TTVH Online

Văn hóa Thăng Long từ điểm nhìn Hà Nội 2010 (Bài kết): Phong thủy tầm nhìn chiến lược cho tương lai Hà Nội

06/10/2010 06:25 GMT+7

Một ngàn năm trước, Lý Công Uẩn đã chọn Thăng Long, vùng đất phong thủy thuận lợi, với thế tựa núi nhìn sông, rồng chầu hổ phục làm nơi đế đô muôn đời.

(TT&VH Cuối tuần) - Một ngàn năm trước, Lý Công Uẩn đã chọn Thăng Long, vùng đất phong thủy thuận lợi, với thế tựa núi nhìn sông, rồng chầu hổ phục làm nơi đế đô muôn đời. Từ đó tới nay, tính đắc địa của mảnh đất này đã nhiều lần được phân tích và ca tụng. Tuy nhiên, phong thủy là tiềm năng, phát huy được hay không lại do con người. Đức năng thắng số, một vùng đất không thuận lợi mà biết cách phát triển vẫn có thể vươn lên, trong khi nhiều nơi thuận lợi đủ đường mà chủ quan vẫn cứ là trì trệ, lạc hậu. Tri nan hành dị, lịch sử loài người đã có quá nhiều minh chứng cho những con người, những vùng đất, quốc gia vươn lên từ việc ý thức được khó khăn, trong khi những điều kiện mỹ mãn lại dẫn tới suy vong. Vì vậy, dù đúng hay sai thì bản thân việc ca tụng phong thủy Hà Nội đẹp đẽ, trân quý thế nào thực tế có hại nhiều hơn lợi. Điều quan trọng là làm gì để phát huy được tiềm năng của thiên nhiên, hòa quyện được văn hóa, truyền thống vào đó để trở thành thế mạnh cho tương lai.

Đất - Nước; Sơn - Thủy

Dù là hình thế gì thì trong phong thủy nói chung và truyền thống văn hóa Việt Nam nói riêng cũng luôn tồn tại cặp khái niệm Đất - Nước hay Sơn - Thủy. Ở vùng cao thường hay nói là sơn thủy, ở đồng bằng thì quan niệm đất nước. Tuy nhiên, phong thủy có nói tại bình địa cao một tấc cũng là sơn, vì vậy hai cặp khái niệm này có thể coi là một. Phong thủy tốt ắt phải có một sự cân bằng và hài hòa giữa hai yếu tố này. Cân bằng tất nhiên không có nghĩa là diện tích bề mặt phải bằng nhau, mà là sự tương quan lực lượng. Châu thổ sông Hồng nói chung và vùng đồng bằng Hà Nội nói riêng dù sao vẫn là một vùng đất thấp, với sự hiện diện thường trực của nước. Cư dân vùng này có văn hóa sống rất gần nước, nhưng lại không hẳn là hòa đồng như những người dân Nam bộ sống theo mùa nước nổi, mà luôn có nỗ lực trị thủy. Câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh thể hiện rõ thiên hướng phù Sơn lấn Thủy trong một ngàn năm qua. Tuy nhiên, khi nước bị lấn át quá đáng thì thế cân bằng sẽ bị phá vỡ. Dù một thế phong thủy ban đầu có đẹp mấy cũng cạn nguồn sinh lực. Vả lại, rồng vốn gốc từ nước, làm chủ hành Thủy. Bởi vậy, câu chuyện của ngàn năm tới có lẽ phải bắt đầu từ một truyền thuyết cứu hộ Thủy Tinh chăng?


Một góc thành Hà Nội năm 1884
Sơn chầu thủy tụ

Phong thủy Thăng Long có thế sơn chầu thủy tụ rất rõ ràng, điều này ai cũng đã biết. Như vậy, thế đất này vốn không phải chỉ loanh quanh một vùng hành chính thủ đô, mà có những mạch lạc cơn cớ từ rất xa. Vượng khí của thủ đô do đó cũng rất phụ thuộc vào việc gìn giữ được tiềm lực thiên nhiên từ đầu nguồn, đó chính là gìn giữ long mạch, giống như cây muốn ra trái ngọt không thể chặt phá cội rễ. Những năm gần đây, vùng cao phía bắc bị tàn phá nhiều, trên thì san núi chặt rừng, dưới thì ngăn sông đào mỏ, chắc hẳn không thể không có ảnh hưởng tới phong thủy của thủ đô. Trong các nguồn sơn thủy tụ về Thăng Long thì mạch chính là dãy Hoàng Liên Sơn và sông Hồng lại có khởi nguồn ít nhất từ Vân Nam, có nghĩa là vượt khỏi địa phận hành chính của nước ta. Muốn bảo vệ đầu nguồn ắt phải có những thỏa thuận liên quốc gia dưới dạng một tiểu vùng sinh thái, tương tự như tiểu vùng sông Mê Kông. Dù sao đi nữa thì một chủ đề quan trọng của Thăng Long ngàn năm sau ắt sẽ phải là bảo vệ đầu nguồn. Không làm được điều này thì thế đất có đẹp mấy cũng chỉ còn là một cái xác không hồn mà thôi.

Thăng Long

Nước ta trước đó lấy Hoa Lư làm kinh đô, chủ yếu vì lý do dễ thủ khó công. Từ đó mà ra chỗ đất rộng phẳng định đô, lấy sự hội tụ tinh hoa bốn phương làm ý tưởng chủ đạo là một bước trưởng thành vượt bậc, từ một tư duy phiên quốc núi rừng thành một tư duy thiết lập đại quốc, có thể nói ứng với con rồng từ dưới khe núi bay lên giữa trời vậy. Dù cho ý tưởng này có thể được gợi ý bởi địa thế phong thủy có dáng rồng bay nào đó, nhưng rõ ràng cái ý chí lập quốc này mới thực là Thăng Long. Trở lại vấn đề phong thủy, Thăng Long là địa thế hội tụ văn minh, nhưng chưa chắc là linh địa có thể phát sinh nhân kiệt. Lịch sử ngàn năm qua đã chứng tỏ điều đó tương đối rõ. Mặc dù điều kiện kinh tế, văn hóa ở kinh đô đứng đầu nước nhưng nhân tài xuất chúng đa số có xuất xứ từ những vùng khác chứ không phải trực tiếp từ kinh thành. Sự thịnh suy của Thăng Long rất phụ thuộc vào việc nhân tài có được thu hút về đây hay không.

Kinh Dịch, sau quẻ Bĩ là khó khăn, khốn đốn tiếp đến quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân, đó chính là đạo lý về sự hội tụ tinh hoa, đại đồng thế giới, cũng là cái đạo của văn minh Thăng Long. Thế nào là Đồng Nhân, Đồng Nhân có phải là tập thể, là cào bằng không? Tất cả những chi tiết, lời Kinh Dịch chú giải rất rõ. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh một lần nữa: Đạo lý lập quốc của Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô, cũng sẽ là đạo lý sống còn của Thăng Long ngàn năm sau chính là hai chữ Đồng Nhân.

Hậu Thăng Long

Ý tưởng Thăng Long tuy là một tầm nhìn rất hào sảng, khí phách của Lý Công Uẩn, nhưng dù sao cũng là một quan niệm rất đặc trưng phong kiến. Trong hình ảnh đó, thủ đô là đầu rồng của cả nước, nhà vua lại là đầu của thủ đô. Vai trò của thủ lĩnh là hết sức chủ chốt, bởi vậy hào quẻ Càn ứng với hình ảnh này là Phi long tại thiên có thêm Lợi kiến đại nhân. Về mặt không gian đô thị, đầu rồng này ứng với hoàng thành, địa điểm, hướng của các cổng thành, đại điện, ngai vàng... Ngày nay, với cùng một quan điểm tương tự, người ta bỏ rất nhiều tâm huyết vào việc xác định vị trí phong thủy cho một trung tâm hành chính quốc gia, nhà quốc hội, phủ thủ tướng, trục thần đạo... trong quy hoạch thủ đô. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi nhiều. Từ thể chế quân chủ, toàn thế giới đã chuyển sang thể chế dân chủ. Nếu vẫn cố chấp bám lấy hình tượng Thăng Long thì khó tránh khỏi rơi vào thế Kháng Long hữu hối. Đạo lý của thời dân chủ ứng với hình tượng “Kiến quần long vô thủ” trong hào Dụng cửu quẻ Càn. Tương ứng với đạo lý đó, đô thị hậu Thăng Long sẽ là một tổng thể rất phức tạp, đa chiều, đa tâm, đa năng, đa phương tiện, đan xen với nhau tầng tầng lớp lớp như một bầy rồng uốn lượn trong mây chứ không phải là một cấu trúc hắc bạch phân minh, lấy trung tâm hành chính làm lõi thay cho hoàng cung ngày xưa.

TS.KTS Phó Đức Tùng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN