TTVH Online

Tay chơi Tshamala Kahanga

10/07/2010 19:03 GMT+7

Tshamala không nhớ nổi mình đã ghi bao nhiêu bàn thắng cho ĐT.LA, kể từ khi được kéo trở lại đội 1 (mùa giải 2007), nhưng 2 bàn thắng ghi vào lưới B.BD cuối tuần trước, hẳn phải mang một ý nghĩa rất quan trọng…

(TT&VH cuối tuần) - Tshamala không nhớ nổi mình đã ghi bao nhiêu bàn thắng cho ĐT.LA, kể từ khi được kéo trở lại đội 1 (mùa giải 2007), nhưng 2 bàn thắng ghi vào lưới B.BD cuối tuần trước, hẳn phải mang một ý nghĩa rất quan trọng…

Cú đúp của Tshamala trong trận đại chiến với B.BD (vòng 17, V-League 2010) đã kéo “Gạch” thoát ra khỏi vũng lầy. ĐT.LA lội ngược dòng thành công, để giành chiến thắng với tỷ số 3 - 2.

Lại điệu nhảy lắc mông quen thuộc của các thổ dân Phi châu, sau mỗi bàn thắng ghi được như thế, nhìn rất đáng yêu. Tshamala Kahanga không đơn thuần là một sát thủ trên sân, anh còn là tay chơi thứ thiệt. Cái chất “chơi” không phải bao giờ cũng mang ý nghĩa xấu.

“Vũ điệu con công”

Co một chân lên, hai tay dang rộng như sải cánh đại bàng, Tshamala đứng lắc mông điệu nghệ hệt một vũ công ballet, trong tiếng nhạc Deejay Remix vừa đủ lớn để cảm nhận. Những chuyển động cơ thể của Tshamala đẹp như cách anh cầm quả bóng trong chân và tìm cách vượt qua đối thủ vậy. Nhắp ngụm bia và cười nói rôm rả. Đó là hôm ở Sailing Club, Nha Trang, sau trận đấu K.KH - ĐT.LA. Những lần khác chúng tôi còn bắt gặp nhau ở vài pub nhỏ, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, TP.HCM mỗi khi xả trại hoặc tiệc tùng.


Tshamala đã kịp ghi cho mình 6 bàn thắng trong 4 vòng đấu. Ảnh: Khang Huy   

Tshamala không uống nhiều. Cả buổi có khi chỉ chai bia lạnh hoặc ly cocktail, cho đúng với thông lệ của thực khách: Vào bar thì phải dùng đồ uống. Nhưng chàng trai trẻ người Congo (đã có vợ và con ở quê nhà) yêu âm nhạc đến mê muội. Có nhạc, là có “vũ điệu con công”. Ngoài năng khiếu thiên bẩm, hẳn Tshamala rất chịu khó học hỏi cộng đồng các vũ điệu Phi châu hoang dã, nên mới có thể nhảy đẹp và duyên đến thế. Anh bắt chuyện vài cô gái trẻ tóc vàng, rồi mời họ nhảy. Hiếm khi Tshamala bị từ chối.

“Nhiều người vẫn nghĩ, chắc tôi phải có rất nhiều bồ (cười). Nhưng thú thật, tôi không thích lăng nhăng. Tình yêu với gia đình là quá lớn và nó giúp tôi chống lại những cám dỗ. Tôi vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để đưa vợ con qua VN sinh sống. Tôi yêu xứ sở này…”, Tshamala nói say xưa bằng tiếng Việt khá chuẩn. Đáng ra, thời điểm này gia đình anh đã có mặt ở VN rồi. Nhưng những trục trặc trong vấn đề nhập tịch cho Tshamala, vào phút cuối, khiến cho kế hoạch bị gián đoạn.

Câu chuyện động trời

Có một chuyện mà Tshamala từng tâm sự trên TT&VH, có thể khiến người ta sẽ phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là lần anh nói về các ngoại binh dùng ma túy (sau “cái chết trắng” của đồng nghiệp Molina). Nhiều người thậm chí đã chuyển qua giai đoạn chích. Vừa kể với vẻ mặt rất nghiêm túc, Tshamala không quên kèm theo những động tác tay chân (ám chỉ những con nghiện đang chích ma túy: “Tôi không bất ngờ khi có thêm một cầu thủ nữa ra đi vì sử dụng ma túy”.

Theo Tshamala, có người đã trở thành con nghiện, trước khi qua VN chơi bóng. Số còn lại bị chính các cầu thủ bản địa cám dỗ. Nhiều người khác vẫn bay lắc suốt đêm, để rồi ra sân tập thì ngáp ngủ. “Bóng đá đem lại quá nhiều tiền cho cầu thủ và họ đã không giữ được mình. Các cầu thủ xa xứ như chúng tôi, nếu không có một tinh thần vững chắc, không có một cơ sở vững chắc để bám víu, rất dễ vướng vào ma túy”, Tshamala tiếp.

Bất chợt, Tshamala cảm thấy nặng lòng khi kể về những người cùng xuất xứ, đang sống ở VN. Họ không có một công việc ổn định và có thu nhập cao như anh, và giờ không có đủ tiền để hồi hương. Có người đã chết vì ma túy và căn bệnh thế kỷ. “Khi mới qua đây, họ nghĩ VN là thiên đàng. Nhưng rõ ràng bạn phải lao động cật lực. Những kẻ lười biếng rất dễ nhiễm những thói hư. Tôi không thích họ”, Tshamala tiếp tục những câu chuyện không hồi kết về Phi châu và về bóng đá.

Và cuộc chiến để trở thành số 1

Có một cuộc chiến âm ỉ tại ĐT.LA từ vài năm qua giữa Tshamala và Antonio. Hai người họ, không ai chịu ai, trong việc hoạch định tầm ảnh hưởng. Ai cũng muốn mình là số 1 trong mắt HLV và đồng đội. Ngoài yếu tố chiến thuật, không phải vô cớ mà Antonio và Tshamala luôn được sắp đá tiền đạo cánh đối lập nhau. Hiếm khi nào họ có một pha phối hợp ăn ý và chỉ trận đấu với B.BD vừa rồi là ngoại lệ, khi Antonio chuyền dọn cỗ để Tshamala dứt điểm quân bình tỷ số 2 - 2 (rồi chính Tshamala đánh đầu ấn định chiến thắng 3 - 2, sau cú đá phạt của Minh Phương).

Mới trở lại 4 vòng đấu đầu tiên ở giai đoạn 2, sau nửa mùa giải tập chay, Tshamala đã kịp ghi cho mình 6 bàn thắng, gấp 1,5 lần số bàn thắng của người đá cặp Antonio Carlos, ghi được kể từ đầu mùa. Điều đó nói lên tầm quan trọng của tiền đạo người da màu này, trên lộ tháo chạy khỏi nhóm cầm đèn đỏ của cựu vương ĐT.LA. Không còn nghi ngờ gì nữa, Tshamala Kahanga là tương lai của “Gạch”. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, có thể mùa giải sau, Tshamala Kahanga sẽ ra sân với tư cách một cầu thủ nội. Đó là Lê Minh Tshamala.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn và mỗi người cảm nhận sự hài lòng theo những cách không giống nhau. Với gã du mục người Congo, Tshamala Kahanga, thì sau hơn nửa thập niên ăn cơm Việt, uống nguồn nước Việt, được nuôi nấng - chăm bẵm để trở thành một sát thủ thực sự, dải đất hình chữ S đã như thể quê hương thứ 2 của mình. Tshamala tha thiết được nhập tịch, bởi nó có lợi cho chính anh và CLB. Còn bao điều ý nghĩa và cao thượng hơn nhiều những giá trị kim tiền, mà con người vẫn ngày ngày đeo đuổi.

TÙY PHONG
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN