TTVH Online

Vân Long - điểm du lịch sinh thái độc đáo

10/09/2010 07:37 GMT+7

Đầm Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có nhiều hang động độc đáo nên được nhiều du khách tìm đến.

Đầm Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có nhiều hang động độc đáo nên được nhiều du khách tìm đến. Cái nóng gay gắt ở thành thị thôi thúc chúng tôi tìm về đầm Vân Long, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Hành trình du ngoạn của chúng tôi bắt đầu từ bến thuyền nan nằm im lìm giữa một vùng trời, mây, nước bát ngát, cũng là trung tâm của đầm Vân Long. Người phụ nữ chèo thuyền chở chúng tôi tên là Lan, từng nhịp chèo nhẹ nhàng, khoan thai, chiếc thuyền của chị đưa chúng tôi ra giữa đầm nước phẳng lặng như gương, trong vắt in bóng núi, trời mây. Những đám liễu, năn, lác rậm rạp quá đầu người, phía dưới là thảm thực vật tràn đầy nhựa sống như tóc tiên, cây răng cưa, rong đuôi chó… càng làm cho cảnh sắc nơi đây thêm nguyên sơ. Mải ngắm nhìn những chú bìm bịp ngụp lặn, chúng tôi lọt vào trong một hang động lúc nào không biết.

Hang Bóng. Đó là hang Bóng, chiều dài hơn 100m, nửa chìm, nửa nổi, trên trần hang là cả một công trình kiến trúc của thiên nhiên với nhũ đá ngàn năm tuổi rủ xuống những hình dáng lạ kỳ. Sóng vỗ vào vách đá tấu lên những âm thanh như tiếng chuông ngân, như tiếng đàn cầm rủ rỉ. Hang không cao nên du khách có thể thoải mái lướt nhẹ tay trên những nhũ đá nhẵn mịn hay gồ ghề, mát lạnh...

Đích đến của cuộc hành trình là vịnh Kẽm Trăm. Ở đây có hai dãy núi dựng đứng như chiếc phi tiêu song song cắm giữa trời và nước. Khi thuyền vào vịnh, gió và sóng xô làm chông chênh cả tay lái của người chèo thuyền. Ngàn năm qua, sóng vỗ, gió thổi, khoét vào sườn núi tạo thành những hang, những mái đá sâu đến chục mét, ánh nắng phản chiếu vào vách đá, vào nước tạo nên những sắc màu lạ mắt. Cảnh tượng này gợi cho chúng tôi nhớ đến chuyện bác tiều phu già đã kể vài tiếng trước đó về những người kiếm củi ở Vân Long: trước đây thanh niên trai tráng thường hay lên núi kiếm củi, chiều đến họ lại gùi củi nhảy xuống dòng nước để về nhà trước khi trời tối. Bây giờ không còn người kiếm củi, nhưng thỉnh thoảng khách Tây vẫn hay xuống dòng sông này tắm.

Trời dần tắt nắng, bầu trời xanh hơn, chúng tôi không đi xe mà cuốc bộ trên con đê để hóng mát và tranh thủ ngắm cảnh dọc đường. Cứ một đoạn lại bắt gặp một anh chàng thả lưới bắt cá, hay bác chèo thuyền lùa đàn vịt về chuồng, cảnh đàn trâu, đàn bò nhẩn nhơ tắm mát, gặm cỏ…

Theo MTDL
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN