TTVH Online

Nguyễn Thị Hậu – người xa Hà Nội yêu Hà Nội

07/07/2010 00:27 GMT+7

Ít người biết chị đã sống ở Sài Gòn hơn 30 năm vì chất giọng Hà nội “đặc sệt” của chị…

Không phải chỉ là thói quen, mà đây là chủ ý của Nguyễn Thị Hậu – như một bảo chứng về một mảnh đời sống mà chị không bao giờ quên – mảnh Hà Nội. Bao giờ chị cũng có hai quê, một – Chợ Mới,  An Giang, và một – Hà Nội.
Vào những năm 1954 – 1955, cha mẹ chị cùng hàng vạn người con Nam Bộ theo sự điều động của cách mạng đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin chỉ sau hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Nhưng mãi hai mươi năm sau, những người di cư vì công việc và thời cuộc ấy mới lại được đặt chân về quê hương… Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ của Nguyễn Thị Hậu – một thế hệ có hai quê, hai gốc rễ.
Năm 1975, thống nhất đất nước, Nguyễn Thị Hậu là cô gái Hà Nội 17 tuổi, bỗng nhận ra mình còn có một miền quê có thật, chứ không phải chỉ trong lời kể. Trong con người chị có sự nhẹ nhàng, tinh tế, thanh lịch của người Hà Nội, và sự mạnh mẽ, chân thành, thẳng thắn của người phương Nam.
Trong chị, ký ức về một Hà Nội nghèo khó mà nên thơ còn mạnh hơn nhiều người Hà Nội cùng thời, vì với chị, Hà Nội là kỷ niệm cần lưu giữ. Đó là những sớm mùa đông, tiếng tàu điện; tiếng ve mùa hè, là kem cốm Tràng Tiền; là hoa violet Hà Nội gần Tết, là đạn bom trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, là đi sơ tán…
Gặp chị giữa đám bạn bè văn nghệ, đọc tản văn và truyện ngắn của chị, không ít người ngạc nhiên khi biết chị là TS khảo cổ học có đóng góp nhiều cho việc  nghiên cứu Hoàng Thành – Thăng Long và giai đoạn tiền – sơ sử vùng đất Sài Gòn – TPHCM. Nhìn vẻ bình dân, xuề xoà của chị cùng bạn bè trong những quán cơm bụi, bên cốc bia hơi Hà Nội, khó hình dung chị hiện là phó giám đốc Viện Nghiên cứu – phát triển TP HCM và là nhà giáo (dạy ở Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều trường khác). Và tại Hội khoa học lịch sử Việt Nam – một Hội đang ngày càng khẳng định vị thế khoa học và tiếng nói trong đời sống hôm nay, chị là Phó tổng thư ký. Ở chị, chất hồn hậu, thực chất luôn khiến người ta gần gũi và quý trọng, trước hết như một người bạn hiểu biết, chứ không phải như là một nhà khoa học đạo mạo, càng không phải một quan chức diệu vợi, vốn nhan nhản ngoài đời.
Với Nguyễn Thị Hậu, lịch sử là đời sống với đầy đủ nghĩa. Chị say sưa nói về những phát hiện di tích di vật từ trong lòng đất và nghiên cứu sử liệu chữ viết đã phác dựng lại sự phát triển từ Chạ Chủ (làng Chủ) đến kinh đô Cổ Loa trong thời đại kim khí. Đây là vùng đất được con người chiếm cứ từ rất sớm và là một trong những tộc người Việt cổ đầu tiên ở châu thổ sông Hồng. Chị cho biết, ngành khảo cổ đã tìm thấy ở đây hàng vạn mũi tên, hàng trăm lưỡi cày, rìu cuốc và nhiều trống đồng. Trống Cổ Loa là một trong ba chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất và cổ xưa nhất. Cổ Loa sớm trở thành trung tâm giao lưu với nhiều vùng và là trung tâm kinh tế. Trên cơ sở đó vua Thục An Dương Vương đã cho xây dựng tòa thành Cổ Loa. Đây là công trình vĩ đại thể hiện tài trí và sức lực của những tộc người Việt cổ cùng góp công sức xây dựng kinh đô đầu tiên của quốc gia.
Về Hoàng Thành Thăng Long, chị ngậm ngùi khi nhắc, đây chính là trung tâm Cấm thành Thăng Long xưa. Qua nghiên cứu chỉnh lý các di vật đồ gốm sứ, đồ sành và vật liệu kiến trúc có thể khẳng định phần lớn đều là đồ ngự dụng (đồ dùng riêng của Hoàng cung) với hoa văn hình rồng năm móng đặc sắc. Trên cơ sở giám định niên đại của hơn 5.000 hiện vật tiêu biểu, hoàn thành đo vẽ kỹ thuật và hoàn chỉnh hồ sơ hơn 3.000 bản vẽ… cho thấy trong nhiều thời kỳ, kinh thành Thăng Long luôn có mối quan hệ, giao lưu kinh tế với bên ngoài: Trung Quốc, Tây Á (giai đoạn thế kỷ 7-9); Trung Quốc, Nhật Bản (giai đoạn thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 -18). Các di vật này cũng cho thấy các cung điện thời Lý – Trần được trang trí rất cầu kỳ, đẹp và mang sắc thái văn hóa dân tộc độc đáo, thể hiện trình độ kỹ thuật cao.
Chị nói mà không hề cao giọng: Những kết quả khảo cổ trên là một chứng cứ khoa học đặc biệt quý giá giúp chúng ta có một thái độ cư xử đúng mực với các di sản của cha ông, đặc biệt là trên mảnh đất “Thăng Long ngàn năm văn vật”.
Nguyễn Thị Hậu là một trong những người tổ chức nên cuộc trưng bày “Cổ vật Hoàng thành Thăng Long” (tại bảo tàng lịch sử VN – TPHCM). Chị nói, đây không chỉ vì trách nhiệm công việc, mà còn là một lời cám ơn với mảnh đất nơi mình đã lớn lên. Chị nhắc câu thơ nổi tiếng của thi tướng Hùynh Văn Nghệ:
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống lạc Hồng.
Từ thủa mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Tôi đủ biết tình chị với Hà Nội. Nó vừa đầy xúc cảm nguyên sơ bồng bột, vừa sâu thẳm của người đã thấm cái lẽ có và mất.
Biết chị là nhà khoa học, và viết văn, tôi và Nguyễn Thị Hậu đã có nhiều cuộc trao đổi, tranh luận về các chủ đề nhân văn. Phải nói, Hậu là người có tư duy thông thoáng và cởi mở. Chị đọc nhiều, chịu lắng nghe, thậm chí chị nghe và hiểu được ngay tinh thần hậu hiện đại do một số văn hữu chúng tôi, vốn hay phổ biến bằng cách phát ngôn và phát tiết khá văng mạng, chủ yếu trong những cuộc nhậu. Thời chị học, chưa có những lý thuyết như thế, nhưng chị rất chịu khó cập nhật. Bởi theo chị, lịch sử là quá trình đi tìm dấu vết con người. Mà đời sống con người, thời nào cũng thế, chứa đầy những điều nghịch dị, không bao giờ xuôi xị và thẳng thớm như nhiều diễn giải giản đơn, vì ngây thơ hoặc vì minh hoạ.
Qua chị, cánh nhà văn nhà báo chúng tôi mới rõ hơn nhiều điều liên quan đến lịch sử. Như, điểm mới từ  hội nghị khảo cổ học toàn quốc 9.2008 là Việt Nam đẩy mạnh khảo cổ học phục vụ cho việc phát  triển  các công trình lớn của Nhà nước. Vấn đề này thế giới làm từ lâu. Hay như cách nhìn mới về “công/tội” của triều Nguyễn, về vai trò của chúa Nguyễn  Hoàng, hay về vị trí của Chămpa trong lịch sử nước ta. Và cả Chân Lạp, Phù Nam… Tưởng như chân lý giản đơn, nhưng hoá ra “thông thường, khi nghiên cứu văn hóa dân tộc, người ta chưa thoát được sự  nghiên cứu văn hóa của tộc người chủ đạo mà “quên mất” những tộc người khác trong đất nước mình”.
Trong con người chị, dường như mọi việc được sắp xếp gọn gàng đâu ra đấy, mà vẫn rất uyển chuyển đàn bà. Chị đi vì nghề nghiệp, và đi vì thích xê dịch. Nhưng chị cũng là con người của gia đình và con cái. Khoa học, quản lý, văn chương, gia đình, con cái, bạn bè… Tất cả chu toàn vì bản tính thích chăm lo và nhường nhịn của chị. Cộng đồng khoa học biết đến TS Nguyễn Thị Hậu nghiên cứu nghiêm túc, cộng đồng blogger biết đến cái nick Hậu – khảo – cổ vui vẻ, ấm áp.
Và người Hà Nội, luôn nhớ đến Hậu, như nhớ một người Hà Nội.
Cũng như Hậu, luôn nhớ về Hà Nội, nhớ để trở về.
Tôi nhớ những đoạn văn của chị, có thể khiến người ta phát khóc:
“Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang chợ hoa Nhật Tân vào lúc rạng ngày đang sáng, để cùng ngắm những cành hoa đủ màu đủ sắc còn đẫm sương đêm, nồng nàn hương thơm…
Bao lần trở về mình đã muốn cùng bạn chầm chậm theo sau gánh hàng hoa, chỉ vì màu vàng đến nao lòng của cúc mùa thu phía sau tấm lưng ong cần mẫn của những người chị người cô đang âm thầm làm đẹp cho thành phố…
Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang nơi phố nhỏ thoang thoảng hương ngâu. Một ngọn đèn in hình những bông hoa loa kèn nghiêng đầu duyên dáng sau ô cửa nhỏ khuất tấm rèm lay nhẹ …
Bao lần trở về mình đã muốn cùng bạn lang thang làng nhỏ ven đê, chợt một hồ sen hiện ra, búp sen nụ sen ấp e, trinh bạch…
Bao lần trở về là bao lần mình mong muốn… cũng là bao lần mình lại một mình như thế…”

Box: “Như tôi biết, các nhà khảo cổ học, sử học nói riêng, những người làm khoa học, nghiên cứu nói chung đều  muốn công bố kết quả công  trình của mình. Còn thời nào cũng vậy, chính quyền luôn quan tâm việc thông tin như thế nào để tìm được sự đồng thuận trong dân chúng mà vẫn bảo đảm những nguyên tắc chính trị. Lịch sử cho thấy thời kỳ nào dân chúng và nhà cầm quyền đồng thuận đồng lòng thì các vấn đề quốc gia  được giải quyết nhanh” – Nguyễn Thị Hậu

- TS Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958, quê ở Chợ Mới, An Giang, tốt nghiệp khoa Lịch sử, chuyên ngành khảo cổ học năm 1980 tại trường Đại học tổng hợp TPHCM. Nguyễn Thị Hậu là nữ chuyên gia khảo cổ hiếm hoi ở phía Nam nước ta hiện nay. Chị là con út của nhà hoạt động sân khấu cải lương và kịch nói Nguyễn Ngọc Bạch – Ông từng là trưởng đoàn cải lương Nam bộ, phó giám đốc sở Văn hoá thông tin TP.HCM.

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN