TTVH Online

Ông Nguyễn Vĩnh Hảo: Góp mai vàng dâng các nghĩa sĩ giải phóng Thăng Long

08/10/2010 13:40 GMT+7

Nhà sưu tập cổ vật, võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo đang âm thầm vận động người quen dâng những đóa mai vàng tại nơi đang thờ tự vong hồn những nghĩa quân Tây Sơn tử trận được an táng hơn 200 năm trước.

(TT&VH) - Ông âm thầm vận động người quen để dâng những đóa mai vàng tại nơi đang thờ tự vong hồn những nghĩa quân Tây Sơn tử trận được an táng sau cuộc chiến giải phóng thành Thăng Long hơn 200 năm trước. Đó là cách kỷ niệm Thăng Long tròn 1.000 tuổi và tri ân nghĩa quân Tây Sơn của nhà sưu tập cổ vật, võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội


Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo

Ông Nguyễn Vĩnh Hảo nổi tiếng với việc sưu tập cổ vật, đặc biệt là dòng gốm Chăm Gò Sành ở Bình Định. Đến thành phố Quy Nhơn, hỏi bảo tàng gốm Gò Sành do ông Hảo làm chủ ở đâu thì bất kỳ người dân nào cũng có thể chỉ đường.

Thế nhưng, trên cả việc sưu tập những hiện vật cổ xưa, ông Vĩnh Hảo còn là người chú trọng đến các giá trị tinh thần do tiền nhân để lại.

Chương trình Những đóa mai vàng dâng chùa Kim Sơn đang được ông Hảo và các cộng sự thực hiện nhằm tri ân các tử sĩ quân Tây Sơn trong trận chiến Đống Đa đánh đuổi quân Thanh khỏi thành Thăng Long năm nào.

TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà sưu tập cổ vật, võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo về chương trình này.

“Tôi hy vọng càng có nhiều người góp công, góp của để vườn mai và ngôi nhà gỗ kịp hoàn thành vào ngày mừng chiến thắng Đống Đa - mùng 5 Tết Tân Mão sắp tới” - (Tâm sự của Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo).

* Thưa võ sư Vĩnh Hảo, tại sao ông chọn chùa Kim Sơn để dâng những đóa mai vàng?


- Lễ Vu lan vừa rồi (Rằm tháng 7 Âm lịch), vô tình tôi đến chùa Kim Sơn thấy tấm bia ghi công tích của nghĩa quân Tây Sơn khiến tôi nhớ đến hịch của Hoàng đế Quang Trung cho dân quân hai phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi trong việc đánh ngoại bang. Là một người con của đất Quy Nhơn, trong tôi dâng lên lòng thương cảm khôn nguôi. Tôi không ngờ rằng, ngôi chùa được xếp hạng di tích văn hóa quốc gia vào năm 1985, nằm ngay trung tâm Hà Nội lại là đền thờ nghĩa quân Tây Sơn tử vong trong trận Đống Đa. Cho đến nay, có bao nhiêu người biết xung quanh ngôi chùa từng là nơi chôn cất hàng vạn sinh linh nghĩa quân Tây Sơn?! Giờ “vật đổi sao dời” chỉ còn lại ngôi chùa Kim Sơn nhưng tôi tin rằng vong linh nghĩa quân Tây Sơn vẫn còn trú ngụ nơi này.

Tôi xin phép sư thầy chùa Kim Sơn thực hiện một vườn mai vàng trong khuôn viên nhà chùa nhằm góp phần đem hương sắc quê nhà phương Nam sưởi ấm cho những nghĩa quân xưa kia đã gửi nắm xương tàn nơi đất Bắc. Sư thầy đã hoan hỷ đón nhận thiện tâm của chúng tôi.


Vườn mai dâng nghĩa quân Tây Sơn đã đến chùa Kim Sơn hôm Rằm tháng 8 Âm lịch
* Ông đã thực hiện chương trình nghĩa tình này được đến đâu rồi?

- Những đóa mai vàng dâng chùa Kim Sơn được Bảo tàng gốm Chăm Gò Sành đề xướng, khởi công Rằm tháng 8 (22/9 Dương lịch) tại chùa Kim Sơn ở 73 Kim Mã, Q.Ba Đình, Hà Nội, tức chỉ sau khi tôi đến viếng chùa đúng 1 tháng trước đó.

Chương trình có 3 hạng mục chính: Một vườn mai vàng khoảng 100m2, một ngôi nhà gỗ theo phong cách nhà lá mái Bình Định khoảng 20m2 và một tấm bia đá từ Bình Định chở ra cao 1,5m, ngang 1m, dày 0,4m đặt trong ngôi nhà gỗ.


Xe chở những cây mai chuẩn bị khởi hành ra chùa Kim Sơn (Ba Đình, Hà Nội)
trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung (Tây Sơn, Bình Đình)
Tất cả kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Qua 1 tháng vận động, bảo tàng đã nhận được sự ủng hộ của một số vị có uy tín, như: ông Nguyễn Nam Khánh (một cây mai lấy gốc từ quê Tây Sơn), ông Nguyễn Trung Tín (một cây mai lấy từ vườn nhà), ông Tô Tử Thanh (một cây mai lấy từ huyện Phù Mỹ), ông Vũ Hoàng Hà (một chuyến xe chở mai từ Bình Định ra Hà Nội trị giá 10 triệu đồng). Cả 4 vị vừa nêu tên đều nguyên hoặc đương là Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, cụ bà Huỳnh Thị Đàm (92 tuổi) ở xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, Bình Định cũng đóng góp 1 triệu đồng và nhiều người nữa.

Tôi hy vọng càng có nhiều người góp công, góp của vào công trình này để kịp hoàn thành vào ngày mừng chiến thắng Đống Đa - mùng 5 Tết Tân Mão sắp tới. Tôi muốn nhiều người cùng tham gia, bởi nghĩa quân Tây Sơn đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng thành Thăng Long hơn 200 năm trước phải được toàn thể người Việt nhớ ơn và tự hào chứ không phải riêng ai.

* Xin cám ơn ông!

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN