TTVH Online

Cải cách hành chính phải có dân tham gia

30/09/2010 11:10 GMT+7

Hôm qua 29/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình cải cách hành chính công ở Việt Nam”.

(TT&VH) - Hôm qua 29/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình cải cách hành chính công ở Việt Nam”.

1. Hội thảo chỉ rõ, trong 10 năm qua, chương trình tổng thể cải cách Hành chính công Việt Nam (2001-2010) đã tạo được nhiều bước chuyển biến lớn trong hệ thống quản lý hành chính công góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy chương trình còn chưa tạo được cơ chế phù hợp để tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp cũng như chưa thiết lập được các quy trình giám sát có sự tham gia của người dân, trong khi đây là vấn đề quan trọng để công cuộc cải cách hành chính đạt hiệu quả tối ưu. 


Người dân tìm hiểu quy trình thủ tục cải cách hành chính. Ảnh: K.CHI
2. Năm 2008, dự án “Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình cải cách hành chính công tại Việt Nam” đã được triển khai tại 5 huyện thuộc 4 tỉnh gồm huyện Lộc Hà và huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh; huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên; huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu; huyện Eakar tỉnh Đắk Lắk. Với các hoạt động chính như công khai bản mô tả công việc cho những vị trí chủ chốt trong cơ quan nhà nước, thông tin cho người dân về cơ chế làm việc của công chức..., dự án hướng tới việc hỗ trợ cho người dân quyền được tiếp cận thông tin trong lĩnh vực hành chính. Đặc biệt các hoạt động về đánh giá công, phân tích ngân sách, kiểm toán xã hội được duy trì hoạt động thường xuyên ở các xã...

Tại các địa phương, các thành viên tham gia dự án đã được tham gia hoạt động phân tích ngân sách xã. Với kiến thức hạn chế, nhưng được sự hỗ trợ của dự án, đặc biệt là người dân đã được tham gia ý kiến vào việc xây dựng dự toán ngân sách xã hàng năm, được giám sát các quá trình thực hiện ngân sách xã.

Trước đó, chính quyền xã cũng chủ động trong việc công khai minh bạch các khoản thu chi ngân sách, lấy ý kiến của người dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhưng để người dân thực sự được có tiếng nói trong quá trình xây dựng và thực hiện ngân sách thì phải đến khi có hoạt động phân tích ngân sách xã với mong muốn, nguyện vọng và nội lực của nhân dân, thì khi triển khai cải cách hành chính, người dân mới có cơ hội để đóng góp.

TS Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ cho rằng, từ kết quả mô hình trên cho thấy khi người dân có ý thức về dân chủ, hành chính không những giúp dân có quyền nói tiếng nói của mình mà còn góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, góp phần đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.

Quốc Hoàn
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN