TTVH Online

Diego Maradona, bóng đá và cuộc đời (Kỳ 1): Dưới mái nhà đổ nát

22/08/2010 19:06 GMT+7

“Ở Argentina, cái tên Diego Armando Maradona đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, chỉ đứng sau Chúa và không hề thua kém Che Guevara. Hay nói một cách chính xác hơn, Maradona giống như một pho sách khổng lồ mà tất cả phải say mê tìm hiểu”*.

(TT&VH Cuối tuần) - “Ở Argentina, cái tên Diego Armando Maradona đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, chỉ đứng sau Chúa và không hề thua kém Che Guevara. Hay nói một cách chính xác hơn, Maradona giống như một pho sách khổng lồ mà tất cả phải say mê tìm hiểu”*. Những trang đầu tiên của pho sách ấy khởi nguồn từ Fiorito, ngôi làng nhỏ nằm ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires.


Maradona - Ảnh: Reuters

Nằm ở ngoại ô phía Nam Buenos Aires và cách trung tâm thủ đô Argentina không quá xa, nhưng ngôi làng Fiorito như thuộc về một thế giới khác. Trái với cuộc sống ngột ngạt và hào nhoáng của Buenos Aires, ở Fiorito chỉ có người dân lao động nghèo, những ngôi nhà dột nát cùng không ít mảnh đất bỏ hoang. Cuộc sống ở đây không được chính quyền thủ đô quan tâm, hay có thể nói trong mắt những quan chức cấp cao Fiorito không hề tồn tại. Không ít người phải bỏ xứ ra đi nhằm đổi đời, trong khi những ai ở lại phải đấu tranh để tìm kiếm từng miếng ăn.

Những đứa trẻ ở Fiorito ngoài các buổi học thì đối với chúng đồ chơi là thứ xa xỉ. Người lớn không có nhiều thời gian chăm sóc, nên chúng phải tự tìm cách để tạo nụ cười trên những gương mặt có dấu hiệu già trước tuổi. Với trẻ em ở Fiorito, trái bóng tròn là vật mang đến cho chúng niềm vui lớn nhất. Hàng chục đứa trẻ trong làng vẫn thường tụ tập trên khu đất trống để chơi bóng mỗi buổi chiều, sau giờ tan học. Chúng chơi cho đến tối mịt, khi mặt trời đã lặn và không thể nào nhìn thấy quả bóng thì mới chịu ra về, đồng thời không quên hẹn nhau cho cuộc đấu ngày hôm sau.

Trong mắt người dân Fiorito nửa sau thập niên 1960, Diego Maradona là đứa trẻ đặc biệt nhất. Với thân hình nhỏ bé, Diego luôn làm cho người đối diện phải liên tưởng đến một đứa trẻ đầy bệnh tật và đau yếu. Đúng là cậu bé Diego ấy rất dễ dàng bị quật ngã khi thời tiết thay đổi, hoặc tốn quá nhiều sức cho các trận “thư hùng” giữa những đứa trẻ trong làng, giữa trời hè nắng gắt. Nhưng ngược lại, Diego luôn là “ngôi sao” với khả năng điều khiển quả bóng rất ấn tượng, cùng tốc độ vượt trên cả những bậc “đàn anh” trong làng.

Để trở thành “ngôi sao” của Fiorito, Diego tập luyện bất cứ khi nào có thể, từ chợ, trường học cho đến trục đường tàu duy nhất chạy qua làng. Thứ mà Diego dùng để thay thế bóng có thể là cam, giẻ lau, hoặc bất kỳ vật gì khác mà cậu bé nghĩ rằng mình có thể tung hứng trên bắp đùi. Mới 6 tuổi, Diego đã là trụ cột của E’toile Rouge (Ngôi sao đỏ), một trong những đội bóng thống trị các giải đấu mà ngôi làng Fiorito tổ chức. Xuất thân ở vị trí hậu vệ, nhưng Diego luôn thích biến mình thành tiền đạo, trước khi quyết định “chạy lăng xăng và trở thành cầu thủ tự do. Chỉ có tự do thì tôi mới phát huy hết điểm mạnh của mình”**.

Là con của một trong những gia đình nghèo nhất làng, sống dưới mái nhà cũ kỹ đến mức nó có thể đổ sập xuống chỉ sau một cơn giông, nhưng Diego vẫn tự hào mà không chút mặc cảm. Diego đã sống trong ngôi nhà mà sau này anh gọi là “pháo đài vững chắc và sang trọng” ấy bằng thứ tình cảm thiêng liêng của gia đình gồm 10 miệng ăn. Trừ bố mẹ và 7 anh chị em của mình, Diego không quan tâm Mmaradonađến điều gì khác ngoài trái bóng. Với chú bé, trái bóng bị mất gần hết lớp da bên ngoài, được một người anh họ tặng trong dịp lên 3, là vật bất ly thân. Kể cả trong bữa ăn, bất chấp những lời nghiêm khắc của mẹ Tota, Diego vẫn ôm lấy quả bóng. Biết không thể ngăn cấm con trai, người mẹ đã chấp nhận cho chú bé để bóng bên cạnh trong mỗi bữa ăn, với điều kiện là rửa tay sạch sẽ.

Diego xem trái bóng cũ kỹ ấy như một người bạn, một thứ có thể làm thay đổi cuộc đời cậu, thay đổi cuộc sống của gia đình, chứ không phải việc cắp sách đến ngôi trường được xây bên cạnh bãi xe buýt mà ông bố Chitoro luôn kỳ vọng. Chính vì suy nghĩ ấy, Diego cực kỳ trân trọng quả bóng, và luôn tìm cách để điều khiển nó một cách ấn tượng nhất. Những đứa trẻ cùng chơi bóng với Diego rất nhiều lần phải tròn mắt thán phục trước kỹ năng xử lý bóng của cậu. “Ngôi nhà của tôi được thiết kế cửa ra vào bằng những sợi dây thép mà không bao giờ nó có thể che nắng được. Nếu trời mưa, đứng trong nhà đôi khi còn ướt hơn cả bên ngoài và chúng tôi phải tìm chỗ nào đó không bị dột để tụ tập vào đó. Nhưng dưới mái nhà ấy chúng tôi có những trái tim cùng nhịp đập. Cuộc sống của tôi khi ấy chỉ có bóng đá và bóng đá. Tôi muốn làm mọi thứ với bóng, đôi khi chẳng giống ai. Nếu không có bóng đá, cuộc sống của tôi không biết sẽ đi về đâu”**.

Ước mơ cháy bỏng của Diego là được trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở cái làng nghèo đói như Fiorito, dù cách Buenos Aires không xa cũng chẳng có bóng dáng một nhà tuyển trạch nào. Cho đến mùa Hè 1969, không lâu trước khi bước vào sinh nhật lần thứ 9, cuộc đời Diego Maradona mới rẽ sang một hướng mới cực kỳ quan trọng. Goyo Cazziozo, một anh lớn trong làng, nhận được thông báo tập huấn để lựa chọn nhân tài của Argentinos Juniors. Trước ngày tập trung, Goyo rủ Diego đi cùng, bởi lúc này CLB Argentinos đang rất khát tài năng trẻ. Đắn đo mãi, Diego mới dám tâm sự với mẹ và nhận được sự đồng ý của bà. Sau đó, bố Chitoro đã quyết định bớt khoản tiền cơm của gia đình để mua vé tàu cho Diego đi cùng Goyo.

Những chuyên gia tuyển lựa tài năng trẻ của Argentinos Juniors ban đầu không tin độ tuổi của Diego, bởi gương mặt già hơn những đứa trẻ đồng trang lứa, và nhất là cơ bắp phát triển quá ấn tượng (nhờ việc tập luyện thường xuyên bằng cách giúp mẹ xách nước). Không mang theo bất kỳ giấy tờ cá nhân nào, Diego phải rất vất vả để thuyết phục các HLV của đội trẻ Argentinos Juniors, cùng cam kết sẽ sớm nộp giấy tờ để chứng minh tuổi (nếu không sẽ bị loại). Sau cuộc tuyển chọn, Diego là một trong những đứa trẻ chiến thắng và chính thức trở thành cầu thủ của Los Cebollitas, tức đội trẻ Argentinos Juniors. Nước mắt giọt ngắn giọt dài trên gương mặt đứa bé chưa tròn 9 tuổi. Mọi nóc nhà ở Fiorito nhanh chóng biết tin Diego trúng tuyển vào Los Cebollitas, nhưng gần như không một ai nghĩ rằng đây là sự khởi đầu để trở thành thiên tài của cậu bé mà họ vẫn gọi là Pelusita, trừ gia đình người công nhân khuân vác Chitoro…

…Dưới mái nhà ấy chúng tôi có những trái tim cùng nhịp đập. Ccuộc sống của tôi khi ấy chỉ có bóng đá và bóng đá. Ttôi muốn làm mọi thứ với bóng, đôi khi chẳng giống ai. Nếu không có bóng đá, cuộc sống của tôi không biết sẽ đi về đâu”.

Diego Maradona


Ngọc Linh (Tổng hợp) -
Kỳ 2: Thiên đường Boca Juniors
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN