TTVH Online

Mắt “thần kỳ” cho người mù

09/11/2010 14:04 GMT+7

Các nhà khoa học Đức vừa giới thiệu một thiết bị nhân tạo, khi cấy vào mắt bệnh nhân khiếm thị có thể giúp họ khôi phục khả năng nhìn ngắm thế giới bên ngoài.

(TT&VH) - Các nhà khoa học Đức vừa giới thiệu một thiết bị nhân tạo, khi cấy vào mắt bệnh nhân khiếm thị có thể giúp họ khôi phục khả năng nhìn ngắm thế giới bên ngoài. Ít nhất 3 bệnh nhân khiếm thị đã lấy lại một phần thị lực sau khi được cấy ghép thiết bị kể trên.

Thiết bị được đánh giá là “một tiến bộ chưa có tiền lệ” trong hoạt động hỗ trợ người khiếm thị nhìn trở lại và có thể giúp thay đổi mang tính cách mạng cuộc sống của khoảng 200.000 người bị tổn thương từ một căn bệnh thoái hóa mắt gọi là viêm võng mạc sắc tố. Căn bệnh mang tính di truyền này làm cho các cơ quan cảm thụ ánh sáng trong mắt ngừng hoạt động, gây nên hiện tượng mất thị lực.

Máy móc hỗ trợ mắt sinh học


Thiết bị trợ giúp nằm trong mắt của một bệnh nhân khiếm thị

Thực tế, các nhà khoa học đang làm việc cho Công ty Retinal Implant AG, kết hợp với Viện Nghiên cứu mắt thuộc Đại học Tuebingen của Đức, đã chế tạo ra một thiết bị cấy ghép đặc biệt gắn vào trong mắt và giúp đảo ngược tác động xấu của căn bệnh.


Thiết bị này là một con chíp rất nhỏ chạy pin có kích cỡ 3mm x 3mm và chứa trên nó 1.500 cảm biến ánh sáng. Thiết bị được cấy vào ngay dưới võng mạc và đóng vai trò thay thế trực tiếp cho các cơ quan cảm nhận ánh sáng đã bị hỏng. Bởi được cấy vào trong mắt nên thiết bị sử dụng chính khả năng xử lý hình ảnh của mắt, theo sau giai đoạn tiếp nhận ánh sáng, để tái tạo lại hình ảnh đời thực. Hình ảnh thu nhận được qua đó rất ổn định và hoàn toàn tuân theo chuyển động mắt của bệnh nhân.

Theo các nhà khoa học, 3 bệnh nhân đã có thể nhìn thấy hình dạng của nhiều vật thể, chỉ vài ngày sau khi được phẫu thuật cấy ghép thiết bị. Một người thậm chí còn có thể nhận dạng và tìm kiếm các vật thể được đặt trên một cái bàn trước mặt anh ta. Ngoài ra, bệnh nhân này còn có thể đi lại trong phòng một cách độc lập, tiếp cận với nhiều người, đọc được mặt đồng hồ và phân biệt 7 cấp độ khác nhau của màu xám. Cần biết rằng các cấy ghép trước đó nằm ngoài võng mạc của bệnh nhân và thường phải sử dụng một máy ghi hình cùng một máy tính nhỏ để bệnh nhân nhìn thấy khung cảnh bên ngoài.

“Kết quả của dự án nghiên cứu mang tính thử nghiệm này đã đem tới những chứng cứ mạnh mẽ cho thấy rằng khả năng thị lực của các bệnh nhân khiếm thị do mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố có thể được phục hồi tới mức đủ để họ có thể sinh hoạt bình thường” - GS Eberhart Zrenner, Chủ tịch Bệnh viện mắt Đại học Tuebingen tuyên bố. Ông cũng cho rằng những thiết bị cấy ghép như thế có thể mang trả lại ánh sáng cho người khiếm thị nói chung, dù rằng việc phổ biến những thiết bị như vậy còn phải mất rất nhiều thời gian. GS Robert MacLaren, một chuyên gia về mắt ở Đại học Oxford đánh giá đây là một nghiên cứu mang tính đột phá. “Nó giống như việc giúp cho ai đó bị liệt hoặc chấn thương cột sống có thể đứng dậy và bước đi trở lại vậy” - ông nói.

Hàng loạt hướng cứu người khiếm thị

Ngoài hướng đi mang tính đột phá trên, nhân loại hiện cũng đang tìm kiếm và hoàn thiện nhiều giải pháp khác nhằm trả lại ánh sáng cho người khiếm thị. Đơn cử như việc các nhà khoa học Australia đã nuôi tế bào gốc trên các cặp kính áp tròng và tin rằng chúng có thể cải thiện đáng kể thị lực của các bệnh nhân bị tổn thương giác mạc và là liệu pháp chữa nhiều căn bệnh gây mù lòa thông thường.


Một bệnh nhân đang phân biệt các đồ vật sau khi được phẫu thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ

Tháng 9 năm ngoái, các nhà khoa học thuộc Đại học ĐH Washington, Mỹ, đã lần đầu điều trị thành công bệnh mù màu ở khỉ bằng phương pháp cấy gene. Kết quả này hứa hẹn sẽ mang lại hy vọng cho hàng triệu người bị tật mù màu và bệnh thoái hóa hoàng điểm ở mắt. Cũng như ở người, những con khỉ bị mù màu cũng không thể phân biệt được giữa màu đỏ và màu xanh. Chúng chỉ nhìn thấy màu đỏ và xanh như một màu xám mà thôi vì bị thiếu những gene để nhận biết những màu này. Chúng cũng không thể phân biệt được một số màu khác như giữa màu cam, xanh da trời và nâu.

Để điều trị bệnh mù màu ở khỉ, các nhà khoa học đã tiêm hàng triệu gene giúp nhận biết mầu sắc bị thiếu, vào mắt của hai con khỉ đực bị bệnh mù màu, có tên là Sam và Dalton. Sau 4 tháng, khả năng nhận biết màu sắc của những con khỉ này đã được cải thiện đáng kể và đã phản ứng rất nhanh với những màu sắc mà trước đây chúng không thể nhận biết được. Công nghệ này cũng có thể được áp dụng trong việc điều trị các bệnh về mắt do gene gây ra, như thoái hóa hoàng điểm, mù do bệnh đái tháo đường...

Tháng 7 năm ngoái, anh Martin Jones người Anh, bị khiếm thị 12 năm, đã lần đầu tiên nhìn thấy vợ nhờ cuộc phẫu thuật đặc biệt. Anh hỏng thị lực sau một tai nạn lao động, khi bị chiếc bồn nhôm nóng vỡ rơi vào mắt. Nhờ một cuộc phẫu thuật đặc biệt ở Trung tâm y tế Sussex tại Brighton, Jones đã có thể nhìn lại. Các bác sĩ đã cấy ghép một phần chiếc răng nanh của Jones vào lớp da dưới mí mắt. Chiếc răng trở thành giá đỡ thấu kính giúp anh nhìn lại được.

Gia Bảo
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN