TTVH Online

Sống chung với… vỡ đê bao

09/11/2010 14:10 GMT+7

Tối mùng 7/11, gần 20 mét đê bao rạch Đỉa (phường Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị vỡ do nước triều lên cao, hàng chục ha đất canh tác, hàng trăm hộ dân KP2, 7, 8 phường Hiệp Bình Chánh, KP4 phường Tam Bình chới với trong biển nước.

(TT&VH) - Tối mùng 7/11, gần 20 mét đê bao rạch Đỉa (phường Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị vỡ do nước triều lên cao, hàng chục ha đất canh tác, hàng trăm hộ dân KP2, 7, 8 phường Hiệp Bình Chánh, KP4 phường Tam Bình chới với trong biển nước sâu hơn 1 mét.

Từ 6h sáng ngày 8/11, lực lượng cứu hộ quận 1, 9, Thủ Đức và Bình Thạnh thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã điều động 6 xe chữa cháy, nhiều máy bơm để hút nước. Tuy nhiên, đến 10h nước chỉ rút khoảng 20 cm, toàn bộ khu vực KP2, 7, 8 phường Hiệp Bình Chánh, KP4 phường Tam Bình vẫn còn lênh láng nước.

Nước triều luôn phá kỷ lục
 
Có mặt tại KP7, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức sáng ngày 8/11, toàn bộ tuyến đường trong khu vực này nước vẫn còn ngập sâu khoảng 0,8 mét và hầu hết những căn nhà tại nơi đây vẫn còn tràn đến 2, 3 tấc nước. Những chiếc máy bơm của lực lượng cứu hộ đang hoạt động hết công suất để bơm nước thoát ra rạch Đỉa.


Vẫn cười tươi chờ nước rút

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, địa chỉ số 22, KP7, phường Hiệp Bình Chánh cho biết: “Lúc 8h tối, nước dâng cao và tràn vào nhà rất nhanh. Tôi chỉ kịp đưa chiếc quạt máy lên trên giường, kê được tủ lạnh lên trên chiếc bàn nhựa và tắt cầu dao điện. Còn những vật dụng khác như: ghế, tủ thì để mặc cho nước nhấn chìm. Tôi sống ở đây hơn 3 năm rồi mà đây là lần đầu tiên nước ngập cao như thế”.

Được người dân hướng dẫn, chúng tôi lần theo con đường ngập sâu trong nước dắt qua KP4 phường Tam Bình, một số hộ dân trồng cây cảnh, cây mai đều lắc đầu ngán ngẫm vì tất cả cây cảnh đều ngập chìm trong nước. Anh Nguyễn Văn Lắm, ngụ tại KP7, chủ nhân của hơn 10 chậu mai “chiến” tặc lưỡi nói: “Hơn 10 chậu mai “chiến” mà tôi ngày đêm chăm sóc giờ bị ngập hết, tôi đang lo sợ mấy cây mai này bị thối gốc thì coi như tiêu luôn. Chắc Tết năm nay không có hoa mai rồi”.

Bi đát hơn là trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, ngụ tại KP4, do nằm ngay khu vực trũng nên nhà chị ngập sâu gần 1,5 mét nước. Tài sản quí giá nhất của gia đình chị là chiếc giường tre, tấm chiếu và vài bộ quần áo được “di tản” lên bờ đê tránh “lũ”. Chị Tâm cho biết: “Đêm qua, nước ào vào nhà nhanh không kịp trở tay, gia đình tôi chỉ kịp đưa nhanh cái giường bằng tre này lên bờ đê cho khỏi bị ướt. Đêm qua, cả nhà tôi phải nằm ngủ trên bờ đê mặc cho muỗi đốt”.

Vụ vỡ đê bao rạch Đỉa đêm 7/11 đã gây nhiều thiệt hại về vật chất và sức khỏe của người dân. Chị Ngô Thị Ánh Hồng, đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh bức xúc nói: “Nhà tôi mới vừa mua hơn 4 container vôi về để chuẩn bị bón lót, ủ phân bò. Thế mà nước triều cường lên cao hơn 1,5 mét đã tràn vào làm hư toàn bộ số vôi, gây thiệt hại hơn 160 triệu đồng. Ai sẽ bồi thường những thiệt hại này cho tôi ?”

Tương tự, ông Phạm Văn Ấm, ngụ tại KP2, nhìn hơn 3,5 ha ruộng rau muống đang bị úng thối do ngâm nước quá lâu. Ông Ấm buồn nói: “Từng đó rau, tính sơ sơ tui cũng bị mất gần 50 triệu đồng chưa kể việc bị mất mối lái”.


Lực lượng cứu hộ đang triển khai máy bơm nước

Liên tục vỡ đê

Ông Trần Quang Hải, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết: Vụ vỡ đê bao xảy ra đêm 7/11, trên địa bàn phường có khu phố 2, 7, 8 bị ngập hoàn toàn trong nước. Ngay trong đêm, chính quyền đã huy động lực lượng tiến hành khắc phục vị trí bị vỡ, đồng thời gia cố các vị trí đê bao bị rạn nứt, có nguy cơ bị vỡ, tràn nước và dùng máy bơm để rút nước. Tại phường Tam Bình, toàn bộ KP4 cũng bị chìm trong nước. Đến sáng ngày 8/11, việc gia cố các vị trí bị vỡ đã được khắc phục xong.

Những đợt vỡ đê bao thường xảy ra vào những tháng cuối năm, như cuối năm 2009, đoạn đê bao bị vỡ tại KP5, phường Hiệp Bình Chánh, đã làm cho các nông hộ trồng hàng ngàn cây mai chuẩn bị cho dịp Tết Canh Dần (2010) phải điêu đứng vì ngập úng, gây thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, gần đây nhất vào tháng 9, 10, hàng loạt vụ vỡ đê bao rạch Bá Hộ, Giao Khẩu... diễn ra liên tiếp tại phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, quận 12 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân. Đơn cử như vụ vỡ đê bao rạch Giao Khẩu ngày 30/10 vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến 500 hộ dân đang sinh sống, không chỉ nói đến thiệt hại về tài sản như gần 500 chiếc máy bơm nước bị hư hỏng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do môi trường sống bị đe dọa. Được biết, các hộ dân sinh sống tại phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân hiện còn phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt, khi vỡ đê bao, nước ô nhiễm sẽ xâm nhập vào nguồn nước giếng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nơi đây.

* * *

Đã từ nhiều năm qua, tình trạng ngập lụt do triều cường là chuyện chẳng xa lạ gì đối với người dân TP.HCM. Đây là hệ lụy của việc phát triển một đô thị “manh mún”, hệ thống kênh rạch bị san lấp, không quan tâm đến việc xây dựng hồ điều tiết nước. Dự án cải tạo môi trường nước TP với tổng mức đầu tư lên đến 800 triệu USD để giải quyết vấn đề tiêu thoát nước, nhưng đến nay dự án sắp hoàn thành, song TP vẫn bị ngập nước khi triều cường và mưa lớn. 

Giao thông rối loạn và nguy hiểm

Trong ngày 6 - 7/11, nhiều khu vực qua đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) nước ngập sâu 60 - 70cm gây kẹt xe nhiều giờ. Hàng loạt các phương tiện đứng chờ nước rút khiến giao thông trở nên rối loạn. Dòng người không thể di chuyển trong cảnh nước ngập hơn nửa bánh xe và ùn tắc đã lan rộng sang các tuyến đường xung quanh. Bên cạnh đó, đường Phú Định (đoạn qua quận 8), đường 3/2, Lê Hồng Phong (quận 10) nước tràn lên mặt đường và gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Trong sáng ngày 8/11, tuyến đường Lạc Long Quân, Tân Hóa (quận 11) (hướng đi về đường 3/2 - quận 10), Quốc lộ 13, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) nước vẫn chưa rút hết, tình trạng kẹt xe đã tiếp tục diễn ra, nhiều người không thể đến nơi làm việc đúng giờ.

Hiện thành phố vẫn còn tồn tại những “lô cốt” đáng lý ra là phải rút từ lâu nhưng đến nay vẫn còn “nằm ì” như: dự án cải tạo môi trường nước trên tuyến đường Phạm Văn Hai (đoạn giao với đường Cách mạng tháng 8), Lũy Bán Bích, Âu Cơ (quận Tân Phú), Hòa Bình (quận 10), Bà Hom (quận 6)... Chưa kể đến chuyện sau khi hoàn thành công trình thì việc tái lập mặt đường rất cẩu thả, không trả lại hiện trạng mặt đường như ban đầu để xảy ra những “hố tử thần” mà dư luận bức xúc thời gian qua.


Anh Đức
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN