TTVH Online

Philippines: Cả một “làng nghề” chế tạo súng ống

19/07/2010 10:51 GMT+7

Thị trấn nhỏ Danao nằm ở tỉnh Cebu của Philippines có vẻ ngoài tĩnh lặng nhưng che giấu bên trong nó hàng loạt trung tâm sản xuất súng tự chế, với những người thợ lành nghề có khả năng sao chép bất kỳ mẫu súng nhỏ nào trên thế giới.

(TT&VH) -Thị trấn nhỏ Danao nằm ở tỉnh Cebu của Philippines có vẻ ngoài tĩnh lặng nhưng che giấu bên trong nó hàng loạt trung tâm sản xuất súng tự chế, với những người thợ lành nghề ở đây được đánh giá là có thể sao chép bất kỳ mẫu súng nhỏ nào trên thế giới.

“Tự chế” cả M-16 và AK-47

Người bán hàng ăn mặc bình thường đứng sau sân nhà ông ta ở miền trung Philippines với một món hàng duy nhất: một khẩu súng lục bắn đạn 0.45 ACP được gói kỹ trong một tờ giấy báo thấm dầu. Nhân vật này thực chất là một thợ sản xuất súng trái phép ở thị trấn nhỏ Danao, đang giới thiệu với phóng viên hãng tin AFP một khẩu súng lục mới được ông ta cho ra lò. Tại Danao, những thợ sản xuất súng như thế này không hiếm và họ vẫn cặm cụi lao động trong các cửa hàng bí mật, theo đuổi một truyền thống đã trải dài qua nhiều thế hệ.


Một khẩu súng KG-9 nhái gắn ống giảm thanh được sản xuất tại Danao
Hoạt động sản xuất súng ở Danao bắt đầu từ các phong trào sản xuất vũ khí mang động cơ yêu nước, nhằm giúp trang bị súng đạn cho du kích chống phát xít Nhật trong Thế chiến thứ 2. Tới nay, Danao đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất súng trái phép ở Philippines với khoảng 1/10 trong số 100.000 cư dân của thị trấn có liên quan trực tiếp tới ngành công nghiệp này. Nhu cầu sở hữu bản sao của các loại súng nổi tiếng trên thế giới ở Philippines lớn tới mức nhiều nông dân trong thị trấn đã bỏ nghề làm ruộng, đánh bắt cá và trồng mía đường để trở thành thợ súng.

Họ chuyển qua làm súng còn về lý do kinh tế. Nghề nông chỉ vài trăm peso một ngày, hoàn toàn không thể so sánh được với thu nhập từ việc bán một khẩu súng. Giá một khẩu súng lục ổ xoay với chất lượng cao hiện được bán với giá 80 USD/ tương đương vài tuần lương. Còn những loại súng trường tấn công như KG-9, nhái theo mẫu súng được lính đặc nhiệm SEAL của Mỹ sử dụng, có thể lên tới 370 USD một khẩu.

Không có máy móc công nghiệp hiện đại, các thợ súng trái phép ở Danao thường dùng những công cụ hết sức cơ bản để đẽo gọt, tiện, khoan, mài giũa kim loại thành vũ khí. Họ thường sử dụng sắt từ các điểm rã xác tàu biển để làm thân súng. Đan phần nòng súng được làm từ ống dẫn khí đốt hoặc ống nước. Tùy kích cỡ ống, người ta có thể làm nhiều loại súng khác nhau, đủ để bắn các loại đạn 9mm, .380 (9,6mm), .357 (9,06mm) và đạn súng săn cỡ 12.

Dựa vào phương thức chế tạo vũ khí thô sơ như vậy nhưng khi hoàn thành, các sản phẩm của Danao vẫn có khả năng giết người hiệu quả. Bắt đầu từ những khẩu súng lục ổ xoay được biết tới tới tên "paltiks", các thợ súng đã sao chép cả súng trường tấn công như M-16 và AK-47 cho tới các loại tiểu liên như Uzi và Ingram.

Một số người thậm chí còn biến đổi thiết kế gốc để súng bắn với tốc độ cao hơn và mang nhiều đạn hơn. Các loại súng này cũng có thể được thay đổi để gắn ống giảm thanh và các phụ kiện quang học giúp bắn chính xác hơn.

Bán tràn lan

Súng ống sản xuất tại Danao được tiêu thụ khá mạnh. Khách tới mua súng phải thanh toán bằng tiền mặt. Họ có thể là chính trị gia, quân nhân, cảnh sát hoặc đơn giản là những người dân thường. Súng được mua để tự vệ hoặc dùng làm quà tặng.


Bên trong một xưởng chế tác súng trái phép tại Philippines
Tuy nhiên không hiếm khi súng rơi vào tay bọn tội phạm và các đạo quân tư nhân nằm dưới sự quản lý của các "lãnh chúa" hiện đại.

Do đặc điểm sản xuất thủ công, những loại súng này rất khó lần ra nguồn gốc. Hồi năm 2007, AFP đã làm một cuộc điều tra và thấy rằng các khẩu súng "nhái" này thậm chí còn lọt vào tay lực lượng Yakuza ở Nhật và một số tổ chức tội phạm khác ở Đài Loan (Trung Quốc). Súng ở Danao đã góp một phần không nhỏ vào số lượng hơn 3 triệu khẩu đang được lưu hành dọc trên đất Philippines. Việc súng ống tràn lan cũng được coi là nguyên nhân chính đằng sau các vụ giết người liên quan tới chính trị trước mỗi dịp bầu cử ở nước này.

Điều đáng nói là chính phủ Philippines không cho phép sản xuất súng bất hợp pháp nhưng hoạt động làm súng ở Danao vẫn phát triển mạnh. Do không có khả năng cung cấp điều kiện sống tốt hơn cho cư dân, chính quyền địa phương và quân đội đã nhắm mắt làm ngơ. Bản thân những người thợ cũng tuyên bố họ làm súng chỉ vì "miếng cơm manh áo".

Bài toán khó cho chính quyền

Một thợ súng tự xác định danh tính là Jose tâm sự: "Chúng tôi chỉ làm nghề này để sinh nhai, vì đồng tiền cả. Nếu có thể nuôi gia đình bằng nghề khác, chúng tôi sẽ làm".

Jose Thaddeus Roble, thư ký của thị trưởng Danao, thừa nhận một số sản phẩm của các thợ súng địa phương có thể đã lọt vào tay tội phạm. Tuy nhiên ông khẳng định bản thân các thợ súng không phải nguyên nhân gây ra các vụ phạm tội liên quan tới súng. "Còn tùy vào việc súng rơi vào tay ai nữa" - Roble nói.

Ông cho biết nhà chức trách hiện đang cố gắng tập hợp các thợ súng bất hợp pháp vào một tổ chức theo mô hình hợp tác xã để tiện quản lý họ. Súng đạn do những người này làm ra sẽ được đưa vào một nhà kho nằm dưới sự giám sát của Đơn vị quản lý súng và chất nổ thuộc Cảnh sát quốc gia. Sau đó các khẩu súng sẽ được bán cho cửa hàng bán lẻ hoặc cơ quan an ninh. Cách thức này sẽ khiến hoạt động sản xuất súng được quản lý và vũ khí sẽ không rơi vào tay bọn tội phạm, Mô hình hợp tác xã này hiện đã có tới 300 thành viên.

Tuy nhiên rất nhiều thợ súng khác đã từ chối tham gia do sợ lộ danh tính và mất đi sự tự do trong việc tiêu thụ sản phẩm, qua đó vô tình kéo dài sự tồn tại của thế giới ngầm súng đạn ở Danao.


Tường Linh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN