. Chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ và ẩm mốc vương đầy lá khô bay nhè nhẹ trên từng bậc thang. Căn buồng của bà và nhà thơ Huy Cận lâu rồi không có hơi ấm của người giờ phủ đầy bụi.

Vốn là người ít nói kiệm lời, bà Trần Lệ Thu chỉ vào đống ngổn ngang những bản thảo cũ từ lâu mờ bụi phủ của nhà thơ Huy Cận: "Bây giờ tôi sống bằng tất cả những thứ ấy và vì đó mà sống". Bà đang tận dụng đến tối đa quỹ thời gian ít ỏi còn lại của mình để hoàn thành trọn vẹn tập 0, hồi ký của bà, và nhặt nhạnh, tập hợp lại những di cảo của nhà thơ để lại. Cho dù, sự "ra đi" khỏi căn nhà của nhà thơ Huy Cận đã từ trước đó 2 năm, và bà dù đến bây giờ hằng ngày vẫn cố gắng cần mẫn lại trở về làm việc và ngủ trên chiếc giường cũ, nơi ngôi nhà cũ thì hơi ấm xưa dường như không bao giờ còn trở lại.

Giường chiếu phủ bụi, ngập nhà là ngổn ngang bản thảo cũ, cả những thứ lúc còn sống nhà thơ đã buông đi, cho vào đống tạp pí lù nhưng bà tiếc đã cố công cất giữ lại. Giờ đây, mỗi một phong giấy vụn có vài nét chữ của ông, cả những bức thư bè bạn cũ, và muôn thứ ngỡ là tầm phào, vớ vẩn ngày ông còn sống thì với bà là cả một gia tài. Nhìn bà đeo mục kỉnh cặm cụi tỷ mẩn trong căn phòng bừa bộn giấy tờ, toàn bộ con người bà dường như đã thuộc về quá khứ, thuộc về một đời sống của ký ức.

Trong sự cố gắng thu giấu mình đi giữa ngổn ngang đời thực và những "nỗi xót đau nhân tình thế thái", bà chỉ muốn đơn thuần nương tựa vào những câu thơ của ông để lại cho bà. Chút đời sống tinh thần ngỡ như là nhỏ nhoi ấy với bà là biển lớn, là cuộc đời, là cả sự nghiệp. Sự nghiệp chính của cuộc đời bà ấy là sống cùng với ông, chia sẻ cuộc đời với ông và giờ đây là thu vén lưu giữ cho hơi thở của ông vẫn mãi mãi nóng ấm giữa những trang viết mà ông để lại.

Mối tình của bà với nhà thơ Huy Cận bước sang năm 2006 này đã tròn 42 tuổi. Bà còn nhớ như in cái ngày định mệnh của ông và bà 4/7/1964, dưới bàn tay sắp đặt của bà Phạm Thị Trường (vợ của nhà văn Nguyễn Đình Thi) ở phố Trần Quốc Toản. Nhà thơ Huy Cận lúc đó 46 tuổi, đã qua biết bao ghềnh thác cuộc đời. Bà Trần Lệ Thu lúc bấy giờ là cô giáo dạy tiếng Nga ở Đại học Ngoại ngữ, đã 28 tuổi nhưng chưa một lần mở lòng mình với tình yêu.

Từ đó nhà thơ Huy Cận được tắm táp và bình yên trong tình yêu trắng trong, thuần khiết và rất đỗi dịu dàng của người vợ hiền thảo luôn tôn kính và ngưỡng mộ chồng. Mỗi lần nhớ lại, bà Trần Lệ Thu không quên được câu nói của nhà thơ Xuân Diệu với bà trong lễ cưới, sau này bà viết lại trong hồi ký: "Anh Diệu nói với em, anh có một nghị lực phi thường, có linh tính báo trước hạnh phúc của đời mình, mà em thì có một tấm lòng kiên trì chờ đợi, nên tất nhiên là hai người phải gặp nhau".

Thế nhưng, bà Trần Lệ Thu đã rơm rớm nước mắt khi kể cho tôi nghe một "lời đau" của một người thân trong gia đình đã nói rằng, bà lấy nhà thơ Huy Cận để được ngồi xe ôtô. Nói rồi bà thổn thức. Ít ai biết rằng thuở nhỏ bà và chị gái của bà đều đi học ở trường tây Félix Faure bằng ôtô riêng của gia đình. Bà Trần Lệ Thu chính là con gái yêu của nhà tư sản nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ với thương hiệu hãng dệt Đại Tân nức tiếng ở 40 Lê Lợi, sau này là 124 Bà Triệu.

Mẹ bà là con gái Hà Nội gốc, ông bà ngoại làm nghề đăng ten ở làng La Khê - La Cả, năm mẹ bà 19 tuổi đã cùng cha sang hội chợ Đấu Xảo ở Paris một tháng để triển lãm sản phẩm, vì cụ nói tiếng Pháp thông thạo. Trong tuần lễ Vàng năm 1946, cha của bà đã cúng 400 cây vàng cho Tổ quốc. Sau cách mạng, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu phố Liên Trì, năm 1948 bị giặc Pháp bắt đi mất tích đến giờ. Năm 1961, toàn bộ tài sản gồm mấy ngôi nhà của gia đình bà hiến cho Nhà nước quản lý, từ một gia đình tư sản, trở thành tiểu thương nhỏ, và cũng vì thế mà bà được kết hôn với nhà thơ Huy Cận - cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý (lúc bấy giờ cán bộ cao cấp không được lấy vợ thành phần gia đình tư sản).

Nhớ lại những năm tháng mặn nồng hạnh phúc, bà Lệ Thu lại ứa nước mắt. Là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng Huy Cận lại là người chất phác, hiền lành, đôn hậu. Không rượu, chè, thuốc lá, ông sống giản dị và chân chất. Với bà Lệ Thu, nhược điểm lớn nhất của ông nhiều lúc làm cho trái tim của bà nhói đau ấy là vì nhà thơ quá đa tình, cả khi ông đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy. Có lẽ, để giữ được tình yêu lâu bền cho một cuộc hôn nhân với nhà thơ, bà phải biết cách chịu đựng và tha thứ.

Bà nói, ngay từ hồi đang còn yêu nhau, khi chở bà đi chơi, thấy một cô gái xinh đẹp đi đằng trước, Huy Cận đạp rướn lên nhìn bằng được cô gái đó mới thôi. Bà hiểu trái tim của thi sỹ không hoàn toàn thuộc về bà, mà đã thuộc về thơ ca. Ông cần phải có những khoảng tự do, những niềm rung động thì ông mới thăng hoa trong sáng tạo được. Ngay từ ngày đứng trước ngưỡng cửa của hôn nhân, bà Lệ Thu đã nhìn thấy và lường trước được những gì mình cần phải vượt qua khi làm vợ của một thi sỹ nổi tiếng.

Bởi lẽ thế mà suốt cả quãng đời sau cuối, cho dù trong một tâm thế "buồn bã và xót đau nhân tình thế thái" nhưng nhà thơ Huy Cận luôn hàm ơn người vợ hiền thục của mình. Nhớ lại cuộc hôn nhân với bà ông đã viết:

Khi anh cưới
Mẹ em rằng
Thu nó hiền thôi ít nói năng
Từ đấy hai sông hòa một biển
Nước gần với nước gắn bằng trăng
Từ đấy lòng anh cứ lắng nghe
Lặng im trong mỗi bước em về
Lời thầm trong mỗi câu em nói
Trong mỗi làn tay em vuốt ve
Khi anh mệt nhọc khi anh đau
Công việc anh lo lửa nóng đầu
Anh cứ cảm nghe từ ánh mắt
Tình em ôm tỏa tựa hương ngâu
Em hỡi đời ai chẳng nửa thầm
Lặng yên mới có được vang âm
Tóc mềm sợi sợi nằm êm lắng
Vạn suối lòng anh chảy trở trăn
Rồi một ngày kia anh với em
Nằm yên trong đất giấc im lìm
Tai xương anh sẽ còn nghe ngóng
Hoa lá hồn em trong lặng im

(Hỡi em yên lặng)

"Những lúc tưởng nhớ tới anh Cận, tôi đều cảm thấy mình được an ủi bởi những năm tháng cuối đời của anh tôi được chứng kiến anh Cận đã sung sướng tắm mình trong nguồn nước ấm được dội từ lòng thương yêu trìu mến của bạn bè tri kỷ ngay từ khi anh vẫn còn tồn tại.

Mỗi lần đi đâu, gặp gỡ chuyện trò với bạn tri âm, về nhà anh đều thủ thỉ kể lại cho tôi nghe với một niềm vui sướng nhẹ nhàng, thanh thoát, pha chút ngây thơ, hồn nhiên của tâm hồn trẻ nhỏ luôn thường trực trong con người anh. Tôi có cái sung sướng nhất đời là chuyện gì tôi cũng được anh kể cho nghe. Có những chuyện sống để dạ, chết mang theo anh cũng chia sẻ với tôi, chỉ mình tôi duy nhất".

Bà Lệ Thu lần giở cho tôi xem những di bút, những dòng lưu niệm của nhà thơ Huy Cận để lại, nói về mối tình cảm ấm áp và chia sẻ trong những tháng năm êm đềm của hai ông bà. Kể từ sau khi nhà thơ - người bạn tri kỷ của Huy Cận là Xuân Diệu rời bỏ dương gian, thì bà chính là người đầu tiên lắng nghe thơ ông mỗi khi ông vừa thốt viết chưa ráo mực. Một mối tình trọn vẹn như vậy, hẳn khi rời bỏ chốn nhân gian này, nhà thơ Huy Cận đã mãn nguyện lắm thay...

Theo CAND
Bài đăng năm 2006
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN