TTVH Online

Cần xếp hạng di tích nhà thờ một thiên tài

09/07/2010 14:23 GMT+7

Thiên tài đó là nhà văn Vũ Trọng Phụng, người từ năm 16 tuổi cho đến khi giã từ cuộc đời lúc 27 tuổi đã viết nên những thiên tuyệt bút, với một khối lượng đầu sách khổng lồ.

(TT&VH) - Ngày 9/7/2010, tại làng Mọc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội - nơi nhà văn Vũ Trọng Phụng sống và viết trước khi mất - có một cuộc tọa đàm về di tích lăng mộ và Nhà lưu niệm nhà văn do Hội Di sản Văn hóa VN và Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp tổ chức. Đây là một hành động cần thiết để tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích tưởng niệm một thiên tài...


Chân dung Vũ Trọng Phụng

Đó là thiên tài văn chương Vũ Trọng Phụng. Vâng, ông là một thiên tài như nhiều nhà nghiên cứu văn học đã khẳng định. Không là thiên tài làm sao từ năm 16 tuổi cho đến khi giã từ cuộc đời lúc 27 tuổi, Người đã viết nên những thiên tuyệt bút, với một khối lượng đầu sách khổng lồ mà không một nhà văn lớn nào làm nổi?

Trong lời đề từ cho một cuốn sách của Vũ Trọng Phụng, nhà văn Vũ Bằng đã viết: “...Sở dĩ anh đạt tới chỗ đó là vì anh thiết tha thật tình với giai cấp bị bóc lột, anh là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa xã hội...”. Vâng! Nói như nhà thơ Tố Hữu: “Ông không phải là một nhà cách mạng, nhưng cách mạng biết ơn ông”.

Vũ Trọng Phụng qua đời vì bạo bệnh và nghèo khó cách nay hơn 70 năm. Những đóng góp của ông, thành tựu văn chương của ông đang được đánh giá, được vinh danh. Đất nước không có nhiều những thiên tài, những đóng góp lớn lao như ông. Vậy thì ít nhất có một nơi để lưu dấu tích ông, một nhà lưu niệm, một lăng mộ...

May thay người con rể duy nhất của nhà văn, ông Nghiêm Xuân Sơn năm nay gần 80 tuổi, người đã nặng lòng yêu mến kính trọng cha vợ của mình đã bỏ công sức sưu tầm tài liệu, tác phẩm, hiện vật... liên quan đến nhà văn và đang lập một nhà lưu niệm bên cạnh lăng mộ trên mảnh đất xưa nhà văn từng sống và viết những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi...


Tọa đàm tại gian lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng
Trở lại việc thành lập nhà lưu niệm và lăng mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhiều năm qua đã có những kiến nghị đề xuất hợp lý và cần thiết, nhưng vấn đề vẫn còn đặt trên bàn các cơ quan chức năng. Từ năm 2004 BQL Di tích Danh thắng Hà Nội đã có hồ sơ trích ngang đề nghị Cục Di sản văn hóa cho ý kiến. Rồi Phòng VHTT, UBND quận Thanh Xuân có văn bản đề nghị... Đặc biệt ngày 26/4/2010 Hội Nhà văn Việt Nam có công văn “đề nghị xếp hạng nhà thờ cố nhà văn Vũ Trọng Phung trở thành địa chỉ văn hóa vinh danh trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Tiếp đến ngày 11/5/2010, Cục Di sản văn hóa có văn bản 258 /DSVH - DT ”Đề nghị sở VH, TT&DL Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng kết hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu đề xuất trình UBND thành phố xem xét ra quyết định xếp hạng di tích...”.

Vấn đề đã được đồng thuận từ nhiều phía. Vấn đề kinh phí không đáng ngại, bởi theo ông Nghiêm Xuân Sơn - đại diện gia đình nhà văn - thì Nhà nước không phải bỏ kinh phí xây dựng. Thiết chế văn hóa này đã có gia đình đầu tư từ nguồn nhuận bút của nhà văn và đóng góp của gia đình. Việc quan trọng là cần một quyết định bảo vệ, để di tích được bảo vệ lâu dài không bị xâm hại. Thiết tưởng chính quyền và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sớm vào cuộc để nơi ấy thành di tích, thành một địa chỉ văn hóa của Thủ đô.

Đó là một di tích gắn với tên tuổi một thiên tài.

Việt Nhân
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN