TTVH Online

Trò chuyện với Đặng Thái Sơn (Kỳ 2): "Tôi hiểu nỗi đau của Chopin"

15/07/2010 16:09 GMT+7

Trước giờ ra biểu diễn Đặng Thái Sơn thường niệm câu thần chú “bữa nay là bữa biểu diễn cuối cùng trong đời”. Đó là cách để người nghệ sĩ tài năng này chế ngự sự hồi hộp.

(TT&VH) - Trước giờ ra biểu diễn Đặng Thái Sơn thường niệm câu thần chú “bữa nay là bữa biểu diễn cuối cùng trong đời”. Đó là cách để người nghệ sĩ tài năng này chế ngự sự hồi hộp.

Bởi vì tôi yêu tôi

* Ông thường làm gì để chuẩn bị tốt nhất trước mỗi buổi biểu diễn của mình? Và điều gì làm ông hài lòng nhất sau mỗi đêm diễn?
 
- Chuẩn bị thì ai cũng có chuẩn bị nhưng có lẽ lần nào ra biểu diễn tôi cũng cảm thấy run. Run là vì mình yêu mình quá. Bởi nếu mình chơi dở, người ta sẽ chê và điều đó làm tổn thương đến tự ái của mình. Chắc chỉ có là thánh thì mới quên đi cái sự run ấy nhưng mình là người trần nên tôi nghĩ tốt nhất là phải biết cách ngự trị được sự hồi hộp theo hướng tích cực để có thể chơi đàn bằng sự hứng thú.

Gần đây thì tôi hay dùng “chiêu” niệm thần chú. Trước giờ ra biểu diễn tôi thường dùng câu niệm “bữa nay là bữa biểu diễn cuối cùng trong đời”. Nhưng thực tế thì lần nào cũng là bữa diễn cuối cùng, đó là cách tôi đánh lừa bản thân. Vì đây là vấn đề về tâm lý nên mỗi người sẽ có một cách giải quyết riêng. Có lúc tôi lại sử dụng phương pháp thiền. Vì khi run, tim hay đập loạn và tay bị lạnh, thiền giúp mình điều hòa nhịp thở, máu lưu thông. Ngồi thiền một lúc là tay trở nên ấm dần.

Sau mỗi đêm diễn, điều hài lòng nhất đối với tôi không phải là những tràng vỗ tay. Đó sẽ không phải là thước đo cho sự thành công nếu bạn đến Nhật Bản, bởi ở đó họ không thể hiện sự tán thưởng bằng những tràng vỗ tay hay nói “bravo, bravo”. Họ chỉ nói được hay không được.

Điều khiến tôi cảm thấy hài lòng, đó là khi những mong muốn của mình được thực hiện trong đêm diễn, đó là khả năng bộc lộ bản thân của tôi đến đâu.

* Cảm nhận của ông khi được gọi là “Người được Chopin chọn”? Ông có nghĩ điều đó đôi khi khiến mọi người chỉ biết đến mình với âm nhạc của Chopin không, trong khi ông vẫn chơi nhạc của những nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như Bach, Mozart hay Debussy?

- Có lẽ trong một xã hội phát triển, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến sự chuyên môn hóa cao và tôi nghĩ trong âm nhạc cũng vậy. Ở thời Chopin, người sáng tác và biểu diễn cùng là một người, nhưng sau đó họ tách dần ra theo sở trườngng. Vì thế, họ gọi những người chuyên chơi nhạc của một nhà soạn nhạc như tôi, là Chopinist – người chơi nhạc Chopin. Tôi thấy vui vì mình là một trong những người đại diện cho Chopinist quốc tế, hơn nữa lại được chính người dân Ba Lan - quê hương của Chopin đón nhận. Họ không chỉ đón nhận mình năm 1980 mà sau 30 năm, vào Gala kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin tháng 3 mới đây, có 3 pianist toàn cầu được chọn để biểu diễn thì trong đó họ mời tôi. (Các nghệ sỹ trình diễn hôm đó gồm có Lý Vân Địch - người Trung Quốc, đoạt giải năm 2000, Garrick Ohlsson - người Mỹ, đoạt giải năm 1970 và Đặng Thái Sơn - đoạt giải năm 1980).


Đặng Thái Sơn biểu diễn trên sân khấu
Tôi hiểu nỗi đau của Chopin

* Ông và Chopin có mối liên hệ nào khi hai người sống ở hai thời đại khác nhau và cách xa nhau mấy đại dương?

- Nhạc của Chopin xuất phát từ nội tâm nên chứa đựng nhiều tình cảm. Nhạc của Chopin không chỉ có một màu về cái đẹp, cái vui mà độ buồn đau cũng rất kinh khủng. Nếu ai đã từng đọc về cuộc đời của Chopin thì thấy, thuở nhỏ người nghệ sỹ tài hoa này cũng đẹp đẽ, dễ dàng và hạnh phúc, nhưng đến thời thanh niên đã suy sụp vì sức khỏe yếu. 20 tuổi, Chopin rời Ba Lan sang Pháp và sống nửa đời người trong tâm trạng nhớ xứ sở, cảm thấy bị lạc lõng vì xa quê hương. Nhưng quan trọng vẫn là vì tình hình sức khỏe của ông không đảm bảo. Tuy nhiên, trong con người ông luôn có sự tranh đấu giữa một thể chất yếu và bệnh tật với một lý trí mạnh mẽ và kiên định. Chính vì thế, chơi nhạc của Chopin cần phải hiểu được nỗi đau ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn nhà soạn nhạc này. Âm nhạc của Chopin không phải là thứ âm nhạc hào nhoáng mà có những lúc rất gần gũi, thân mật.

Tôi nghĩ mình đến với âm nhạc của Chopin như thuận theo số trời. Mẹ tôi (nghệ sĩ piano Thái Thị Liên) cũng là người rất thích nhạc của Chopin. Khi còn đi sơ tán, vào những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu những tác phẩm nhỏ như Mazurka, Nocturne của Chopin. Tôi nghe và đã yêu thích từ đấy. Nhưng lúc đó điều kiện học thiếu thốn đủ thứ. Sách nhạc thì ít mà băng đĩa thì không có. Cho đến Concour Chopin năm 1970, khi mẹ tôi được mời sang làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có băng đĩa để học. Vậy là ngày đêm tôi chơi nhạc Chopin và âm nhạc của Chopin thấm dần vào máu mình từ đấy. Đó là một trong những bước quan trọng trong sự nghiệp của tôi.

* Và cuối cùng ông đã là “Người được Chopin chọn” và số phận đã gắn ông với Chopin…

- Tôi không nói đến mối liên hệ giữa tôi và Chopin nhưng tôi tự thấy mình có những điểm gần gũi với ông ấy. Ví dụ như chiều cao của tôi và Chopin tương đương nhau (1m60). Bàn tay của ông ấy và bàn tay của tôi cũng có kích thước như nhau. Nhờ những điểm tương đồng đó mà cách viết nhạc của Chopin đã đem lại nhiều thuận lợi cho tôi. Đó là về mặt kỹ thuật. Về tinh thần, ai cũng biết hồn nhạc của Chopin đầy chất thơ, lãng mạn, tinh tế và tế nhị. Và cách đàn của tôi cũng gần với sự lãng mạn.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là mình thấm được cái đau của Chopin. Suy cho cùng, cuộc đời của tôi không được thuận lợi so với các nghệ sỹ quốc tế khác. Sự trắc trở diễn ra từ cuộc sống hàng ngày đến những phức tạp trong gia đình. Gia đình tôi có nhiều luồng văn hóa khác nhau. Mẹ tôi sinh ở Sài Gòn, học trường Tây nên chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, còn bố lại là người rất truyền thống. Tôi cũng không hiểu tại sao hai ông bà lại lấy nhau, nhưng cuộc sống gia đình có nhiều mâu thuẫn. Năm 1976 là một năm định mệnh, vì khi quyết định cho tôi đi học nước ngoài, bố mẹ tôi đã ly dị. Tôi vẫn còn giữ tờ giấy li hôn của tòa, trong phần phân chia tài sản ghi rõ cha tôi được cái xe đạp thiếu nhi, mẹ tôi thì được mấy cái xoong nồi…

(Còn nữa)

Lưu Ngọc Minh - Trần Thế Vinh(thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN