TTVH Online

Nguyễn Vĩnh Nguyên: Viết lại bức thư của… con bò

11/09/2010 15:03 GMT+7

“Câu chuyện về hai con bò khù khờ thích triết lí” là chủ đề chính của tác phẩm Đi tìm hoang dã (NXB Hội Nhà văn & Đông A, 8/2010) mà Nguyễn Vĩnh Nguyên muốn đem đến cho độc giả.

(TT&VH) - “Câu chuyện về hai con bò khù khờ thích triết lí” là chủ đề chính của tác phẩm Đi tìm hoang dã (NXB Hội Nhà văn & Đông A, 8/2010) mà Nguyễn Vĩnh Nguyên muốn đem đến cho độc giả. Nhà văn này nói rằng cảm hứng chính để làm nên tác phẩm là khi anh nhận một lá thư gửi từ nơi hoang dã (xem chi tiết ở trang 188), ký tên Bò Thị Út, anh chỉ “người hóa” lại ngôn ngữ của nó.


Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

* Một tác phẩm văn học phổ thông thì mọi người đều có thể đọc được, tại sao anh chỉ giới hạn độ tuổi cho độc giả thiếu nhi từ 8 đến 88,8?

- 8 đến 88,8 tuổi chỉ là một cách nói vui, tương đối, ngụ ý rằng, nó có thể dùng được cho thiếu nhi lẫn người lớn.

Tôi cũng chủ quan nghĩ rằng, một đứa trẻ bình thường từ khi biết nói bập bẹ đến khi biết đọc, rồi từ biết đọc đến 8 tuổi, có lẽ là khoảng thời gian hình thành trong đầu vô số những câu hỏi cơ bản để vặn vẹo làm cho người lớn bực mình (và chúng cũng ít khi hài lòng với những câu trả lời trầm trọng từ thế giới người lớn). Nhiều đứa trẻ tìm đọc sách để tìm kiếm và vui đùa với chính những câu hỏi chúng đặt ra mà ta vẫn gọi là thú vui tư duy.

Cũng với một “đứa bé” bình thường sau 88,8 tuổi, tôi nghĩ rằng phía trước nó là một khoảng nghỉ ngơi tuyệt vời. Giả như “đứa bé” đó còn chưa giải quyết xong các câu hỏi, thì (cũng chủ quan), tôi tin những vấn đề ngớ ngẩn của cuốn sách này là không cần thiết nữa.

* Động lực nào thúc đẩy anh chọn viết tác phẩm cho thiếu nhi lúc này - một “cái gu” có vẻ đi ngược lại thói quen viết văn của anh?

- Tôi có đọc một số tác phẩm văn học thiếu nhi trong và ngoài nước. Qua những sách đọc được, tôi nhận thấy sự khác biệt lớn giữa nhà văn trong và ngoài nước trong việc viết cho thiếu nhi đó là sự tìm kiếm lối viết, cách thể hiện.

Tôi không thích gán cho văn học thiếu nhi một số thuộc tính như: mộng mơ, trong trẻo, ngôn ngữ ngây ngô, cấu trúc đơn giản, nhất là chuyển tải những bài học một cách dễ dãi... Trong lúc đó, trên thực tế, văn học thiếu nhi là một địa hạt bao la để nhà văn phiêu lưu lối viết. Nếu anh đọc Haroun và biển truyện của Salman Rushdie - tác phẩm viết cho đứa con trai 10 tuổi của ông, hay trước đó rất lâu (1943), đọc Hoàng tử bé của Saint- Exupéry thì sẽ thấy, văn học cho thiếu nhi có khi là một thú vui tư duy không chỉ dành cho độc giả thiếu nhi mà còn thách thức cả những độc giả người lớn.

Từ lâu, tôi đã nghĩ là mình sẽ viết một cái gì đó cho thiếu nhi đọc, cũng từ “thói quen”, “cái gu” của tôi - thích sự thay đổi.


Bìa cuốn Đi tìm hoang dã
 * Việc chọn hai con bò để cho đi vào triết học, chắc không chỉ xuất phát từ một lý do đơn giản, những nguyên cớ của anh là gì?

- Tôi rất thích những cuốn sách thuộc về thú vui tư duy, triết học bằng tranh gần đây được cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng thiếu nhi Việt Nam rất cần trang bị những cuốn sách đó làm nền tảng tri thức. Về văn học, có lẽ chúng ta cũng thiếu những tác phẩm đem lại những trò chơi tư duy theo cách của văn học.

Còn nguyên cớ viết cuốn sách này, tôi được gợi ý tưởng khi đọc triết gia, nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss, tác giả cuốn Nhiệt đới buồn, ông nói đại ý rằng, con người như là sinh vật, và khi được thừa nhận là một sinh vật thì người ta sẽ bị giới hạn cái quyền bởi các loài sinh vật khác cùng chung sống trên địa cầu; ông không chống lại việc con người ăn thịt động vật, song, ông cũng cho rằng với tư cách là sinh vật thì con người khó có thể bao biện cho việc vì mình mà một loài sinh vật nào đó bị biến mất trên hành tinh này.

Và tôi đặt ra câu hỏi, liệu một con vật như con bò bị thuần hóa thì sẽ nhìn thế giới của sinh- vật - người như thế nào? Giả định chúng ý thức thì những khái niệm như: tự do, bầy đàn, bị chăn dắt... với chúng, sẽ là gì, ra sao...

* Theo ý kiến của một vài người đọc, tác phẩm của anh có nhiều lớp nghĩa phiếm chỉ và ẩn dụ. Là người đẻ ra tác phẩm có tính ngụ ngôn này, anh có thể tiết lộ một vài nghĩa phiếm chỉ mà anh muốn hướng đến?

- Như đã nói, tôi không chủ động quy định những “lớp nghĩa”, mà nó hoàn toàn chỉ thuộc về bạn đọc. Tác phẩm (giả định) là một bức thư của con bò gởi cho con người và tôi chỉ là người ghi chép lại theo ngôn ngữ con người. Tôi hiểu rằng người sở hữu tác phẩm cùng với “các lớp nghĩa” ấy là những bạn đọc. Cũng có thể, biết đâu họ sẽ thấy trong thế giới của những con bò thuần hóa có chút dáng dấp nào đó về cõi người mà mình đang sống hoặc những ý niệm tự do, hoang dã, hoang tưởng, bầy đàn, bị chăn dắt... của loài bò có chút tương đồng nào đó với con người chăng?

Văn Bảy (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN