TTVH Online

Hôm nay khai mạc giải bóng chuyền Cúp PV-Đạm Phú Mỹ lần thứ 2: Khi Siêu Cúp hết “siêu”

20/08/2010 11:14 GMT+7

Sau lần ra mắt rình rang giải Siêu Cúp QG lần đầu tiên vào năm 2009 nhưng chất lượng giải đấu lại không “siêu” như chính cái tên gọi của nó, năm nay, BTC đã đổi lại tên gọi của sân chơi này.

(TT&VH) - Sau lần ra mắt rình rang giải Siêu Cúp QG lần đầu tiên vào năm 2009 nhưng chất lượng giải đấu lại không “siêu” như chính cái tên gọi của nó, năm nay, BTC đã đổi lại tên gọi của sân chơi danh giá bậc nhất trong hệ thống thi đấu thường niên (2009-2013) của Liên đoàn bóng chuyền VN (VFV). Nói như ông TTK Trần Đức Phấn thì: “Thay đổi như thế cho phù hợp”, nhưng ai cũng hiểu, việc đổi tên “Siêu Cúp” cũng là tránh những lời bàn ra tán vào, khi mà BTC giải đang phải đối mặt với khá nhiều nỗi lo trong lần tổ chức lần này.

Lo… vỡ sân

Sau lần tổ chức thành công bảng B của giải VĐQG mùa giải 2009, Hà Tĩnh tiếp tục được VFV trao vinh dự đăng cai. Vốn là một tỉnh nghèo của miền Trung nhưng mỗi lần có giải thể thao lớn được tổ chức tại đây, không khí của người dân Hà Tĩnh luôn vui như ngày hội. Sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả nhà khiến BTC “mát mày mát mặt” nhưng cũng đem lại không ít phiền toái, do Nhà thi đấu chỉ có sức chứa khoảng 2.000 chỗ ngồi, trong khi lượng người đổ về mua vé luôn gấp 3-4 lần.
Các VĐV bóng chuyền VN có quá ít các trận
thi đấu đỉnh cao trong 1 năm
Rút kinh nghiệm, ở mùa giải năm nay, ngoài việc huy động tối đa lực lượng an ninh tại các địa điểm “nóng” như: cổng bán vé, cổng ra vào, khán đài, nơi ăn nghỉ của các đội…BTC quyết định đẩy giá vé lên thành 50.000 đồng (trước là 30.000 đồng) và chỉ cho phép mỗi người mua 1 vé, tránh tình trạng “ôm” vé để tung ra chợ đen. Ngoài ra, BTC giải cũng cho người hâm mộ mua theo hình thức đặt trước (số lượng theo quy định). Bên cạnh đó, việc kiểm tra và xử lý nạn vé giả cũng được BTC làm rất chặt chẽ bởi tại những giải gần đây, vé giả đã xuất hiện ngày một nhiều và tinh vi hơn.

Dấu hỏi chất lượng

Đây chính là vấn đề mà các nhà chuyên môn và người hâm mộ quan tâm nhất ở giải đấu năm nay. Sự lo lắng là hoàn toàn có cơ sở, khi những giải từng được chờ đợi sẽ gây tiếng vang như Cúp Hùng Vương, Giải thưởng lớn, Cúp Đức Long Gia Lai…đều gây thất vọng tràn trề về chất lượng chuyên môn.

Theo TTK Trần Đức Phấn, các VĐV bóng chuyền VN có quá ít các trận thi đấu đỉnh cao trong 1 năm và thường khoảng 17 trận. Mục tiêu của VFV là phải tạo thêm nhiều sân chơi để giúp các VĐV có từ 25-35 trận, thậm chí cao hơn nữa để tăng cọ xát và tích luỹ kinh nghiệm.

Ông Phấn nói không sai nhưng việc tổ chức một giải đấu không đúng thời điểm, hay nói cách khác, việc sắp xếp lịch thi đấu không hợp lý sẽ bị phản tác dụng. Tại giải “Giải thưởng lớn” kết thúc cách đây không lâu, ông Phấn đã phải nhận xét giải chỉ thành công 60%. Đó là đánh giá hơi cao bởi xuyên suốt giải, 16 đội mạnh nhất giải VĐQG thi đấu như vô hồn, có những trận chẳng khác gì giải phong trào. Điều này đã được dự báo từ trước khi nhìn vào danh sách đăng ký thi đấu của các đội, vì đa số đều tung ra đội hình 2, còn ngoại binh cả giải cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cũng vì những gì đã diễn ra trong suốt thời gian qua, nhiều người không khỏi băn khoăn về giải đấu lần này. Còn rất nhiều nhiệm vụ nặng nề với các đội ở phía trước, như vòng 2 giải VĐQG, ĐH TDTT toàn quốc…và tất cả có thể chỉ xem giải này như một sự khởi động hay “thử lửa” cho tuyến trẻ. Mục đích như vậy thì chất lượng như nào thì ai cũng rõ.

GIA MINH
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN