TTVH Online

Hội Điện ảnh VN: Kiến nghị bảo hộ “điện ảnh nội địa”

07/08/2010 11:33 GMT+7

Hội Điện ảnh VN đã chính thức gửi lên Đảng, Chính phủ và lãnh đạo ngành bản kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển nền điện ảnh Việt trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách bảo hộ nền điện ảnh dân tộc.

(TT&VH) - Đầu tháng 8 này, Hội Điện ảnh VN đã chính thức gửi lên Đảng, Chính phủ và lãnh đạo ngành bản kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển nền điện ảnh Việt trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách bảo hộ nền điện ảnh dân tộc.


Đừng đốt - một bộ phim sản xuất bằng nguồn tài trợ
1.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá hoạt động điện ảnh, đồng thời hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật (như: phim trường, hệ thống rạp chiếu...), các dự án đào tạo, sáng tác, sản xuất, phổ biến phim..., Hội Điện ảnh VN cho rằng, Chính phủ cần có chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa.

Có quan điểm cho rằng, chính sách bảo hộ điện ảnh của Hàn Quốc là bài học sinh động cho chúng ta. Tại Hàn Quốc, nguyên tắc chủ yếu của những chính sách này là không hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất phim. Chính phủ gần như “thả nổi” hoạt động này cho các tập đoàn, công ty lớn... Bộ Văn hoá chỉ nắm một hội đồng phân loại phim trước khi phát hành. Song lĩnh vực vĩ mô đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và chi phí lớn như đào tạo nhân lực, xây dựng trường quay, lập quỹ hỗ trợ các nhà làm phim độc lập... thì chính phủ lại đóng vai trò then chốt.

Theo NSƯT Đặng Xuân Hải, tân Chủ tịch Hội, Nghị định 54/2010/NĐ-CP vừa chính thức có hiệu lực đầu tháng 7/2010 vừa qua cũng như Nghị định 96/2007/NĐ-CP trước đây đều có những quy định khuyến khích phim nội với những tỉ lệ chiếu bắt buộc. Tuy nhiên, với thực lực nền điện ảnh của ta hiện nay, việc bảo hộ phải được cụ thể hoá bằng các chính sách, như: Tiếp tục tài trợ ổn định trong thời gian phù hợp để nuôi dưỡng và phát triển vững chắc sự nghiệp điện ảnh thông qua các hình thức đặt hàng, tài trợ...; Khẳng định vai trò của công đoạn đưa phim nội tới khán giả mà trước hết cần cải tạo, nâng cấp hệ thống rạp cũ, đầu tư xây dựng các cụm rạp mới ở đô thị...; Ban hành văn bản pháp quy xác lập cơ chế phối hợp và điều chỉnh mối quan hệ hợp tác giữa điện ảnh và truyền hình...

Ngoài những chính sách bảo hộ nói trên, Hội Điện ảnh VN cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngành cần khẩn trương hoạch định chiến lược tổng thể phát triển nền điện ảnh nước nhà, phấn đấu xây dựng một nền công nghệ điện ảnh hiện đại, đồng bộ, chuyên nghiệp, hướng tới khán giả và nhanh chóng hoà nhập cùng xu thế của điện ảnh thế giới...

2. Khác với tất cả Hội văn học - nghệ thuật, các kiến nghị cho ngành này được Hội Điện ảnh gửi tới các cơ quan chức năng kể từ ĐH lần thứ VI, năm 2005.

Còn nhớ, Hội này đã có bản kiến nghị 14 điểm rất cụ thể về: Nghiên cứu cải tiến quản lý ngành điện ảnh theo hướng liên thông khép kín từ khâu sản xuất tới khâu chiếu bóng, từ trung ương tới địa phương; Ban hành cơ chế chính sách rõ ràng, nhất là về vấn đề sở hữu ở từng loại hình: hãng phim nhà nước, hãng phim tư nhân, công ty cổ phần...; Có chính sách ưu đãi tài năng; Tiến tới xây dựng phim trường tại các thành phố lớn; Thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất và chiếu phim; Xây dựng cơ chế phối hợp điện ảnh - truyền hình; Thành lập Nhà xuất bản điện ảnh; Thực hiện thu phí phát sóng các tác phẩm điện ảnh... Tuy nhiên, sau 5 năm, hầu hết những điều này vẫn chưa thể thực hiện!!!

Thế mới biết rằng, khoảng cách từ mong muốn tới thực tế nhiều khi rất, rất xa.

Thu Hằng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN