TTVH Online

Lụa (Bài 1): Tranh lụa từ truyền thống đến hiện đại

27/09/2010 07:51 GMT+7

Lối vẽ cổ là lối vẽ tượng trưng, không cốt mô tả sự vật theo mắt thường nhìn thấy. Lối vẽ thời hiện đại mang tính hiện thực áp vào tranh lụa, nên tranh lụa hiện đại có chất thơ nhất định...

Lụa


Bức Phụ nữ Hà Nội - Lê Thị Kim Bạch

Chuyên đề tuần này hoàn toàn không liên quan gì đến tác phẩm cùng tên - Lụa của nhà văn Alessandro Baricco từng rất được bạn đọc Việt Nam yêu thích (tác giả đã từng có mặt tại Việt Nam để giao lưu với độc giả hồi đầu năm nay), mà là một câu chuyện khác, đẹp và...buồn không kém: Tranh Lụa. “Tranh lụa suy vong”, “thời kỳ cáo chung của tranh lụa”, “còn ai tha thiết với lụa”… : chỉ cần gõ từ khóa “tranh lụa Việt Nam” trên Google, bạn sẽ nhận được vô số những “nhận định” như vậy. Khi được ướm hỏi, một nữ họa sĩ Hà Nội, từng chuyên chú vẽ lụa, công nhận: tranh lụa đang xuống dốc… Một họa sĩ khác cũng từng gắn bó với tranh lụa, còn thông báo cái tin nghe bàng hoàng hơn: khoa Lụa trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM có nguy cơ đóng cửa vì không có sinh viên! Còn họa sĩ gạo gội Nguyễn Thụ cũng nói ngay, sau tiếng cười nhẹ nhõm: “Cô cứ viết là tranh lụa chết rồi”!

Tranh lụa Việt Nam đã từng có thời kỳ vàng son với tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh, sau nữa là Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ… Nay, số lượng họa sĩ ngày càng nhiều, tỉ lệ thuận với số lượng các triển lãm mỹ thuật cá nhân, nhóm và triển lãm quy mô lớn. Một họa sĩ gắn bó với công tác giảng dạy tranh lụa 20 năm qua từng tổng kết: nhìn từ Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (định kỳ 5 năm) từ năm 1995 trở lại đây, sẽ thấy số lượng tranh lụa ngày càng ít dần và… tỉ lệ thuận với số lượng cũng như mức độ giải thưởng dành cho nó. Trong tương quan ấy, việc bi quan về sự tồn vong của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam hẳn là có cơ sở. Từ thực tế trên, Chuyên đề Lụa được thực hiện với mong muốn không chỉ điểm lại thành tựu mà còn cùng nhìn nhận lại các giá trị lâu bền của tranh lụa. Đó là điểm tựa để chúng ta giữ niềm tin về tương lai của thể loại hội họa này.

Tổ chức chuyên đề: PHONG VÂN

(TT&VH Cuối tuần) - Nếu giấy được phát minh ra trước lụa thì có lẽ tranh lụa không từng có vị trí đặc sắc trong nghệ thuật phương Đông như vậy. Nhưng cũng vì thế mà tranh lụa cũng thăng trầm như mọi chất liệu hội họa khác, vì nó cũng có những ưu thế và những hạn chế nhất định trong việc thể hiện tâm tư họa sĩ. Thời thượng cổ, người ta muốn viết chữ lên một bề mặt nào đó thành một văn bản thì chỉ có hai chất liệu phổ biến là tre và lụa, tiếng Hán gọi là trúc (tre) và bạch (lụa), sau này khái niệm trúc bạch cũng có nghĩa là lịch sử, như ghi tên vào tre lụa. Tất nhiên, người ta còn khắc chữ trên xương, trên mai rùa, khắc trên đồ đồng, viết trên da và vải sợi thô. Chữ và tranh cũng vốn cùng nguồn gốc, nên phương tiện viết chữ cũng là phương tiện vẽ tranh. Những bức tranh lụa đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc vào thời Tam quốc, Lục triều khoảng thế kỷ 3 sau Công nguyên, tất nhiên tranh lụa có thể được vẽ trước đó nhiều, nhưng lụa không phải là chất liệu bền theo thời gian, nên khó lưu giữ. Muốn lưu giữ lâu dài tranh lụa, thì người ta vẽ trên tấm lụa bằng các màu tự nhiên, nhưng không bồi, và cũng chỉ thi thoảng giở ra, nên có thể giữ nó trong một nghìn năm. Một nghề sao chép tranh và chữ cổ hình thành, cứ sau vài trăm năm, triều đình lại cho sao chép lại những bức họa và sách cổ.


Hạt thóc vàng - Nguyễn Thụ
Cũng như người Trung Hoa, người Việt Nam thời cổ cũng vẽ trên lụa và giấy. Nhưng thời phong kiến, hội họa vốn không phát triển ở nước ta, nên chúng ta chỉ còn lưu giữ được vài mươi bức tranh lụa vẽ chân dung thờ trong thế kỷ 19, bức tranh cổ nhất được cho là chân dung Nguyễn Trãi thế kỷ 15. Đến khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, năm 1925, các ông thầy người Pháp đã khuyến khích họa sĩ Việt Nam sử dụng hai chất liệu truyền thống là sơn mài và lụa để vẽ tranh, thì lụa được nhiều họa sĩ sử dụng, như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Quế, Lương Xuân Nhị, song chỉ có Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa một cách chuyên nghiệp cho đến tận cuối đời và hình thành một phong cách riêng độc đáo. Tuy nhiên, các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương và sau này không dùng màu tự nhiên nữa, mà dùng thuốc nước (water colour) vẽ trên lụa, sau khi vẽ xong thì dùng hồ và giấy bồi nền sau lưng tấm lụa. Hai cái này làm thay đổi căn bản kỹ thuật vẽ lụa cổ truyền. Vẽ bằng màu tự nhiên, người ta không rửa và chuốt mặt lụa quá nhiều, chủ yếu vẽ một lần được ngay, hoặc vờn ngay trên bề mặt. Còn vẽ bằng màu nước, thực chất là một kỹ thuật nhuộm lụa, màu thuốc nước ngấm vào trong thớ lụa, trở thành sợi nhuộm màu, chứ không ở trên bề mặt, và vẽ bằng kỹ thuật này người ta phải vẽ ẩm và rửa nước nhiều lần. Tính lung linh huyền ảo và các sắc độ trở nên tinh tế hơn vẽ khô. Tuy nhiên vẽ ẩm, các màu khác nhau cùng hòa tan trên mặt lụa, tạo ra một màu xám đen, dễ làm tấm lụa tối lại, về thực chất các tranh lụa hiện đại vẽ theo kỹ thuật ẩm càng để lâu càng xám lại. Một vấn đề nữa, các tranh lụa có bồi giấy, sau nhiều năm, chất hồ bị hủy, hủy theo cả giấy và lụa ở trên dưới. Có những bức tranh lụa ở trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chỉ mới hơn 50 năm, có nguy cơ vỡ vụn ra từng mảnh. Chúng tôi gọi đùa là “một đống tranh” hoàn toàn đúng theo nghĩa đen.


Ra đồng - Nguyễn Phan Chánh
Lối vẽ cổ là lối vẽ tượng trưng, không cốt mô tả sự vật theo mắt thường nhìn thấy. Lối vẽ thời hiện đại mang tính hiện thực áp vào tranh lụa, nên người ta cố gắng miêu tả không gian ba chiều, sương khói, hơi nước, cảnh vật êm êm nhiều sắc độ, nên tranh lụa hiện đại có chất thơ nhất định, và các họa sĩ cố thường tránh vẽ những màu tương phản mạnh, rất ít tranh lụa hiện đại dùng các màu xanh, trong khi tranh cổ lại dùng màu xanh nhiều. Những họa sĩ trẻ học lối lụa hiện đại cảm thấy khó khăn trong việc biểu hiện các tâm trạng hiện tại mà bị ràng buộc nhiều vào kỹ thuật nhòe mờ, thiếu tính đối chọi, và vẽ một bức tranh lụa thường phải rất công phu đến vài ba tuần, thậm chí hơn thế, mà hiệu quả không mạnh như tranh sơn dầu, giá bán cũng thấp hơn, nên họ không tha thiết với tranh lụa nữa.

“Cái gì là động lực thúc đẩy việc khai thác một chất liệu truyền thống? Đối với nghệ sĩ, đó là lòng tự hào dân tộc, hay đúng hơn, là ý thức dân tộc, ý thức về những truyền thống văn hiến của dân tộc mình. Ý thức dân tộc dâng cao là do những biến đổi tiến bộ trong lịch sử xã hội. Đặc biệt, khi diễn ra những biến đổi lớn lao, sức sống của dân tộc được đem ra thử thách, đối lập với những lực lượng bên ngoài, những lực lượng ngăn cản sự tiến bộ. Đó là những cuộc chiến thắng ngoại xâm, những thời kỳ hưng thịnh về kinh tế, những cuộc cách mạng, những cải cách có ý nghĩa xã hội lớn. Khi một dân tộc bộc lộ sức sống của mình về mặt đấu tranh cho tiến bộ xã hội, thì cũng đồng thời bộc lộ những truyền thống rực rỡ về văn hóa của mình. Những nghệ sĩ tự hào về những truyền thống đó, và tìm cách khai thác chúng, phát huy chúng lên. Họ tự ý thức về vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với dân tộc trong việc gìn giữ và phát huy những truyền thống.

Ở Việt Nam ta, thời nhà Trần thắng quân Nguyên, thời nhà nước phong kiến tập quyền được củng cố, ý thức dân tộc phát triển, thì ông Nguyễn Thuyên mới dám dùng tiếng Việt làm “chất liệu” cho thơ Đường luật để tạo nên thơ “Hàn luật”- tác phẩm nghệ thuật dân tộc. Không yêu thương người Việt Nam, không tự hào về họ, thì làm sao Nguyễn Du lại lấy được thơ lục bát dân gian mà đắp nên hình tượng nàng Kiều!

Gần đây hơn, trong nghệ thuật tạo hình của ta, không phải ngẫu nhiên mà những chất liệu ghi được nhiều thành công nhất lại là những chất liệu truyền thống: sơn mài, lụa... Trong cái ánh sáng tù mù mị dân của chính sách khai hóa thực dân, những họa sĩ yêu nước đã bắt đầu ý thức được về dân tộc mình. Ý thức dân tộc đó còn mơ hồ, có khi mang tính hoài cổ, khi mang màu sắc cải lương, khi nặng ý thức hệ tư sản... Song họ đã bắt đầu có ý thức về dân tộc và truyền thống văn hiến của “con Rồng cháu Tiên”, của “dòng giống Lạc Hồng”... Lòng tự hào đó cho họ đủ dũng cảm để khai thác sơn mài, vốn chỉ là một chất liệu thủ công, để làm tranh bày bên cạnh những bức sơn dầu, một chất liệu đứng hàng đầu với hàng mấy trăm năm lịch sử huy hoàng. Tủi hổ về thân phận người Việt Nam nô lệ mà vẽ Người đàn bà rửa rau (họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, bức tranh này có tên nguyên bản Rửa rau cầu ao - BT) âm thầm lên lụa cho thật trân trọng, thì đó cũng là dấu hiệu của một lòng tự hào dân tộc chân chính sẽ hình thành...”.

Họa sĩ Nguyễn Quân (Khai thác chất liệu truyền thống cho những đề tài đương đại, tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 5 & 6, năm 1978).


Họa sĩ Phan Cẩm Thượng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN