TTVH Online

Ngọc Quỳnh và nhạc trữ tình “mới”

17/11/2010 11:00 GMT+7

Vẫn những tác giả nhạc xưa như Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Từ Công Phụng… nhưng với những ca khúc khá lạ lẫm đối với thị trường âm nhạc hiện nay. Chủ nhân của album cũng khá đặc biệt, đó là ca sĩ Việt kiều Australia - Ngọc Quỳnh.

(TT&VH) - Sáng 16/11, tại Cà phê thứ Bảy TP.HCM, một album nhạc trữ tình được giới thiệu. Vẫn những tác giả nhạc xưa như Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương… nhưng với những ca khúc khá lạ lẫm đối với thị trường âm nhạc hiện nay. Chủ nhân của album cũng khá đặc biệt, đó là ca sĩ Việt kiều Australia - Ngọc Quỳnh.

Thật ra cái tên Ngọc Quỳnh cũng được giới nhạc đại chúng TP.HCM biết đến từ đầu thập niên 1990, khi cô từ Hà Nội vào và hát ở khá nhiều tụ điểm như: Trống Đồng, 126, Q.10 và các sàn nhảy ở khách sạn Rex, Caravelle.

Ca sĩ Hà Nội đầu tiên “Nam tiến”?

Ngọc Quỳnh sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, bố là đạo diễn còn mẹ là ca sĩ chính của Đoàn Ca múa nhạc TW. Ngọc Quỳnh có khá nhiều bà con, họ hàng kinh doanh băng đĩa ở TP.HCM nên được tiếp xúc với những ca khúc của những tác giả Sài Gòn trước đây và Quỳnh cũng mê loại nhạc đó từ nhỏ. Có năng khiếu và đam mê ca hát từ tấm bé, nên năm 14 tuổi đã “khai gian” thành 16 để được cộng tác biểu diễn ở Đoàn Ca múa nhạc TW. Cùng năm đó Ngọc Quỳnh tham gia cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội do Hội Nhạc sĩ VN tổ chức, cũng là để thử sức mình và “lập thành tích” cho một ca sĩ trẻ. Năm đó không có giải Nhất, Ngọc Quỳnh đoạt giải Nhì. Tuy vậy, nó như một bệ phóng khá thuận lợi giúp Quỳnh đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

Sau khi đoạt giải, nhận được khá nhiều lời mời, nhưng Quỳnh chọn Đoàn Ca múa nhạc nhẹ TW làm nơi gây dựng sự nghiệp. Thời đó Quỳnh có thế mạnh hát các bài nhạc ngoại lời Việt, đối với Hà Nội lúc đó là khá lạ và được xem là “thời thượng”.

Theo đoàn đi diễn khắp đất nước và khi đến TP.HCM, đời sống âm nhạc sôi động nơi đây đã hấp dẫn Ngọc Quỳnh, hằng đêm có nhiều điểm biểu diễn, có cả phòng trà, dancing khác hẳn với một ca sĩ của một đoàn Nhà nước ở Hà Nội, lâu lâu mới có một đêm diễn.

Mới 16 - 17 tuổi, một mình dấn thân vào TP.HCM nhưng Quỳnh vẫn nhanh chóng tìm được chỗ diễn ở rất nhiều sân khấu. Những năm đầu của thập niên 1990, công chúng TP.HCM biết đến Ngọc Quỳnh với những bài hát như Sa mạc tình yêu (nhạc Nhật, lời Việt), Ngàn ngàn lời ca (nhạc Hoa, hát cả tiếng Việt và tiếng Hoa, bởi Ngọc Quỳnh gốc Hoa và nói tiếng Hoa khá trôi chảy).

Khoảng hơn 1 năm sau, bố mẹ Quỳnh chuyển vào sinh sống tại TP.HCM, một phần vì cuộc sống phù hợp với gia đình và một phần là để chăm lo cho cô con gái nhỏ của mình. Khoảng năm 1992-1993, Ngọc Quỳnh đầu quân vào Đoàn Ca nhạc nhẹ TP.HCM (thời nhạc sĩ Chánh Trực). Cuộc sống sinh hoạt ca hát tương đối ổn định và được khá nhiều người biết đến. Có thể nói Ngọc Quỳnh là một trong số ít ỏi các ca sĩ Hà Nội đầu tiên “tấn công” vào làng âm nhạc TP.HCM.

Bước đầu trở lại làng nhạc TP.HCM

Ở Đoàn Ca nhạc nhẹ, Quỳnh lại có dịp đi biểu diễn nhiều nước, đặc biệt là Australia, nơi mà sau này cô tìm được “một nửa” của mình và sinh sống tại đó.

Lấy chồng và ca hát tại Australia, Ngọc Quỳnh được cộng đồng người Việt nơi đây yêu mến, ủng hộ nồng nhiệt. Tuy nhiên, tên tuổi cô chưa thể tỏa sáng, bởi ở Australia không có những trung tâm âm nhạc lớn của người Việt như ở Mỹ, việc phát hành băng đĩa hoặc các trung tâm biểu diễn cũng chỉ trong cộng đồng người Việt khá nhỏ nhoi.

Nhưng niềm đam mê âm nhạc vẫn luôn cháy bừng trong tâm hồn Ngọc Quỳnh. Nhiều người khuyên Ngọc Quỳnh nên qua Mỹ hoặc về Việt Nam để có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp ca hát.

Năm 2009 Quỳnh đã trở lại Việt Nam, tuy có một số nơi mời hát, nhưng Quỳnh muốn chuẩn bị cho sự trở lại của mình thật “tươm tất” nên chưa dám nhận lời.

Ngọc Quỳnh âm thầm chuẩn bị cho album Chờ người, cũng mất khá nhiều thời gian, nhất là việc xin cấp phép một số bài hát. Với giọng hát “trường lớp” thiên về kỹ thuật, nhưng nhiều tình cảm và với phong cách nhẹ nhàng của những người hát tình ca, chất giọng của Ngọc Quỳnh phù hợp với những bản “nhạc xưa” mà hiện nay khá nhiều ca sĩ đang khai thác.

Tuy vậy, album Chờ người vừa giới thiệu, cũng những nhạc sĩ “xưa” nhưng với các bài hát khá mới đối với thị trường âm nhạc Việt Nam: Chờ người, Một mình (Lam Phương), Đừng lừa dối nhau (Y Vân), Trong nỗi nhớ muộn màng (Ngô Thụy Miên), Cần thiết (Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên) và một số bài rất quen thuộc như Đưa em tìm động hoa vàng (Phạm Duy), Bây giờ tháng mấy (Từ Công Phụng).

Ngọc Quỳnh cho biết: Sở dĩ Quỳnh chọn những bài hát này vì nó hợp với chất giọng của Quỳnh và quan trọng là những bài hát mà giai điệu và lời ca đã tạo cho Quỳnh những cảm xúc thật sự. Còn bài hát dù khá mới lạ, nhưng vẫn mang đậm phong cách của các tác giả Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Y Vân mà nhiều người yêu mến, nên nó cũng không có gì quá đáng ngại. Trong album này, Ngọc Quỳnh rất tâm đắc với bài Một mình, bởi Quỳnh tìm thấy trong đó một phần của bản thân mình và là bài hát dành cho những phụ nữ đa đoan”.

Sau album này, Ngọc Quỳnh đã có kế hoạch về album thứ hai dự định sẽ trình làng trong năm 2011 và tổ chức chương trình riêng cho mình, mà trước mắt là ở một số phòng trà.

Hiện nay, Ngọc Quỳnh cùng chồng có một văn phòng tư vấn về nhập cư và đầu tư vào Australia tại TP.HCM, còn trở lại con đường ca hát như để thỏa mãn ngọn lửa đam mê đã âm ỉ từ tuổi ấu thơ.

Bình Minh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN